Đang làm rõ có hay không dấu hiệu vi phạm

Lãnh đạo Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho hay đang chỉ đạo xác minh làm rõ việc một doanh nghiệp kinh doanh yến sào Khánh Hòa có trụ sở tại quận Bình Thạnh (TP. Hồ Chí Minh) xuất 6 hóa đơn với doanh số lên đến 34 nghìn tỷ đồng có vi phạm hay không, đồng thời báo cáo vụ việc lên Tổng cục Thuế.

Lần đầu quản lý lĩnh vực chứng khoán phái sinh

Liên quan doanh nghiệp yến sào này, báo cáo của Chi cục Thuế quận Bình Thạnh cho biết, doanh nghiệp (DN) có tên Công ty TNHH Yến sào Hubnest, thành lập ngày 11/10/2022 với vốn đăng ký 2,5 tỷ đồng, trụ sở nằm trên đường Phạm Văn Đồng (phường 11, quận Bình Thạnh).

Giao dịch tại Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Đỗ Doãn

Giao dịch tại Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Đỗ Doãn

Giải trình với cơ quan thuế, DN này cho biết, do công ty có kinh doanh chứng khoán phái sinh mã VN30, thực hiện giao dịch thông qua Công ty CP Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) bằng phương thức khớp lệnh. Doanh thu phát sinh trong quý I/2023 hơn 34.574 tỉ đồng. Hóa đơn đầu vào không phát sinh thuế giá trị gia tăng (GTGT), nhưng DN xác định giá trị mua vào trên tờ khai thuế GTGT thông qua bảng kê chi tiết giao dịch của HSC.

Chi cục Thuế quận Bình Thạnh dẫn quy định tại Luật Kinh doanh chứng khoán số 54/2019/QH14 và Nghị định 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hóa đơn chứng từ, đề xuất trường hợp công ty kinh doanh yến nhưng có phát sinh hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh thì khoản thu nhập này không chịu thuế GTGT theo quy định tại Thông tư 219/2013/TT-BTC nhưng vẫn phải lập hóa đơn theo quy định.

Hóa đơn đầu ra công ty này ghi nội dung là "Hợp đồng tương lai chỉ số VN30F2210 tháng 10/2022, VN30F2211 tháng 11/2022, VN30F2212 tháng 12/2022, VN30F2301 tháng 1/2023, VN30F2302 tháng 2/2023, VN30F2303 tháng 3/2023". Ở mục tên người mua là "khách hàng không lấy hóa đơn".

DN giải trình là do vòng quay vốn lớn và do đặc trưng của hoạt động chứng khoán phái sinh là tỷ lệ đòn bẩy rất lớn, gấp nhiều lần vốn. Chẳng hạn DN có thể sử dụng 25 triệu đồng tiền ký quỹ (tương đương 25%) để giao dịch một hợp đồng tương lai 100 triệu đồng và lập lại giao dịch mua bán nhiều lần trong ngày.

Theo Chi cục Thuế quận Bình Thạnh, Công ty TNHH Yến Sào Hubnest kinh doanh chứng khoán thuộc ngành, nghề kinh doanh đặc thù, có tính chất pháp lý phức tạp và đây là lần đầu tiên đơn vị gặp phải loại hình kinh doanh này trong quản lý thuế.

Làm rõ doanh nghiệp có vi phạm hay không?

Trao đổi với Thời báo Tài chính Việt Nam chiều 1/8, ông Thái Minh Giao - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị đang báo cáo sự việc lên cấp trên, đồng thời cho kiểm tra và xác minh làm rõ việc doanh nghiệp xuất hóa đơn như trên có phạm vi luật quản lý thuế hay luật kinh doanh chứng khoán không.

Nộp hồ sơ khai thuế tại Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Đỗ Doãn

Nộp hồ sơ khai thuế tại Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Đỗ Doãn

Trong khi đó, theo tìm hiểu của phóng viên về kinh doanh chứng khoán phái sinh, hoạt động này do hầu hết nhà đầu tư cá nhân thực hiện. Do việc ký quỹ chỉ với tỷ lệ 17%, nên các giao dịch thường có giá trị rất lớn. Một nhà đầu tư nếu giao dịch nhiều trong ngày thì doanh số giao dịch có thể lên hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng là bình thường.

Vấn đề ở đây là thuế. Nếu một nhà đầu tư cá nhân giao dịch phái sinh sẽ phải đóng thuế trên giá trị hợp đồng giao dịch, dù mua hay bán vẫn phải luôn nộp khoản thuế (thu nhập cá nhân) là 0,1% trên giá trị 17% của hợp đồng giao dịch. Còn việc DN sử dụng tài khoản để kinh doanh chứng khoán phái sinh có phải hạch toán nộp thuế (thu nhập doanh nghiệp) hay không, còn phải tùy thuộc vào lãi và lỗ. Nếu lãi thì mới đóng trên thu nhập.

Việc Công ty TNHH Yến sào Hubnest xuất 6 hóa đơn với số tiền hơn 34 nghìn tỷ đồng có vi phạm hay không sẽ sớm được cơ quan chức năng xác minh làm rõ. Nhưng thực tế này đã đặt ra cho cơ quan thuế phương thức quản lý đối với loại hình kinh doanh chứng khoán phái sinh - một loại hàng hóa đặc biệt sao cho hiệu quả nhất để tránh thất thu cho ngân sách nhà nước.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh và các chi cục trực thuộc đã thực hiện được 5.907 cuộc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp và 47.373 hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế, phát hiện nhiều vi phạm với tổng số tiền lên đến 6.869 tỷ đồng. Trong đó, tăng thu cho ngân sách nhà nước 1.978 tỷ đồng, giảm khấu trừ thuế giá trị gia tăng 189 tỷ đồng, giảm lỗ 4.701 tỷ đồng.

Đỗ Doãn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/dang-lam-ro-co-hay-khong-dau-hieu-vi-pham-133147.html