Đắk Lắk kêu gọi các dự án du lịch sinh thái, xây dựng 'Thành phố cà phê của thế giới'
Chia sẻ tại 'Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Đắk Lắk tại Hà Nội' chiều 1/4, ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk khẳng định: Đắk Lắk ưu tiên kêu gọi các dự án du lịch sinh thái, xây dựng Đề án phát triển thương hiệu Buôn Ma Thuột trở thành 'Thành phố cà phê của thế giới'.
Tài nguyên du lịch nhân văn có giá trị cao
Phát biểu trước lãnh đạo Tổng cục Du lịch Việt Nam và Hiệp hội Du lịch Việt Nam cùng nhiều doanh nhân tham dự hội nghị, ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh: Đắk Lắk là một trong 5 tỉnh Tây Nguyên, nằm ở trung tâm cao nguyên Nam Trung Bộ, nằm trong vùng tam giác phát triển của 3 nước Campuchia - Lào - Việt Nam và là trung tâm kinh tế - khoa học công nghệ của Tây Nguyên.
Mạng lưới giao thông nối liền với khu vực hành lang kinh tế Đông Tây của các nước ASEAN sẽ mở ra cơ hội giao lưu, đầu tư, trao đổi kinh tế văn hóa, tạo điều kiện cho kinh tế Đắk Lắk phát triển.
Với diện tích tự nhiên 13.030,50 km2, dân số gần 1,9 triệu người, có 49 dân tộc mang nhiều bản sắc văn hóa từ các vùng miền trong cả nước sinh sống, tài nguyên du lịch nhân văn của tỉnh có giá trị cao.
Đặc biệt, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Các di sản văn hóa vật thể như các loại nhạc cụ cồng chiêng, đàn đá, tre nứa, kiến trúc nhà dài, kiến trúc nhà mồ, công cụ lao động dệt thổ cẩm, tạc tượng, các lễ hội văn hóa cồng chiêng, hội voi, lễ hội cà phê, cúng bến nước, lễ bỏ mả... độc đáo đã và đang thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Trong đó, lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột đã được Chính phủ công nhận là lễ hội cấp quốc gia được tổ chức 2 năm một lần.
Ngoài ra, Đắk Lắk còn có nguồn tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn có khả năng đầu tư, khai thác phát triển sản phẩm du lịch sinh thái dựa vào địa hình cảnh quan đẹp, đa dạng của địa hình đồi núi xen kẽ bình nguyên và thung lũng, hệ thống thác ghềnh hùng vĩ.
Kêu gọi các dự án du lịch sinh thái, ưu tiên phát triển hệ thống khách sạn cao cấp
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho biết, định hướng đầu tư phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk theo hướng bền vững, khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên thiên nhiên, văn hóa truyền thống, đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; ưu tiên phát triển loại hình du lịch sinh thái, nông nghiệp, cộng đồng, di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề.
Tỉnh Đắk Lắk ưu tiên kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vườn rừng kết hợp du lịch trải nghiệm, nông nghiệp kết hợp với du lịch tại các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch (huyện Lắk, huyện Buôn Đôn, thành phố Buôn Ma Thuột).
“Chúng tôi ưu tiên phát triển hệ thống khách sạn cao cấp từ 3 - 5 sao tại thành phố Buôn Ma Thuột. Phát triển hệ thống biệt thự nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp tại các điểm du lịch cũng như hệ thống cơ sở lưu trú tại các khu du lịch, điểm du lịch, nhất là phát triển cơ sở lưu trú theo hình thức nhà ở có phòng cho thuê (homestay) tại một số thôn, buôn được quy hoạch để phát triển du lịch cộng đồng”, ông Thái Hồng Hà nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hà, Đắk Lắk đang tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch để phát triển các dịch vụ thương mại kinh doanh, mua sắm hàng hóa, dịch vụ chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vui chơi giải trí, giải trí về đêm (tập trung tại khu vực trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, huyện Lắk và huyện Buôn Đôn).
Tỉnh cũng xây dựng Đề án phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố Cà phê của thế giới”; phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa địa phương gắn với các di tích quốc gia.
Xây dựng và triển khai mô hình sản phẩm "du lịch thân thiện với voi nhằm tìm hiểu về đặc tính sinh hoạt hàng ngày của voi, ngắm voi từ xa; theo dõi voi ăn, tắm, ngủ, nghỉ; đi dạo cùng voi trong rừng Yok Don, Rừng Lịch sử Môi trường hồ Lắk, trong Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk….
Cùng với đó là hoàn chỉnh các dự án đầu tư, trùng tu, tôn tạo và phát huy di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Tập trung phát huy thế mạnh về di sản văn hóa của 49 dân tộc; hỗ trợ phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn, nông trại cũng như các sản phẩm, dịch vụ du lịch mạo hiểm như chèo thuyền Kayak vượt thác ghềnh trên sông Sêrêpôk, đi xe đạp địa hình băng rừng vượt suối, leo núi, cắm trại trong Vườn quốc gia Yok Don, Cư Yang Sin, Rừng đặc dụng Nam Ka, Rừng Lịch sử Văn hóa Môi trường Hồ Lắk.