Đảm bảo xác thực, bảo mật và trách nhiệm trong công chứng điện tử

Chiều 25/10, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Tại phiên họp, các đại biểu đề nghị quy định cụ thể với công chứng giao dịch bất động sản; đối với công chức điện tử cần thực hiện quy trình xác thực, bảo mật và trách nhiệm của các bên có liên quan...

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Về tiêu chí xác định các giao dịch phải công chứng, theo các đại biểu, giao dịch phải công chứng là giao dịch quan trọng, đòi hỏi mức độ an toàn pháp lý cao và được pháp luật quy định phải công chứng nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, thuận lợi trong việc áp dụng pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn Đắc Nông) đề nghị không quy định công chứng giao dịch về bất động sản theo địa hạt cấp tỉnh.

“Cho dù có quy định công chứng hợp đồng giao dịch bất động sản theo địa hạt cấp tỉnh hay không, công chứng viên vẫn hoàn toàn có quyền từ chối công chứng khi không đủ thông tin. Còn khi đã đủ thông tin thì họ sẽ tiến hành công chứng và phải chịu trách nhiệm đến cùng việc công chứng vào các hợp đồng giao dịch. Việc quy định công chứng hợp đồng giao dịch bất động sản theo địa hạt dẫn đến hạn chế quyền tiếp cận của người dân đối với dịch vụ công chứng”, ông Giang nêu quan điểm.

Đối với quy định về công chứng điện tử, đây là xu hướng quan trọng trong thời đại công nghệ số, đặc biệt trong bối cảnh Nhà nước ta đang tăng cường cải cách hành chính, hiện đại hóa dịch vụ công. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, quy định như trong dự thảo Luật còn thiếu các chi tiết cụ thể liên quan đến các vấn đề như: quy trình xác thực, bảo mật, điều kiện áp dụng và trách nhiệm của các bên có liên quan.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa Vũng Tàu) đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc cụ thể hóa một số nội dung cho hợp lý vào các điều luật. Đối với quy định về phạm vi áp dụng công chứng điện tử, hiện tại dự thảo chưa nêu rõ các loại giao dịch hợp đồng nào có thể áp dụng công chứng điện tử. Vì vậy, cần bổ sung phạm vi áp dụng công chứng điện tử nên được áp dụng cho các giao dịch đơn giản, không liên quan đến tài sản có giá trị lớn, hoặc những giao dịch phức tạp, đòi hỏi tính bảo mật cao như mua bán bất động sản, hợp đồng thừa kế quy định rõ ràng hơn về loại hình giao dịch mà công chứng điện tử có thể thực hiện.

Đa số ý kiến đề nghị bên cạnh các văn phòng công chứng được tổ chức theo mô hình công ty hợp danh thì tại các địa bàn cấp huyện có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển, khó khăn trong việc thành lập văn phòng công chứng theo công ty hợp danh thì văn phòng công chứng còn được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Điều này góp phần mở rộng sự lựa chọn của công chứng viên khi thành lập tổ chức hành nghề công chứng, tạo thuận lợi cho việc phát triển văn phòng công chứng ở địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình), đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) cho rằng việc quy định như dự thảo luật sẽ mở rộng sự lựa chọn công chứng viên khi thành lập tổ chức hành nghề công chứng và tạo thuận lợi cho việc phát triển văn phòng công chứng ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, để thuận tiện và thống nhất trong áp dụng, đề nghị quy định tiêu chí, nguyên tắc, địa bàn như thế nào là điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và dịch vụ chưa phát triển.

Theo đó, có thể giao cho Chính phủ hoặc giao cho UBND tỉnh quy định cụ thể về nội dung này để tránh trường hợp các văn phòng công chứng hiện nay đang hoạt động theo loại mô hình hợp danh xin chuyển đổi sang loại mô hình doanh nghiệp tư nhân sau khi luật có hiệu lực thi hành dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý nhà nước ở địa phương.

Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ có kế hoạch, giải pháp cụ thể và quyết liệt chỉ đạo để hoàn thành lộ trình xã hội hóa hoạt động công chứng. Việc giao Chính phủ quy định lộ trình này là phù hợp với thẩm quyền và trách nhiệm của Chính phủ trong việc tổ chức thi hành Luật, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, yêu cầu quản lý nhà nước, bảo đảm tính khả thi.

Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Theo đó, có nhiều điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) lần này. Một trong những vấn đề quan trọng là việc quy định các loại giao dịch phải công chứng.

