Công ty tài chính tiêu dùng: 'Cựa' trong chăn hẹp
Đầu năm 2023 thì 'bạc đầu lo thanh khoản', còn những ngày cuối năm thì 'bạc đầu gói ghém'… là tình cảnh của các công ty tài chính tiêu dùng năm qua.
“Te tua, suy sụp, buồn lắm…”
Đó là những cụm từ được đề cập liên tục trong câu chuyện giữa Báo Đầu tư Chứng khoán và lãnh đạo các công ty tài chính tiêu dùng thời gian qua. Không buồn sao được khi 2023 thực sự là một năm u ám với nhóm doanh nghiệp này.
Nguyên nhân được chỉ rõ, thứ nhất, hoạt động kinh doanh không khả quan trước. Tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn và nền kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, khó lường, dẫn đến hoạt động cho vay nói chung và đặc biệt là cho vay tiêu dùng nói riêng gặp nhiều thách thức với tỷ lệ tăng trưởng thấp. Được biết, đến cuối tháng 9/2023, dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống chỉ tăng khoảng 1,53% so với cuối năm 2022 (mức tăng rất thấp so với bình quân 5 năm qua).
Thứ hai, tỷ lệ nợ xấu trong tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống có xu hướng gia tăng (khoảng gần 3,7% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng, trong khi từ năm 2018 đến năm 2022, tỷ lệ nợ xấu này chỉ trên/dưới 2%).
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam còn cho rằng, tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính có nguy cơ tăng trên 15%, nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao.
Thứ ba, đó là câu chuyện khả năng thu hồi nợ kém; trong đó, khách hàng cố tình không trả nợ, người trước khuyên người sau không trả nợ, thậm chí cán bộ công ty đến đòi nợ hoặc nhắc nợ thì chống đối, tố cáo, vu khống cán bộ là dùng biện pháp manh động để đòi nợ đến chính quyền; các hội nhóm rủ nhau “bùng nợ” tràn lan trên mạng xã hội kéo theo nhiều hệ lụy cho các tổ chức tín dụng nhưng không bị xử lý…
Tổng giám đốc một công ty tài chính cho biết: “Quy định đòi nợ ‘lịch sự’ trên thực tế cũng làm giảm khả năng thu hồi nợ của các công ty”.
“Tất cả những điều trên làm cho hoạt động thu hồi nợ, đặc biệt là nợ tín dụng tiêu dùng của tổ chức tín dụng gặp rất nhiều khó khăn, một số tổ chức tín dụng buộc phải chủ động cắt giảm danh mục cho vay tiêu dùng, tránh nợ xấu tiếp tục phát sinh”, ông Hùng nhấn mạnh.
Và điều gì phải đến đã đến. Thị trường truyền tai nhau Công ty tài chính A lỗ vài trăm tỷ, Công ty tài chính B lỗ vài nghìn tỷ và giảm hàng nghìn nhân viên, Công ty tài chính C “úp mặt vào tường”… Lãnh đạo các công ty tài chính chung tâm trạng: “Đầu năm 2023 thì ‘bạc đầu lo thanh khoản’, còn những ngày cuối năm thì ‘bạc đầu gói ghém’”…
Lạc quan thận trọng
Đến cuối tháng 9/2023, dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống chỉ tăng khoảng 1,53% so với cuối năm 2022 (mức tăng rất thấp so với bình quân 5 năm qua).
Bất chấp những lo ngại về suy thoái kinh tế, người tiêu dùng Việt Nam lạc quan hơn về tương lai so với những người tiêu dùng ở các nước khác trong khu vực. Nghiên cứu của UOB về tâm lý người tiêu dùng ASEAN (ACSS) năm 2023 được công bố vào đầu tháng 11/2023 đã chỉ ra rằng người tiêu dùng ở Việt Nam có tâm lý lạc quan hơn so với người tiêu dùng ở Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia. Hơn 3 trong 4 người trả lời khảo sát tại Việt Nam cho biết họ kỳ vọng sẽ có tình hình tài chính tốt hơn vào thời điểm tháng 6 năm sau. Trong cuộc khảo sát, 76% số người ở Việt Nam kỳ vọng mình sẽ có tình hình tài chính tốt hơn vào tháng 6 năm sau, tiếp theo là Indonesia (74%) và Thái Lan (68%).
Ông Paul Kim, Giám đốc Khối dịch vụ tài chính cá nhân, Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết: “Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở Việt Nam đã giúp cho người tiêu dùng Việt Nam cảm thấy lạc quan hơn về sức khỏe tài chính của họ so với người tiêu dùng trong khu vực”.
Lạm phát gia tăng là mối lo ngại hàng đầu ở ASEAN, với 62% số người khảo sát đồng ý rằng đây là mối lo lắng lớn nhất của họ, trong khi 57% lo ngại về chi phí sinh hoạt tăng cao. So với khu vực, tỷ lệ người được khảo sát ở Việt Nam bày tỏ quan ngại về hai lĩnh vực này cũng cao hơn, lần lượt là 66% và 62%.
