Công ty tài chính đẩy mạnh số hóa
Tín dụng tiêu dùng tăng cao, nhất là khi nhu cầu mua sắm và thanh toán online tăng mạnh trước làn sóng công nghệ số ngày càng lan tỏa, khiến các công ty tài chính đẩy mạnh đầu tư công nghệ để thu hút khách hàng.
Ông Phạm Minh Tùng, Trưởng nhóm nghiên cứu Nielsen Việt Nam cho biết, công nghệ đang tạo ra xu hướng mới trong kinh doanh, tiêu dùng trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, sự tiện lợi trong mua sắm tiêu dùng trực tuyến đã thu hút nhiều người mua hàng và thanh toán online, bao gồm mua hàng xuyên biên giới.
Nhu cầu tiêu dùng cao góp phần dẫn tới tín dụng tiêu dùng tăng cao, nhưng để thu hút khách hàng vay vốn, các công ty tài chính phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, qua đó đáp ứng thị hiếu và xu hướng vay tiêu dùng qua ứng dụng công nghệ hiện đại.
Ðại diện FE Credit, cho biết, trước đây, khách hàng nhận khoản vay và giới thiệu bạn bè, nhưng giờ có thể thông qua mạng xã hội, Internet và ứng dụng (apps).
Do đó, các công ty tài chính phải tạo ra trải nghiệm đa kênh cho khách hàng, đẩy mạnh tự động hóa theo nhiều cách khác nhau như sử dụng công nghệ nhận diện chữ viết, nhận diện tiếng nói, chữ ký điện tử, chuyển từ giọng nói thành văn bản và ngược lại, đồng thời sử dụng nền tảng dữ liệu lớn để đưa ra sản phẩm vay phù hợp hơn với khách hàng...
“Có nhiều lợi ích khi áp dụng công nghệ: quản trị rủi ro và thay đổi khách hàng tốt hơn. Quản trị rủi ro có thể thay đổi trong vòng một ngày và doanh nghiệp có thể tiếp cận khách hàng bất cứ ở đâu, chi phí hoạt động cho vay giảm xuống, tự động hóa tăng cường và doanh nghiệp phục vụ nhiều khách hàng hơn”, ông Kalidas Chose, Tổng giám đốc FE Credit nói.
Sự chuyển đổi số hóa là yêu cầu từ thực tế, song FE Credit không dừng lại ở đó, mà còn triển khai thêm các giải pháp tiện ích khác để đáp ứng nhu cầu của từng tệp khách hàng khác nhau trong tổng số khách hàng đa dạng của Công ty, nhằm tăng doanh thu.
Nhưng làm thế nào để có thể hiện diện được các sản phẩm dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ cao của Công ty trong nhu cầu tiêu dùng của khách hàng cũng là vấn đề cần được quan tâm.
Theo ông Kalidas Chose, các doanh nghiệp làm chủ công nghệ và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong ngành dịch vụ tài chính ở Việt Nam mới có thể gia tăng được hiệu quả.
Ở FE Credit, Ban lãnh đạo Công ty rất chú trọng điều này, để mang lại những trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.
Chẳng hạn, Công ty đã ra mắt ứng dụng $NAP. Nếu như trước đây, quy trình cho vay mất 4 - 5 ngày thì thông qua ứng dụng $NAP, thời gian chỉ còn 15 phút và quy trình duyệt vay không có sự tham gia của con người. Với hơn 50% thị phần, FE Credit hiện là công ty tài chính tiêu dùng áp dụng nhiều giải pháp số hóa để nâng cao trải nghiệm người dùng.
Ông Nguyễn Hoàng Ly, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Finteck cho rằng, công nghệ tài chính giúp doanh nghiệp tiếp cận những thị trường mới nhanh hơn và mạnh hơn.
Tuy vậy, công nghệ cũng đồng thời mở ra cơ hội tương đương cho các đối thủ, vì vậy doanh nghiệp phải đổi mới sản phẩm và kỹ năng phục vụ liên tục để có thể cạnh tranh.
Sự phát triển của thị trường thanh toán không tiền mặt, đặc biệt là ví điện tử đã có những bước chuyển mình nhanh chóng trong thời gian qua.
Lãnh đạo các công ty hàng đầu về cung cấp dịch vụ ví điện tử như Momo, Payoo, SmartPay đã chia sẻ cách mà họ dần thay đổi thói quen tiêu dùng để tạo ra lớp khách hàng mới.
Tuy nhiên, theo đánh giá của PSG.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính, Ðại học Kinh tế TP.HCM, các ví điện tử đang cạnh tranh khốc liệt khi có nhiều ví tham gia, song cũng còn phụ thuộc vào chính sách tiền tệ và sự kiểm soát của cơ quan quản lý.