Đà bán tháo vì biến thể Omicron chấm dứt, chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới
Chứng khoán Mỹ khởi sắc phiên thứ ba liên tiếp, chỉ số S&P 500 đạt mức kỷ lục trong ngày 23/12 khi nhà đầu tư tạm gác lại những mối lo về sự lây lan của biến thể Omicron.
Chốt phiên giao dịch ngày thứ Năm, chỉ số Dow Jones leo dốc 196,67 điểm, tương đương 0,55%, lên mức 35.950,56 điểm. Chỉ số S&P 500 cộng 0,62% lên 4.725,79 điểm và đóng cửa ở mức cao kỷ lục. Chỉ số Nasdaq Composite cũng tăng 0,85%, đạt 15.653,37 điểm.
Phiên giao dịch bùng nổ diễn ra trên diện rộng mặc dù khối lượng giao dịch giảm xuống mức thấp trước kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới. Cổ phiếu ngân hàng ghi nhận mức tăng ấn tượng, bên cạnh cổ phiếu công nghệ như Microsoft và Nvidia.
Chiến lược gia Jim Paulsen của Leuthold Group nhận xét: “Thị trường chứng khoán Mỹ hồi phục mạnh mẽ trong tuần này sau khi nhà đầu tư đã thể hiện tâm lý sợ hãi quá đà vào tuần trước. Thị trường rũ bỏ tâm lý lo ngại vì đà bán tháo cuối cùng đã dừng. Chính vì vậy, những nhà đầu tư bắt đáy không muốn muốn bỏ lỡ một đợt tăng điểm dịp Giáng sinh, từ đó càng tạo ra lực đẩy cho thị trường”.
Giới đầu tư cũng phấn khích trở lại với tài sản rủi ro trong phiên giao dịch này nhờ những báo cáo mới cho thấy biến thể Omicron có nguy cơ phải nhập viện thấp hơn so với các biến chủng trước của Covid-19.
Bên cạnh đó, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Liên bang Mỹ (FDA) đã phê duyệt để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp đối với thuốc viên uống đặc trị Covid-19 của hãng dược phẩm Pfizer. FDA cũng phê chuẩn thuốc đặc trị Covid-19 của hãng Merck.
Tính chung từ đầu tuần, Dow Jones cộng 1,6%, S&P 500 và Nasdaq tăng lần lượt 2,3% và 3,2%. Thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa trong ngày thứ Sáu (24/12), nghỉ lễ Giáng sinh. Những cổ phiếu liên quan đến việc tái mở cửa kinh tế thuộc nhóm tăng mạnh nhất trong tuần này, như Carnival nhảy vọt gần 16%, Hilton Worldwide tăng 9,8%.
Về dữ liệu kinh tế, số liệu được công bố ngày 23/12 cho thấy nền kinh tế Mỹ tiếp tục phục hồi mạnh, thể hiện qua thị trường lao động và tiêu dùng tăng trưởng tốt, nhưng lạm phát vẫn đang ở mức đáng ngại.
Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần (kết thúc vào ngày 18/12) là 205.000, ngang với dự báo. Số đơn đặt mua hàng hóa lâu bền trong tháng 11 tăng 2,5%, cao hơn mức dự báo tăng 1,5%. Thu nhập và tiêu dùng cá nhân đều tăng trong tháng 11.
Tuy nhiên, lạm phát vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), một thước đo lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ưa chuộng, trong tháng 11 tăng 0,6% so với tháng trước. PCE lõi trong tháng 11 tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 4,5% mà giới phân tích dự báo./.