Công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế

Theo Bộ Công Thương, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng đạt 9,76%, đóng góp 2,44 điểm phần trăm vào tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Chiều 23/10, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì buổi Họp báo thường kỳ quý 3/2024, thông tin về tình hình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2024.

Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: Thu Thảo/Mekong ASEAN.

Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: Thu Thảo/Mekong ASEAN.

Sản xuất công nghiệp tăng trưởng tích cực

Báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 9 tháng năm 2024, ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, cho biết sản xuất công nghiệp trong quý 3/2024 tăng trưởng tích cực hơn quý trước, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp ước tăng 9,59% so với cùng kỳ năm 2023.

Tính chung 9 tháng năm 2024, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 8,34% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 2,71 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

Trong đó, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính nhấn mạnh, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng 9,76%, đóng góp 2,44 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế (GDP 9 tháng ước tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước).

Ông Bùi Huy Sơn cũng chỉ ra một số sản phẩm công nghiệp chủ lực 9 tháng năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ năm trước, như: thép thanh, thép góc tăng 26,7%; xăng, dầu tăng 20,3%; thép cán tăng 16,8%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 15,9%; đường kính tăng 13,5%; phân hỗn hợp NPK tăng 13,3%; sữa bột tăng 12,1%; ô tô tăng 11,9%.

Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước như: khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 16,5%; khí hóa lỏng LPG giảm 15,0%; điện thoại di động giảm 7,6%; dầu mỏ thô khai thác giảm 5,9%; than đá (than sạch) giảm 4,2%; bia giảm 2,8%; Alumin giảm 2,3%.

Xuất nhập khẩu khởi sắc nhờ sự phục hồi của thị trường thế giới

Về xuất nhập khẩu hàng hóa, lãnh đạo Vụ Kế hoạch - Tài chính thông tin, với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 9 tháng năm 2024 đã có những khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực.

Tính chung 9 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 578,47 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 11%), trong đó xuất khẩu tăng 15,4% (cùng kỳ giảm 8,2%); nhập khẩu tăng 17,3% (cùng kỳ giảm 13,9%). Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 20,79 tỷ USD.

Ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: Thu Thảo/Mekong ASEAN .

Ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: Thu Thảo/Mekong ASEAN .

"Số liệu 9 tháng năm 2024 đã cho thấy những tín hiệu tích cực trong hoạt động xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp có 100% vốn trong nước, khi tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của khu vực này tăng 20,7%, cao gần gấp đôi so với khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với mức tăng 13,4%," ông Sơn nhận định.

Về thị trường xuất khẩu hàng hóa, trong 9 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn của nước ta đều có sự phục hồi tích cực và đạt mức tăng trưởng cao. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 89,4 tỷ USD, chiếm 29,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 27,4% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là thị trường Trung Quốc ước đạt 43,56 tỷ USD, tăng nhẹ 0,1% so với cùng kỳ năm trước.

Về nhập khẩu hàng hóa, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ 9 tháng năm 2024 đạt 278,84 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 100,85 tỷ USD, tăng 18,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 177,99 tỷ USD, tăng 16,5%.

Cũng theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch sơ bộ đạt 105 tỷ USD, chiếm gần 38% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước và tăng tới 32,5% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là Hàn Quốc ước đạt 41,46 tỷ USD, tăng 8,2%; ASEAN đạt 33,8 tỷ USD, tăng 12,3%;...

Nguồn cung hàng hóa thiết yếu trong nước được đảm bảo

Về thị trường trong nước, theo ông Bùi Huy Sơn, trong tháng 9, thị trường hàng hóa tại các tỉnh miền Bắc do chịu ảnh hưởng lớn của cơn bão số 3 (bão Yagi) nên nhu cầu tăng cao, tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ khô.

Bão và hoàn lưu bão gây mưa lớn, lũ lụt ngập úng làm thiệt hại nhiều diện tích trồng rau, hoa màu nên giá rau tại một số tỉnh phía Bắc có thời điểm tăng cao cục bộ.

Ảnh minh họa: Mekong ASEAN.

Ảnh minh họa: Mekong ASEAN.

Tuy nhiên, trong thời gian chịu ảnh hưởng của bão và hoàn lưu bão số 3, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương giao các doanh nghiệp phân phối, tiểu thương kinh doanh tại các chợ có phương án bảo đảm duy trì nguồn cung thường xuyên cho thị trường, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung - cầu, gây tăng giá bất hợp lý.

Trong tháng 9, nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước phục hồi cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành thương mại dịch vụ. Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước, và là mức tăng cao nhất kể từ đầu năm đến nay.

Chạy "nước rút" về đích kế hoạch năm 2024

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được trong 9 tháng vừa qua, lãnh đạo Bộ Công Thương nhận định, các tháng cuối năm 2024 cũng còn nhiều rủi ro và thách thức khó đoán định. Để đẩy mạnh hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2024, trong thời gian tới ngành công thương sẽ chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế.

Đáng chú ý, lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh mục tiêu hoàn thành đúng thời hạn các nhiệm vụ được giao tại chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của ngành Công Thương năm 2024, đặc biệt là các dự án sửa đổi, bổ sung các luật: Luật Điện lực (sửa đổi), Luật Hóa chất, hồ sơ xây dựng Luật phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả và các chiến lược, kế hoạch phát triển ngành.

Một nhiệm vụ cũng không kém phần quan trọng được Bộ Công Thương chỉ ra là đẩy nhanh hoàn tất trình Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực năng lượng như khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, cơ chế điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, chính sách phát triển điện gió ngoài khơi, cơ chế giá điện 2 thành phần, cơ chế khung giá các loại hình điện năng.

Thu Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/cong-nghiep-che-bien-che-tao-la-dong-luc-tang-truong-cua-toan-nen-kinh-te-34766.html