Dự thảo Luật do Chính phủ trình ban đầu kế thừa quy định của Luật hiện hành, không quy định cụ thể các loại giao dịch phải công chứng trong Luật mà giao cho các luật chuyên ngành quy định. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phương án này “tạo linh hoạt hơn cho việc sửa đổi quy định về giao dịch phải công chứng tại các văn bản quy phạm pháp luật khác để phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính ổn định của Luật Công chứng”. Tuy nhiên, điều này cũng gây ra khó khăn cho người dân trong việc nắm bắt thông tin bởi các giao dịch phải công chứng hiện nay được quy định rải rác trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau như Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản...

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đọc báo cáo tiếp thu giải trình

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đọc báo cáo tiếp thu giải trình

Để giải quyết vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội bổ sung khoản 2 Điều 1 quy định về tiêu chí xác định các giao dịch phải công chứng, cụ thể là: “2. Giao dịch phải công chứng là giao dịch quan trọng, đòi hỏi mức độ an toàn pháp lý cao và được pháp luật quy định phải công chứng.” Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng giao Chính phủ chỉ đạo rà soát các giao dịch phải công chứng đang được quy định trong các luật, nghị định, thông tư hiện hành để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền và kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 1 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, bảo đảm phù hợp với tiêu chí quy định tại Luật Công chứng (khoản 12 Điều 78).

Bộ Tư pháp sẽ có trách nhiệm “rà soát, cập nhật, đăng tải các giao dịch phải công chứng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ (khoản 2 Điều 71)”

Về bảo đảm sự bình đẳng trong hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng, hiện nay, có hai loại hình tổ chức hành nghề công chứng là phòng công chứng và văn phòng công chứng. Dự thảo Luật ban đầu chưa quy định rõ ràng về số lượng công chứng viên của phòng công chứng, tiêu chuẩn bổ nhiệm trưởng phòng công chứng, điều kiện đối với công chứng viên đã thôi việc tại phòng công chứng tham gia đầu tư thành lập văn phòng công chứng, hợp danh vào văn phòng công chứng khác, dẫn đến lo ngại về sự bất bình đẳng giữa hai loại hình tổ chức này.

Nhằm giải quyết vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉnh lý Điều 17 của dự thảo Luật theo hướng bảo đảm phòng công chứng bình đẳng với văn phòng công chứng về điều kiện thành lập và hoạt động. Cụ thể, phòng công chứng phải có số lượng từ 2 công chứng viên trở lên (trừ phòng công chứng tại địa bàn cấp huyện có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển thì có thể có 1 công chứng viên); có trụ sở đáp ứng các điều kiện do Chính phủ quy định; trưởng phòng công chứng là công chứng viên đã hành nghề công chứng từ 2 năm trở lên. Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định công chứng viên đã thôi việc tại phòng công chứng muốn đầu tư thành lập văn phòng công chứng, hợp danh vào văn phòng công chứng khác phải đáp ứng các điều kiện tương tự như đối với công chứng viên của văn phòng công chứng.

Về mô hình tổ chức của văn phòng công chứng, dự thảo Luật ban đầu quy định văn phòng công chứng tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy rằng mô hình này có thể gây khó khăn cho việc thành lập văn phòng công chứng ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa do nguồn bổ sung công chứng viên còn hạn chế.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân tại các địa bàn cấp huyện có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển. Ưu điểm của phương án này là “mở rộng sự lựa chọn của công chứng viên khi thành lập tổ chức hành nghề công chứng, tạo thuận lợi cho việc phát triển văn phòng công chứng ở địa bàn vùng sâu, vùng xa do mô hình này chỉ yêu cầu 1 công chứng viên làm chủ”.

Về xã hội hóa hoạt động công chứng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không quy định cụ thể lộ trình xã hội hóa hoạt động công chứng trong Luật mà giao Chính phủ quy định nội dung này. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc giao Chính phủ quy định lộ trình là phù hợp với thẩm quyền và trách nhiệm của Chính phủ trong việc tổ chức thi hành Luật, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, yêu cầu quản lý nhà nước, bảo đảm tính khả thi.

Theo chương trình, ngày mai (26/10), các đại biểu thảo luận ở tổ, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Trần Hương

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/dam-bao-xac-thuc-bao-mat-va-trach-nhiem-trong-cong-chung-dien-tu-157125.html