Đánh giá tiềm năng phát triển ngành hàng hồi trên địa bàn tỉnh Lào Cai

Sáng 11/10, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo tiềm năng phát triển ngành hàng hồi trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

 Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Tham dự hội thảo có các đồng chí: Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Dương Đức Huy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đại diện một số sở, ngành, địa phương và hộ dân đang trồng cây hồi trên địa bàn tỉnh.

 Các đại biểu tham dự hội thảo.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Tham dự hội thảo có một số chuyên gia, nhà nghiên cứu thuộc Viện khoa học Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam; một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu ngành hàng hồi tại Việt Nam.

Theo báo cáo đề dẫn tại hội thảo, cây hồi được trồng từ lâu đời ở nước ta, tập trung ở các tỉnh vùng Đông Bắc (Lạng sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Bắc Kạn…) với hơn 55.000 ha. Hồi là cây gỗ nhỡ, cao 6 - 10 m, thân mọc thẳng đứng, hoa mọc đơn độc (hoặc 2 - 3 hoa) ở kẽ lá, quả thường có 8 đại rời; mùa hoa từ tháng 3 - 5, mùa quả, từ tháng 6 - 9; ngoài sản phẩm hoa hồi, cây hồi còn cho sản phẩm phụ là tinh dầu từ lá hồi, đem lại giá trị kinh tế cao.

 Các đại biểu tỉnh Lào Cai thảo luận tại hội thảo.

Các đại biểu tỉnh Lào Cai thảo luận tại hội thảo.

Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 16.136 tấn hoa hồi, tăng 26% về lượng (so với 2022), giá trị thu về 83 triệu USD; trồng cây hồi có thể đem lại cho nông dân từ 30 - 40 triệu đồng/ha/năm.

Tại Lào Cai, cây hồi đã được trồng tại Tả Ngài Chồ (Mương Khương), thị trấn Bắc Hà, xã Nậm Đét (Bắc Hà) từ nhiều năm về trước và phát triển tốt, hiện đã cho sản phẩm.

 Đại diện nhà nghiên cứu trình bày tham luận tại hội thảo.

Đại diện nhà nghiên cứu trình bày tham luận tại hội thảo.

 Các đại biểu đến từ các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu sản phẩm hoa hồi thảo luận tại hội thảo.

Các đại biểu đến từ các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu sản phẩm hoa hồi thảo luận tại hội thảo.

Từ năm 2017 - 2021, tỉnh đã trồng thử nghiệm hơn 40 ha hồi tại xã Tả Ngài Chồ (Mường Khương), 1 ha tại xã Tả Van Chư (Bắc Hà), hiện diện tích hồi phát triển tốt, đã ra hoa. Về tiềm năng đất đai, theo số liệu diễn biến rừng năm 2023, tổng diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp chưa sử dụng trên địa bàn tỉnh có hơn 47.000 ha; tại các huyện vùng cao có hơn 50.000 ha đất đang canh tác cây ngô và cây hằng năm khác có thể trồng xen canh hoặc chuyển sang trồng cây hồi.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tham luận về phát triển cây hồi gắn với phát triển lâm nghiệp bền vững, giảm phát thải nhà kính, tiếp cận thị trường tín chỉ carbon; kết quả trồng khảo nghiệm cây hồi trên địa bàn xã Tả Ngài Chồ (Mường Khương) từ năm 2017 đến nay và đề xuất giải pháp, thực trạng ngành hàng hồi ở Việt Nam và tiềm năng phát triển; sâu bệnh trên cây hồi, giải pháp hiệu quả để phát triển sản phẩm hồi hữu cơ; nhu cầu thị trường quốc tế và những yêu cầu về tiêu chuẩn sản phẩm khi xuất khẩu sản phẩm gia vị, trong đó có hoa hồi; giải pháp kỹ thuật để nâng tỷ lệ cây hồi ra hoa, kết quả…

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Dương Đức Huy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhấn mạnh: Với tiềm năng về phát triển cây hồi tại các địa phương vùng cao của tỉnh, Lào Cai mong muốn các nhà khoa học, doanh nghiệp tiếp tục quan tâm để phát triển loại cây này và xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hồi của địa phương.

 Đồng chí Dương Đức Huy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu tại hội thảo.

Đồng chí Dương Đức Huy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu tại hội thảo.

Để phát triển cây hồi hiệu quả, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị các cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền đến Nhân dân về tiềm năng, thế mạnh, những lợi ích về loài cây này để nông dân yên tâm phát triển; quan tâm đầu tư về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thâm canh cây hồi để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm phục vụ xuất khẩu.

Từ kết quả khảo nghiệm tại Mường Khương, Bắc Hà và nghiên cứu thị trường cho thấy Lào Cai có tiềm năng phát triển sản phẩm cây hồi. Trồng hồi có giá trị kinh tế cao, thị trường lớn, đủ điều kiện để phát triển thành chuỗi giá trị hàng hóa, đem lại thu nhập ổn định cho nông dân; tăng tỷ lệ che phủ rừng, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, bán tín chỉ carbon rừng...

Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Bùi Quang Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh nhấn mạnh: Trên cơ sở tham luận, ý kiến thảo luận của các đại biểu tại hội thảo, Hội Nông dân tỉnh sẽ tổng hợp và báo cáo tỉnh để từng bước tổ chức phát triển cây hồi trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

 Đồng chí Bùi Quang Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh phát biểu tại hội thảo.

Đồng chí Bùi Quang Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh phát biểu tại hội thảo.

Thời gian tới, Hội Nông dân sẽ phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương đi tham quan học tập và tìm hiểu thị trường, kết nối doanh nghiệp trong việc phát triển vùng nguyên liệu và xuất khẩu sản phẩm hồi; vận động nông dân tích cực tham gia xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng hồi; thực hiện các giải pháp kỹ thuật, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong việc sản xuất giống và hoàn thiện quy trình sản xuất phù hợp với điều kiện của tỉnh.

Thông qua hội thảo, Hội Nông dân mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành hỗ trợ tỉnh Lào Cai, mong muốn các ngành, các địa phương thống nhất đề xuất với tỉnh để có chủ trương chung, đề nghị các hộ dân tiếp tục duy trì, chăm sóc, phát triển diện tích cây hồi đã có.

Trước đó, chiều 10/10, các đại biểu đã đi thực tế mô hình trồng cây hồi tại xã Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương (ảnh dưới).

Kim Thoa

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/danh-gia-tiem-nang-phat-trien-nganh-hang-hoi-tren-dia-ban-tinh-lao-cai-post391690.html