Đằng sau 'bài toán' nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản Việt

Trước mặt hạn chế cố hữu của nông sản Việt là giá thành còn cao và ở phân khúc có giá trị gia tăng thấp, để giải 'bài toán' này đang rất cần tiếp tục thay đổi tư duy, thay vì vẫn chạy theo số lượng thì nên chú trọng nhiều hơn nữa về chất lượng, bền vững và hiệu quả. Nhất là phải tái cơ cấu các ngành hàng đi vào chiều sâu, có chuỗi liên kết chặt chẽ, giảm giá thành, coi trọng công nghệ, tạo dựng thương hiệu, tăng thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp…để nâng cao sức cạnh tranh.

Liên hệ đến con tôm của Việt Nam với giá thành rất cao và không cạnh tranh, ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, đã chỉ rõ chi phí xử lý nước thải rất cao, chi phí nhân công chế biến tôm cao, tỷ lệ thành công của tôm nuôi tại Việt Nam (40%) quá thấp so với Ecuador (90%), Ấn Độ (60-70%).

Phải thay đổi tư duy

Ngoài ra, theo ông Quang, trong chuỗi giá trị tôm, doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh ở khâu chế biến, tuy nhiên ở khâu nuôi tôm và khâu phân phối khó có thể cạnh tranh được với các đối thủ khác. Trong thời gian tới, các nước sẽ có thể bắt kịp và vượt Việt Nam cả về khâu chế biến vì các chính phủ và DN của họ cũng đang rất nỗ lực đầu tư công nghệ chế biến.

Ngành hàng rau quả Việt cần chú trọng nhiều hơn nữa ở vấn đề chất lượng và tiêu chuẩn để tạo thuận lợi cho xúc tiến thương mại và tăng sức cạnh tranh.

Ngành hàng rau quả Việt cần chú trọng nhiều hơn nữa ở vấn đề chất lượng và tiêu chuẩn để tạo thuận lợi cho xúc tiến thương mại và tăng sức cạnh tranh.

Ông Quang nhấn mạnh, có 5 thách thức chính của ngành tôm Việt nói riêng cũng như ngành nông nghiệp nói chung. Thứ nhất là chính sách quy hoạch và quản lý về giống. Thứ hai là phương pháp nuôi trồng. Thứ ba là hệ thống kênh cấp và thoát nước. Thứ tư là vật tư nông nghiệp sinh học. Thứ năm là các khu công nghiệp chế biến tôm và các khu công nghiệp nuôi tôm chuyên nghiệp, các trung tâm thương mại, logistics và phân phối sản phẩm nông nghiệp.

Chính vì vậy, để nâng cao sức cạnh tranh cho ngành tôm, mới đây vị tổng giám đốc này có đề nghị lên Thủ tướng Chính phủ là cần thay đổi tư duy: Thay vì chạy theo sản lượng, công nghệ cao (số lượng) thì cần phải chú trọng vấn đề bền vững và hiệu quả (chất lượng, môi trường, sức khỏe và giá bán).

Trong đó, theo ông Quang, cần sửa đổi phù hợp chính sách quy hoạch và quản lý về giống, về phương pháp nuôi trồng, đầu tư hệ thống kênh cấp và thoát nước. Ngoài ra, cần hỗ trợ các DN Việt ứng dụng và phát triển các phân bón, thức ăn sinh học, chế phẩm sinh học cho vật nuôi, cây trồng. Nhà nước cũng nên đầu tư cơ sở nền tảng số hóa, Trí tuệ nhân tạo (AI) hóa cho ngành nông nghiệp và đầu tư các khu phức hợp bao gồm công nghiệp chế biến, gắn với công nghiệp nuôi trồng.

Còn với ngành hàng rau quả, liên hệ cụ thể như vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng để tiêu thụ tốt đòi hỏi các nông dân trong thời gian tới sẽ cần phải chú trọng nhiều hơn nữa đến chất lượng rau quả do mình sản xuất ra, cũng như đạt chuẩn. Bởi lẽ, chỉ có những sản phẩm chất lượng thì mới tạo đầu vào tốt, tạo thuận lợi cho đẩy mạnh xúc tiến thương mại (tức là thúc đẩy bán ra). Bởi vì nếu quảng bá mà chất lượng không tốt, không ngon xem như việc xúc tiến thương mại sẽ thất bại.

