Dâng sao giải hạn là nhận thức lệch lạc
Tình trạng đổ xô đi cúng dâng sao giải hạn liệu có chuyển biến sau khi có hai văn bản chấn chỉnh của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và Giáo hội Phật giáo Việt Nam?
Kính thưa quý vị và các bạn!
Lâu nay, việc cúng dâng sao giải hạn đã được nói đến nhiều, nhiều chức sắc Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã lên tiếng rằng đạo Phật coi đây là việc mê tín, phản khoa học. Nhưng không vì thế mà chuyện này lắng đi.
Góc nhìn thẳng báo Vietnamnet đã có cuộc trao đổi với Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó viện trưởng Viện Phật giáo Việt Nam, Chủ trì Chùa Cảnh Huống xung quanh vấn đề giải hạn đầu năm, đặc biệt là sau văn bản của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng như Giáo hội Phật giáo hiện tượng đổ xô đi cúng dâng sao giải hạn có giảm bớt?
Xin cảm ơn Thượng tọa đã nhận lời tham gia trò chuyện.
Kính mời quý vị và các bạn xem video cuộc trao đổi với Thương tọa Thích Đạo Hiển dưới đây:
MC Trà Vân:Thưa Thượng tọa, thầy có thể nói khái quát về hiện tượng cúng dâng sao giải hạn tại chùa trong thời gian vừa qua, đặc biệt là tại chùa Phúc Khánh – nơi có rất nhiều người dân làm lễ đầu năm?
Thượng tọa Thích Đạo Hiển: Nhân dân ta có tín ngưỡng truyền thống tam giáo đồng nguyên. Phật giáo Việt Nam với vị trí là tôn giáo có lịch sử lâu đời đã hòa quyện tinh thần của đạo Phật, đạo lão, đạo nho. Trong Phật giáo, không có nghi thức dâng sao giải hạn hay còn gọi là nhương
tinh giải hạn. Đó là do thói quen của nhân dân gọi mà thôi. Còn trong Phật giáo, có khóa lễ cầu an để giải bạt nghiệp chướng cho mọi người. Hai cái đó có nhiều điểm khác biệt nhưng cũng có nhiều điểm tương đồng. Từ lâu đời, nhân dân ta có thói quen đến đền chùa, đến phủ...làm lễ cầu an mà nhân dân quen gọi là dâng sao giải hạn.
Thực chất, tại các chùa, nội hàm của khóa lễ ấy là khóa lễ cầu an. Các nhà sư lên khóa lễ đó hoàn toàn theo nghi thức của đạo Phật chứ không hành khoa giáo nhương tinh giải hạn theo như đạo sỹ của đạo lão trước đây.
Vì vậy, hiện nay trong xã hội râm ran dư luân coi rằng các khóa lễ cầu an ở chùa, đánh đồng với khóa lễ nhương tinh giải hạn thì chúng ta phải nghiên cứu lại cặn kẽ vấn đề này. Phật giáo Việt Nam khác với phật giáo nguyên thủy ở chỗ, Phật giáo Việt Nam hòa quyện các tín ngưỡng
dân gian, các tôn giáo khác, trong đó có đạo lão, nho giáo và các tín ngưỡng dân tộc. Phật giáo Việt Nam tự hào về tinh thần này, vì vậy tín đồ Việt Nam vẫn đến chùa, làm lễ, mặc dù dân gian gọi là khóa lễ nhương tinh hay dâng sao giải hạn nhưng thực tế tại các chùa, các nhà sư hành
lễ theo như tôi biết 100% là lễ cầu an mà thôi.
Còn vừa rồi, có nhiều thông tin nói cúng dâng sao giải han ở chùa Phúc Khánh (Hà Nội) râm râm dư luận, trước tiên, chúng tôi thấy rằng, Phúc Khánh là ngôi chùa nổi tiếng ở Hà Nội, nhân dân khắp vùng đều coi Phúc Khánh là chùa tổ Phật giáo linh thiêng, các khóa lễ cầu an ở chùa Phúc Khánh mà dân gian gọi là dâng sao giải hạn có rất đông người dự lễ...vv. Chúng tôi được biết, các khóa lễ ở chùa Phúc Khánh, các vị sư hành đạo ở đó thuần túy theo Phật giáo, cúng khóa lễ hoàn toàn theo Phật giáo. Còn dùng từ dâng sao giải hạn thì đó là tín ngưỡng của nhân
dân.
MC Trà Vân:Thưa Thượng tọa, việc cúng cầu an cho cả hàng nghìn người, ngồi tràn ra cả lòng đường như vậy có phù hợp với đạo cũng như cách thức cúng của nhà chùa?
Thượng tọa Thích Đạo Hiển: Tín ngưỡng thì không ai bắt được ai cả, có thể người ta ở chùa này lại sang cúng chùa khác là tự do của mọi người. Chùa Phúc Khánh nổi tiếng linh thiêng hoặc là người trụ trì ở đó tạo được niềm tin thì dân người ta mới đến theo lễ đông như thế.
Còn việc ngồi tràn ra đường, chúng tôi cũng nói thật, chùa Phúc Khánh quá chật hẹp, ngõ vào dân cư cũng chen lấn ở hết rồi... Nhân dân đến lễ đông là một nhu cầu có thật, mà chùa chật hẹp thì người ta phải ngồi ra lòng, lề đường.
