Cuộc tấn công của Israel đẩy Iran vào thế 'tiến thoái lưỡng nan' khó thoát

Những trụ cột chính trong chiến lược an ninh của Iran đã bị lung lay bởi những cuộc tấn công gần đây của Israel.

Một bảng quảng cáo có hình các nhà lãnh đạo Iran, Israel và Mỹ tại một khu vực sầm uất của thủ đô Tehran, Iran (Ảnh: Reuters)

Một bảng quảng cáo có hình các nhà lãnh đạo Iran, Israel và Mỹ tại một khu vực sầm uất của thủ đô Tehran, Iran (Ảnh: Reuters)

Cuộc tấn công của Israel diễn ra vào rạng sáng ngày 26/10 đã được dự đoán từ sau cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo quy mô lớn của Iran vào ngày 1/10. Điều chưa biết là thời điểm chính xác và các mục tiêu mà giới lãnh đạo Israel sẽ lựa chọn. Phải mất vài ngày nữa để có được bức tranh đầy đủ về thiệt hại gây ra, nhưng có điều đã rõ ràng: cuộc tấn công có phạm vi hạn chế, nhưng tác động lại rất đáng kể.

Những tuần không chắc chắn về việc Israel sẽ chọn mục tiêu nào đã khiến cho rất nhiều bên – từ Nhà Trắng đến các nước Arab, các thị trường tài chính cho đến cộng đồng người nước ngoài ở vùng Vịnh – đều lo lắng và sợ hãi về khả năng xung đột leo thang. Ở mức cao hơn trong danh sách mục tiêu là các vị trí lãnh đạo, cơ sở hạt nhân và các công trình năng lượng. Ở mức trung bình là các địa điểm quân sự, bao gồm hệ thống phòng không và các nhà máy sản xuất tên lửa, máy bay không người lái.

Tấn công các mục tiêu ở cấp cao hơn sẽ có nguy cơ dẫn đến chiến tranh toàn diện, điều mà không quốc gia nào mong muốn. Việc lựa chọn các mục tiêu ở mức trung bình là cách để Israel gửi thông điệp buộc Iran rút lui.

Như vậy, Israel một lần nữa chứng tỏ sự vượt trội về quân sự trước đối thủ truyền kiếp của mình. Quốc gia này vẫn là cường quốc duy nhất trong khu vực có thể thực hiện thành công các cuộc tấn công như vậy – thực tế, hầu hết các quân đội ở châu Âu cũng khó có thể làm được điều tương tự. Một số người ở Israel, chẳng hạn như ông Yair Lapid, lãnh đạo phe đối lập, cho rằng quy mô của cuộc tấn công là một sai lầm và rằng Israel nên tung đòn trả đũa mạnh hơn với Iran.

Một yếu tố quan trọng đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và ứng cử viên đảng Dân chủ Kamala Harris mong muốn tránh một cuộc chiến mở rộng, bởi nó sẽ khiến sự bất mãn trong nội bộ đảng của họ tăng cao hơn khi sắp đến ngày bầu cử. Nhưng dù ai thắng vào ngày 5/11, giai đoạn trước ngày Tổng thống mới tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2025 sẽ là thời điểm tối đa hóa nguy cơ cho chính quyền Mỹ và khu vực.

Chính quyền Biden sẽ tuyên bố rằng lời khuyên của họ đã góp phần hạn chế Israel. Họ nói rằng cuộc tấn công lần này nên là “kết thúc” các cuộc tấn công qua lại trực diện giữa Israel và Iran, cũng như từng tin rằng việc ám sát ông Yahya Sinwar và ông Hassan Nasrallah sẽ có tác động quyết định đến giao tranh ở Gaza và Lebanon. Tuy nhiên, điều này hóa ra chỉ là suy nghĩ thiếu thực tế của người Mỹ.

Iran, sau khi lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei ra tín hiệu sẽ tung đòn trả đũa, hiện đang đối mặt với tình thế khó xử ngày càng sâu sắc: chấp nhận nhượng bộ và trông yếu kém, từ đó kích thích thêm các cuộc tấn công; hoặc đáp trả và có nguy cơ thất bại toàn diện.

Mất đi các hệ thống phòng không khiến Iran dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công tiếp theo. Việc các nhà máy sản xuất tên lửa của họ bị hư hại cũng đồng nghĩa với việc Iran khó có thể nhanh chóng bổ sung kho vũ khí để tiếp tục chiến đấu, trong khi Israel lại nhận được thêm các hệ thống phòng thủ và thiết bị đánh chặn từ Mỹ và các nước khác.

 Thủ đô Tehran của Iran trong thời điểm bị Israel tấn công rạng sáng 26/10 (Ảnh: Reuters)

Thủ đô Tehran của Iran trong thời điểm bị Israel tấn công rạng sáng 26/10 (Ảnh: Reuters)

Các vấn đề của Iran còn sâu xa hơn thế. 2 trong 3 trụ cột trong chiến lược an ninh của nước này đang bị lung lay. Các lực lượng dân quân thân Iran ở Lebanon, Palestine và Syria đã bị suy yếu, không còn khả năng răn đe và trừng phạt Israel. Khôi phục chúng sẽ mất nhiều thập kỷ và thậm chí là không thể.

Kho vũ khí tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và máy bay không người lái của Iran cũng không đạt được hiệu quả quân sự như kỳ vọng. Giờ đây, Iran cần bổ sung kho vũ khí và phát triển công nghệ tiên tiến hơn.

Trụ cột cuối cùng của chiến lược – chương trình hạt nhân của Iran – trở nên dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết, và việc đẩy nhanh quá trình chế tạo bom có thể kích động cuộc chiến mà Iran đang cố gắng tránh khỏi

Các lựa chọn trả đũa của Iran đang thu hẹp dần. Do đó, nước này có thể tìm kiếm các mục tiêu ít được phòng thủ hơn, như các cơ sở và lợi ích của Mỹ ở các quốc gia vùng Vịnh. Lo ngại gia tăng trong khu vực này là lý do khiến Arab Saudi, UAE và các nước khác nhanh chóng lên án các cuộc tấn công của Israel và đề xuất giải pháp ngoại giao.

Sau cùng, Israel vẫn kiểm soát được mức độ leo thang và có thể quyết định tận dụng lợi thế của mình. Hiện tại, ông Netanyahu là lãnh đạo duy nhất ở Trung Đông có thể tự do hành động theo ý mình, ngay cả khi ông chứng kiến những quốc gia khác, bao gồm cả Mỹ, phải nhượng bộ và điều chỉnh.

Giới chức Israel tin rằng năng lực tác chiến và thành công của quốc gia này trên chiến trường sẽ vượt qua những lo ngại chính trị và đạo đức mà Mỹ, châu Âu và các nước Arab có thể có về cách họ tiến hành các cuộc chiến này.

Ông Netanyahu chắc hẳn đã hài lòng khi ông Donald Trump gần đây đã nói với ông trong một cuộc điện đàm rằng hãy “làm điều ông cần làm”. Các nhà hoạch định quốc phòng của ông có lẽ đang đề xuất thêm nhiều ý tưởng khác. Nhưng, giống như Iran, ông Netanyahu cũng nên cẩn trọng trước cạm bẫy của sự kiêu căng.

Theo Financial Times

Thu Quyên

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/cuoc-tan-cong-cua-israel-day-iran-vao-the-tien-thoai-luong-nan-kho-thoat-post179574.html