Theo ông Nguyên, muốn tăng chất lượng rau quả để nâng cao sức cạnh tranh sẽ có nhiều cách, nhưng trong đó cần lưu ý công nghệ thông tin phổ biến cho sản xuất canh tác của nông dân ở vùng ĐBSCL vẫn còn hạn chế rất nhiều. Vì thế rất cần các địa phương trong vùng này có những chương trình tập huấn cho nông dân nâng cao trình độ công nghệ thông tin nhằm áp dụng được những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, dễ dàng thực hiện truy xuất nguồn gốc, tham gia các sàn thương mại điện tử cùng các hội chợ trong và ngoài nước.

“Có như vậy mới tạo ra thương hiệu cho vùng nguyên liệu của địa phương và từ đó hình thành nên thương hiệu quốc gia. Và một khi hàng hóa nông sản của chúng ta có thương hiệu quốc gia thì sẽ không sợ không có người mua, không có thị trường”, ông Nguyên nói.

Xét về mặt hạn chế trong tạo dựng thương hiệu và nhãn hiệu, có thể dẫn chứng ở ngành dừa. Như thông tin từ nhóm nghiên cứu Nguyễn Phú Son, Lê Thị Thanh Hiếu, Lê Bửu Minh Quân (thuộc Đại học Cần Thơ và Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ), từ cách đây 2 năm, theo Cục Sở hữu Trí tuệ, đã có gần 2.800 nhãn hiệu dừa, nhãn hiệu dừa tập thể đã nộp đơn xin cấp quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, việc xây dựng và quản lý nhãn hiệu, thương hiệu của các chủ sở hữu nhãn hiệu vẫn còn hạn chế về kiến thức pháp luật, làm thị trường, kỹ năng kiểm soát nội bộ ...). Do vậy, ngành này vẫn chưa khai thác được đầy đủ và hiệu quả tài sản nhãn hiệu, thương hiệu sẵn có.

Tái cơ cấu ngành hàng theo chiều sâu

Ngoài ra, theo nhóm nghiên cứu nêu trên, nguồn cung cây giống cũng là một thách thức với ngành dừa. Nếu như ở các tỉnh Duyên Hải Nam Trung Bộ, tỷ lệ các nhà vườn mua cây giống từ các cơ sở sản xuất giống chiếm 85-90%, thì ở ĐBSCL con số này chỉ chiếm có 56-65%, còn lại là các nhà vườn tự để giống. Đây được xem là một hạn chế trong việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm dừa.

Chưa kể, ngành hàng dừa ở một số tỉnh ở ĐBSCL chưa có được hệ thống thông tin để cập nhật và hệ thống hóa những thông tin cơ bản trong sản xuất (diện tích, năng suất, sản lượng, giá cả...). Vì thế, đã làm hạn chế trong khâu quy hoạch sản xuất, tiêu thụ và kêu gọi đầu tư.

Hay như ở ngành chăn nuôi lớn, để nâng cao sức cạnh tranh trong thời gian tới, giới chuyên gia cho rằng cần phải tái cơ cấu đi vào chiều sâu. Theo ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), các nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ muốn đứng vững buộc phải liên kết với nhau nhằm tăng sức mạnh để trở thành thành viên của tổ nhóm, HTX, hoặc liên kết với DN.

Nhất là khi tính chuyên nghiệp trong chăn nuôi của khu vực nông hộ, trang trại quy mô vừa và nhỏ chưa được cải thiện, giá thành sản xuất còn cao. Điều này khiến cho sản lượng lợn sản xuất trong nông hộ nhỏ lẻ giảm còn 35-40%, còn sản lượng lợn sản xuất trong hộ chuyên nghiệp và trang trại chiếm 60-65%.

Chính vì vậy, trong tái cơ cấu ngành chăn nuôi lợn thời gian tới đi theo chiều sâu tức là cần chăn nuôi lớn, chăn nuôi công nghệ cao về năng suất, giá thành với việc tăng thu hút các DN đầu tư vào lĩnh vực này. Điều đó cũng cần các ngành đi kèm như thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thiết bị phụ trợ…phải thay đổi và tái cơ cấu với kỳ vọng các DN nội địa sẽ đầu tư bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn.

Và không riêng gì ngành chăn nuôi, việc tăng thu hút đầu tư của DN là điều cần làm với ngành nông sản nói chung. Điều này không chỉ giúp đưa thương hiệu nông sản Việt vươn lên tầm cao, giảm phân khúc có giá trị gia tăng thấp mà còn góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu, tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Đặc biệt là ưu tiên thu hút các DN đầu tư theo hướng chế biến sâu, chế biến tinh, hình thành nên các chuỗi giá trị, từ đó giải quyết hiệu quả đầu ra cho nông sản, tăng thu nhập cho nông dân.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/dang-sau-bai-toan-nang-cao-suc-canh-tranh-cho-nong-san-viet-1102617.html