Theo trang tin từ trang web Eurasia Times của Ấn Độ, Tập đoàn hàng không vũ trụ khổng lồ Honeywell của Mỹ, bị nghi làm rò rỉ các bí mật quân sự như máy bay chiến đấu F-35 Lightning II, tiêm kích F-22 Raptor và máy bay ném bom B-1 cho một số quốc gia.
Honeywell bị cáo buộc vi phạm đạo luật Kiểm soát xuất khẩu vũ khí của Mỹ và Quy định buôn bán vũ khí quốc tế của Bộ Ngoại giao Mỹ. Công ty Honeywell bị phát hiện xuất khẩu một số tài liệu quan trọng, mà không được phép, bao gồm hàng chục bản vẽ kỹ thuật.
Các bản vẽ kỹ thuật này liên quan đến các thành phần của nhiều loại máy bay, tên lửa, xe tăng, động cơ tuabin khí và các sản phẩm điện tử quân sự. Những bản vẽ đã xuất khẩu, được mô tả là rất chi tiết.
Những bản vẽ trái phép này đã được xuất khẩu sang nhiều quốc gia bao gồm từ các quốc gia đồng minh của Mỹ như Canada, Mexico, Ireland và thậm chí là cả đối thủ đang lên của Mỹ là Trung Quốc.
Hiện tại, công ty Honeywell đã đạt được "hòa giải" với chính phủ Mỹ, và công ty này cần phải nộp phạt dân sự 13 triệu USD. Bộ Thương mại Mỹ đã đồng ý sử dụng 5 triệu trong số 13 triệu USD tiền phạt, với điều kiện Honeywell sử dụng số tiền này cho "các biện pháp tuân thủ khắc phục hậu quả".
Chính phủ Mỹ chọn cách đối xử "khoan hồng" với Honeywell, vì công ty này "tự nguyện" khai báo những vi phạm của mình cho chính phủ Mỹ. Tuy nhiên theo các nhà quan sát, lý do chính là công ty Honeywell nắm giữ quá nhiều công nghệ then chốt, không chỉ làm ảnh hưởng đến nền công nghiệp quốc phòng Mỹ mà cho cả nền kinh tế Mỹ.
Dữ liệu kỹ thuật liên quan trong "bản vẽ kỹ thuật" do Honeywell xuất trái phép, liên quan đến chương trình F-35 đắt đỏ nhất của Mỹ, tiêm kích F-22, máy bay ném bom chiến lược B-2, máy bay vận tải C-130, máy bay cường kích A-10, trực thăng AH-64D Longbow Apache.
Danh sách còn nối dài với bản vẽ động cơ xe tăng chiến đấu chủ lực M1A1, tên lửa hành trình Tomahawk và động cơ turboshaft T55 được sử dụng bởi trực thăng vận tải hạng nặng CH-47 và động cơ turboshaft CTS800 sử dụng cho trực thăng tàng hình Comanche.
Mặc dù trong những năm qua, cơ quan phản gián Mỹ đã ngăn chặn và bắt giữ nhiều gián điệp nước ngoài, vì tội ăn cắp những công nghệ thuộc bí mật quân sự; nhưng vụ việc rò rỉ bí mật từ "nội bộ" của Honeywell, đã gây ra những lo ngại nghiêm trọng.
Tuy nhiên Honeywell đã nói rõ rằng, các bản vẽ được xuất ra không chứa thông tin về các thiết bị và bộ phận liên quan đến bí mật quân sự. Công ty cho biết, những công nghệ xuất khẩu này đã được đánh giá là không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Công ty Honeywell cho biết, hoạt động của họ không chỉ trên lĩnh vực quốc phòng mà cả dân sự; và những công nghệ mà họ xuất khẩu, đã được thương mại hóa trên quy mô toàn cầu, mà không sợ bị tiết lộ quy trình sản xuất chi tiết, hoặc chuyên môn kỹ thuật của các thiết bị liên quan.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố, họ đã phát hiện ra công ty Honeywell đã xuất khẩu 71 bản vẽ. Những bản vẽ này liên quan đến một số bộ phận và linh kiện được sử dụng trên máy bay chiến đấu tàng hình F-35, F-22 và máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-1. Việc này đã gây thiệt hại cho an ninh quốc gia Mỹ.
Chính phủ Mỹ cũng tiết lộ rằng, Honeywell cuối cùng đã xác định được 71 bản vẽ đã được xuất khẩu không có giấy phép từ tháng 7/2011 đến tháng 10/2015. Năm 2018, Honeywell thừa nhận một lô bản vẽ khác được xuất khẩu mà không được phê duyệt, tương tự như các vi phạm trước đó.
Honeywell International Inc. là một tập đoàn đa quốc gia, được giao dịch công khai của Mỹ, có trụ sở chính tại Charlotte, Bắc Carolina. Công ty chủ yếu hoạt động trong bốn lĩnh vực kinh doanh: hàng không vũ trụ, công nghệ xây dựng, vật liệu và công nghệ cao cũng như các giải pháp an toàn và năng suất. Nguồn ảnh: Pinterest.
Trung Quốc khẳng định tiêm kích J-20 của nước này hiện đại hơn cả chiến đấu cơ F-35 và F-22 Raptor. Nguồn: CNBC.
Tiến Minh