Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm: Người kết nối giá trị thẩm mỹ truyền thống với đương đại

Ngày 12/10, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã diễn ra Arttalk chủ đề 'Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm - Người kết nối giá trị thẩm mỹ truyền thống với Đương đại'.

Họa sỹ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam phát biểu.

Họa sỹ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam phát biểu.

Tọa đàm có sự tham dự của diễn giả khách mời là họa sỹ Đặng Thị Khuê, Ủy viên Thường vụ - Thường trực khóa I Hội Mỹ thuật Việt Nam; họa sỹ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cùng đông đảo khách mời yêu nghệ thuật.

Nói về danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, họa sỹ Đặng Thị Khuê nhấn mạnh, họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm là người đồng hành cùng thế kỷ nghệ thuật, người tham dự trực tiếp vào cả 3 giai đoạn của nghệ thuật hiện đại Việt Nam, từ thời kỳ đặt nền móng cho sự hình thành nền nghệ thuật hiện đại - kết nối chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa lãng mạn, thời kỳ chuyển đổi - kết nối giữa chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa dân tộc, cho tới thời kỳ đổi mới và phát triển.

Theo họa sỹ Đặng Thị Khuê, nói đến Nguyễn Tư Nghiêm, là nói đến cuộc đời sáng tạo miệt mài không ngừng nghỉ, là nói tới sự kiên định một mối hoài niệm về quá khứ nghệ thuật truyền thống, là nghệ sỹ mang tâm hồn dân tộc và thời đại một cách lắng đọng. Nghệ thuật của ông chia làm 2 giai đoạn: Hiện thực và siêu thoát. Thời kỳ đầu từ năm 1945 - 1960 với những tác phẩm mang tính thời sự trong những chủ đề, đề tài thiết thực vào đời sống, bộc lộ một năng lực bao quát và xử lý kỹ thuật điêu luyện như tác phẩm sơn mài “Con nghé quả thực” - 1957, “Đêm Giao thừa bên bờ Hồ Gươm” - 1957, “Nông dân tranh đấu chống thuế, 1930” - 1960.

Sau đó là thời kỳ chuyển tiếp, biến ảo của nhịp điệu, khi ông chuyển sang loạt tranh “Điệu múa cổ”, Thánh Gióng”, “13 con giáp”, trên nhiều chất liệu khác nhau. Và chính ở hàng trăm tác phẩm thể nghiệm tạo hình mới hướng đến những định ước thẩm mỹ truyền thống và tích hợp nhiều phẩm chất tạo hình, đã đem đến những thành quả nghệ thuật đặc sắc, cá biệt của nghệ thuật hội họa Việt Nam hiện đại, khiến ông trở thành một "biệt lệ" trong chính các danh họa Việt Nam cùng thời và ảnh hưởng lan tỏa đến nhiều thế hệ.

Họa sỹ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ: Cùng với Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm là một trong "bộ tứ huyền thoại" của hội họa Việt Nam. Bài học nghệ thuật mà các ông để lại lớn nhất là bài học về phẩm cách của người nghệ sỹ. Các ông là những người đi trước trong im lặng - mang đến những “luồng gió mới” cho nền mỹ thuật đương đại Việt Nam. “Nghệ thuật của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm nguyên vẹn hồn cốt của di sản văn hóa truyền thống Việt Nam, của tâm hồn người Việt Nam, của mỹ cảm người Việt Nam”, họa sỹ Lương Xuân Đoàn chia sẻ.

Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phát biểu.

Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phát biểu.

Họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm được biết đến là một trong “bộ tứ” huyền thoại của mỹ thuật Việt Nam hiện đại "Nghiêm, Liên, Sáng, Phái" (Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái). Cuộc đời, tên tuổi và sự nghiệp của họa sỹ được công nhận bởi Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt I - 1996, tác phẩm sơn mài “Gióng” của ông được công nhận Bảo vật quốc gia, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm sinh năm 1922, trong một gia đình nho học tại Nam Đàn, Nghệ An. Từ nhỏ ông đã rất thích vẽ tranh, sau này ông theo anh trai ra Hà Nội tìm họa sỹ Lê Phổ học vẽ. Ông học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm tham gia cách mạng từ năm 1945. Sau năm 1954, ông làm việc cho Hội Văn nghệ Việt Nam, giảng dạy tại trường Trung cấp Mỹ thuật Việt Nam (nay là Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội). Vừa giảng dạy vừa sáng tác, ông đã tạo ra một phong cách nghệ thuật đặc biệt, đó là trở về với cội nguồn dân tộc, tìm kiếm những gì gần gũi với vốn cổ dân tộc.

Chất liệu thế mạnh nhất của Nguyễn Tư Nghiêm là sơn mài truyền thống, sau là bột màu, giấy dó, tác phẩm của ông luôn đậm đặc về cấu trúc và độ rung cảm. Họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm tìm về văn hóa mỹ thuật dân gian như cội nguồn. Ông kế thừa người đi trước, nhưng không bị trói buộc trong một không gian, khuôn khổ nào ngoài sáng tạo của bản thân. Sự hòa quyện của văn hóa dân gian với kỹ thuật tạo hình độc đáo của châu Âu hiện đại là dấu ấn Nguyễn Tư Nghiêm để lại cho lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Ông là người đã đưa hội họa Việt Nam trở về với cội nguồn, với một loạt tranh dân gian, hàng ngàn tác phẩm tranh sơn mài giá trị và nhiều tác phẩm về hiện thực cách mạng giá trị xuất sắc…

Với người yêu mỹ thuật Việt, danh họa Nguyễn Tư Nghiêm là "viên ngọc" đắt giá, một tấm gương lao động bền bỉ, sáng tạo, đầy nghiêm túc. Ông được giới mỹ thuật ngưỡng mộ, coi là bậc thầy, là "cây đại thụ" của mỹ thuật Việt Nam đương đại.

Tin, ảnh: Phương Lan (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/danh-hoa-nguyen-tu-nghiem-nguoi-ket-noi-gia-tri-tham-my-truyen-thong-voi-duong-dai-20241012191454783.htm