Ba mối quan tâm tài chính hàng đầu ở Việt Nam là khả năng để dành tiền tiết kiệm (32%), khả năng duy trì lối sống hiện tại (32%) và khả năng đáp ứng nhu cầu tài chính và chăm sóc sức khỏe của cha mẹ (30%). Do đó, người tiêu dùng thận trọng hơn với tài chính…
Thực tế cho thấy, thị trường cho vay tiêu dùng đang gặp khó khăn, song theo nhận định của các nhà phân tích, “khó khăn chỉ là tạm thời” bởi chuyên gia của FiinGroup nhấn mạnh: “Việt Nam được xem là một trong những quốc gia châu Á có thị trường tài chính tiêu dùng giàu tiềm năng với dân số 100 triệu người, độ tuổi trung bình trẻ (33,7 tuổi) cùng với sự phát triển kinh tế ổn định, mức tiêu dùng của người dân ngày càng tăng”.
Đáng chú ý trong Nghiên cứu của UOB về Tâm lý người tiêu dùng ASEAN, 3 trong 5 người tiêu dùng ở Việt Nam quan tâm muốn tìm hiểu thêm về đầu tư bền vững; 40% cho biết họ đã đưa các khoản đầu tư bền vững vào danh mục đầu tư của mình và 58% sẽ xem xét thực hiện đầu tư bền vững nếu nó phù hợp với khẩu vị rủi ro của họ; 9 trong số 10 người tiêu dùng nói rằng đầu tư bền vững giúp đạt được mục tiêu kép là đạt được lợi nhuận tài chính đồng thời có lợi cho môi trường.
Và câu chuyện kinh doanh có trách nhiệm
Ông Pham Ngọc Khang, Giám đốc tài chính Home Credit cho biết, Công ty đặt ESG là trọng tâm trong cam kết kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam và Home Credit cũng là công ty tài chính tiêu dùng tiên phong ở Việt Nam áp dụng ESG trong mọi hoạt động. Theo đó, việc áp dụng ESG trong mọi hoạt động được thể hiện rõ nét ở 2 khía cạnh: thứ nhất, kinh doanh có trách nhiệm; thứ hai là hỗ trợ cộng đồng.
Về kinh doanh có trách nhiệm, Home Credit đã tăng cường đầu tư vào tài chính toàn diện để giúp những đối tượng dưới chuẩn ngân hàng tiếp cận các dịch vụ tài chính (chiếm khoảng 69%), phù hợp với định hướng chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia của Chính phủ năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Về hỗ trợ cộng đồng, một trong những điểm nhấn của Home Credit là dự án “Home for Life” - Đồng hành cùng phụ nữ làm chủ cuộc sống. Gần 10 năm nay, Home Credit phối hợp cùng Hội Liên hiệp phụ nữ các địa phương triển khai các gói vay và chương trình hỗ trợ tài chính cũng như sinh kế cho phụ nữ khó khăn tại các địa phương trên toàn quốc, với tổng số vốn hỗ trợ lên đến gần 3 tỷ đồng. Nhờ đó, hàng trăm phụ nữ khó khăn cùng gia đình đã được hỗ trợ cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Cũng với tầm nhìn phát triển bền vững, VietCredit lấy công nghệ làm nền tảng để phát triển hệ sinh thái tài chính, phục vụ nhu cầu của thị trường. Công ty áp dụng quy trình eKYC kỹ thuật số qua ứng dụng di động, giúp giảm thời gian từ khi đăng ký đến giải ngân chỉ trong 24 giờ. Khách hàng dễ dàng rút tiền tại hơn 21.000 máy ATM, thanh toán trực tiếp hoặc thanh toán tại hơn 300.000 POS phủ sóng toàn quốc...
Đồng thời, VietCredit tập trung sử dụng nền tảng công nghệ hiện đại để tối ưu hóa trải nghiệm người dùng. Trong năm 2022, Công ty đã hợp tác cùng FPT IS triển khai dịch vụ xác thực căn cước công dân gắn chip với giải pháp chống giả mạo xác thực số FPT.IDCheck, giúp bảo vệ dữ liệu khách hàng bằng hệ thống an ninh đa lớp.
Ngoài hoạt động kinh doanh, VietCredit còn triển khai nhiều hoạt động cộng đồng ý nghĩa như: đồng hành cùng Operation Smile mang đến nụ cười cho trẻ em, chung tay xây dựng trường học tại vùng cao và hỗ trợ học bổng cho trẻ em nghèo hiếu học, tổ chức các chuyến xe đưa người lao động về quê đón Tết, hỗ trợ đồng bào vùng thiên tai…