Chúng tôi cũng trao đổi với Thượng tọa Thích Thanh Quyết - trụ trì chùa Phúc Khánh- về việc này, thượng tọa bảo rằng thượng tọa cũng mong muốn nhân dân lên Sóc Sơn, mong muốn nhân dân đến chùa khác rộng rãi hơn, ở khuôn viên thanh tịnh hơn để làm lễ nhưng người dân không lên, chỉ đến Phúc Khánh thôi.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết cũng nói, năm nào khi làm lễ cầu an, cũng họp ban tổ chức, trong đó có chỉ đạo của quận, của phường và ban tổ chức cũng đã làm rất tốt công tác bảo đảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông để không gây mất trật tự, ảnh hưởng đến tính mạng của người dân.
MC Trà Vân:Thượng tọa có thể nói gì về việc cúng dâng sao giải hạn đầu năm?
Thượng tọa Thích Đạo Hiển: Tôi đã nói, đạo Phât có nghi thức cúng cầu an, còn dâng sao giải hạn nguồn gốc là của đạo lão. Tôi sẽ không nói về dang sao giải hạn vì nó của một tín ngưỡng khác. Còn trong Phật giáo, các vị tổ sư trước đây đã kết hợp nhuần nhuyễn tinh thần của đạo
lão trong khóa lễ của đạo Phật. Trong khóa cúng Phật cũng có khóa thỉnh, nói lên việc ấy.
Khóa lễ cầu an của Phật giáo trước tiến là cầu nguyện cho quốc thái dân an, cho mưa thuận gió hòa. Thứ nữa, là cầu cho sức khỏe, cho bình an, phần nào cầu cho tai qua nạn khỏi, nghiệp chướng tiêu trừ. Nghiệp chướng theo quan điểm của đạo Phật, không chỉ kiếp này mà còn muôn vạn kiếp trước nữa, Phật giáo có tự độ và tự tha, có tự lực và cả tha lực nữa. Vì vậy, khóa lễ cầu an của Phật giáo, nói cho cùng, là ước nguyện, mong cầu an lạc, hạnh phúc. Đó là cái nhân bản ngàn đời nay mà con người hướng tới.
MC Trà Vân:Cũng là chủ trì một ngôi chùa, thượng tọa sử dụng tiền người dân góp cúng cầu an hàng năm như thế nào?
Thượng tọa Thích Đạo Hiển: Tôi trụ trì chùa Cảnh Huống, một ngôi chùa làng. Tuy nhiên, nhu cầu cúng cầu an của nhân dân không chỉ đầu năm mà là quanh năm suốt tháng như tôi nói đó là nguyện vọng nghìn đời của người dân, Chúng tôi ở đây phục vụ nhu cầu của người dân và phật tử, tín đồ thập phương. Tôi nói rõ là chúng tôi vừa cúng cầu an hôm kia, chỉ có khoảng 300 hộ tham gia. Chúng tôi cũng không che chắn, giấu giếm gì cả, mỗi hộ đóng lễ cho nhà chùa 200.000 đồng, nhờ nhà chùa mua hương hoa, sắp lễ 12 tháng quanh năm. Kinh phí thu được không là bao, được dùng vào việc trước tiên là để sắm lễ quanh năm suốt tháng, cầu nguyện cho nhân dân. Nếu có thừa một chút, thì để trùng tu xây dựng theo đúng quy định của Giáo hội.
Nhưng chúng tôi cũng chưa dùng vào việc ấy mà chủ yếu là dùng để hương hoa cho nhân dân, thậm chí nếu hương hoa nhà chùa có rồi thì thôi, mấy năm nay, tôi dùng tiền ấy tôi cúng lên cho các vị tăng ni sinh đàn học tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội.
MC Trà Vân:Thưa thượng tọa, sau hai công văn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, thượng tọa có thể nói về sự chuyển biến của tình hình cúng dâng sao giải han trong đời sống sau hai văn bản này?
Thượng tọa Thích Đạo Hiển: Giáo hội Phật giáo Việt Nam chủ động có văn bản đốc thúc và hướng dẫn giáo hội Phật giáo các tỉnh, thành và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng có văn bản chấn chỉnh việc đó. Chúng tôi nghĩ rằng các cơ sở Phật giáo sẽ thực hiện nghiêm túc và chắc chắn sẽ có biến chuyển ở mức độ nào đó.
Tuy nhiên, chừng nào xã hội có nhận thức chính đạo thì chúng ta thực hiện như vậy. Còn một phần rất lớn là do nhu cầu lệch lạc của phật tử,tín đồ và các tầng lớp nhân dân khác nữa. Nhà chùa là trung tâm đoàn kết, trung tâm tín ngưỡng văn hóa toàn dân, nếu không tập trung được
mà để dân chạy đến hết chỗ này, chạy sang chỗ khác cúng bái thì đó quả là vấn đề. Nên giải quyết việc này phải có sự đồng bộ, không chỉ cơ quan quản lý Nhà nước, không chỉ sự vào cuộc, chỉ đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam mà còn của trụ trì các chùa. Đồng thời, phải giáo
hóa để các tín đồ phật tử và nhân dân hiểu được bản chất của lễ cầu an. Chỉ cần nhận thức được như vậy chúng ta đã hiểu khác việc cúng dâng sao giải hạn đi rồi, nhận thức khác đi thì hành động sẽ khác hoàn
toàn.
MC Trà Vân:Xin được cảm ơn thượng tọa về cuôc trao đổi. Kính chào quý vị và hẹn gặp lại.
Góc nhìn thẳng (thực hiện)