Đảo Hà Nam - dấu ấn văn hóa tinh hoa thành Thăng Long xưa ở vùng cửa biển Đông Bắc
Đảo Hà Nam (Quảng Yên - Quảng Ninh) vùng đất phù sa cổ có 34km đê biển bao trọn, gia cố hiện đại theo từng thời kỳ. Vùng này thấp hơn mực nước biển 2m, diện tích 60km2 và có khoảng 7 vạn dân chia làm 8 xã hành chính.
Dấu ấn tinh hoa thành Thăng Long xưa ở vùng cửa biển Đông Bắc
Năm 1434, vua Lê Thái Tông khuyến khích dân chúng đi khai hoang mở đất, phát triển nông nghiệp để làm giàu dân, mạnh nước. Hồi đó, đảo Hà Nam là đượng đất kín gió, được phù sa bọc lại, lại có nước ngọt, có hệ thống ao hồ, kênh rạch chằng chịt có thể canh tác nông nghiệp.
Vùng đất ven biển này phát triển lên đông đúc dân cư, duy trì nhiều nghề thủ công, mỹ nghệ với bàn tay tài hoa của người thợ mang dấu ấn thành Thăng Long. Đất và người đều hay cả, cũng vì thế mà đảo Hà Nam sinh sôi dần lên trù phú. Đặc biệt là, dân đảo Hà Nam luôn khắc ghi công ơn khởi sinh của 17 vị cao niên ưu tú dắt theo con cháu ở Kim Liên, Hoài Đức của thành Thăng Long xưa tìm về đây lập nghiệp.
Các vị Tiên công của đảo Hà Nam đã quai đê biển, khơi thông kênh mương để thau chua rửa mặn cho đất, vừa cấy lúa nước, trồng hoa màu vừa đi biển đánh bắt nuôi trồng thủy hải sản. Họ đều là những người giỏi giang các nghề khác nhau và giàu ý chí cho nên bây giờ con cháu các vị ở đảo Hà Nam cũng nhiều người giỏi nghề thủ công mỹ nghệ, giỏi chuyên môn.
Hiện nay, nghề thủ công đan thuyền nan hai mái, đan ngư cụ đăng, đó, lờ bắt cá tôm vẫn tồn tại. Không phải là làng nghề thủ công mỹ nghệ như những vùng quê khác, mà nghề đan thuyền và đan ngư cụ ở đảo Hà Nam là nghề phục vụ đời sống, sản xuất ra nông cụ.
Hiện nay, 17 vị Tiên công được thờ tự tại các nhà thờ tổ danh giá của các dòng họ. Nhiều nhà thờ tổ được công nhận là di tích lịch sử. Dấu ấn của các vị Tiên công lập làng còn lại đến ngày nay phải kể đến là các câu đối, sắc phong của các đình chùa miếu trong đảo Hà Nam còn ghi quê quán các vị lập làng là thành Thăng Long.
Ở đây, dân chúng còn duy trì nhiều tập quán văn hóa mà xưa kia chỉ có ở đất Thăng Long như hát đúm, hát cửa đình. Trong dân có hội đua thuyền (nhân bản từ đất kinh kỳ). Đặc biệt, vào dịp ra giêng, tiễn ngày Tết hằng năm, các cụ cao niên trong làng trên 70 tuổi đều được con cháu rước trên kiệu ra đình làm lễ mừng thọ. Đây là lệ làng tồn tại từ lâu ở đảo Hà Nam nhưng lại rất hiếm thấy ở các vùng thôn quê khác.
Đảo Hà Nam và nét độc đáo văn hóa - du lịch
Thị xã Quảng Yên cũng là vùng có cảnh quan, địa lý và văn hóa khác biệt hoàn toàn so với các vùng dân cư khác của tỉnh Quảng Ninh. Sở hữu di sản chiến thắng Bạch Đằng và bãi cọc cửa sông 2 lần làm quân thù xâm lược bạt vía kinh hồn, thị xã Quảng Yên giàu truyền thống và mật độ di sản văn hóa vật thể dày đặc. Chỉ là một thị xã nhỏ bé nhưng có Bảo tàng Chiến thắng Bạch Đằng lưu giữ nhiều hiện vật lịch sử quốc gia có giá trị. Còn ở đảo Hà Nam, xã nào cũng có đình, chùa, miếu thờ, nhà thờ dòng họ.
Đáng chú ý, có ngôi đình lâu đời cổ kính ở Trung Bản thờ vị anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Trong đền có pho tượng ông xõa tóc, tay cầm trâm cài tương ứng với câu chuyện tướng quân đánh giặc xổ tóc đứng bên bờ Bạch Đằng giang búi lại tóc trong lịch sử. Vì vậy, ngôi đình cổ cho đến nay vẫn là địa điểm nghiên cứu của các sử gia và khách du lịch đến đây thì không thể bỏ qua việc tham quan ngôi đình này.
Chính vì những yếu tố lịch sử đặc biệt đó, làng quê ở đây nhuốm màu cổ kính, dung dị dù dân cư sung túc, thịnh vượng hơn hẳn những vùng khác. Từ nền móng quai đê biển để lập ra vùng dân cư an hòa xen với đất nông nghiệp, dân tinh thông nghề nông, thạo sông nước, không bị ảnh hưởng của nước triều dâng nên đảo Hà Nam vững vàng, giàu có. Dân ta có lệ "phú quý sinh lễ nghĩa" nên đảo Hà Nam sính việc phụng thờ, trọng giỗ chạp, ưa thích tín ngưỡng vào loại bậc nhất đồng bằng Bắc Bộ.
Đảo Hà Nam và cuộc sống sung túc dưới mực nước biển
Trước đây, đình Phong Cốc, ngôi đình lớn làm bằng cột lim khổng lồ có kiến trúc tinh xảo bề thế đi liền với một cái chợ làng họp ở ngay trong hàng hiên, nhìn ra một bến nước. Ngày nay, để bảo vệ ngôi đình cổ trứ danh, chính quyền địa phương di dời chợ ra chỗ khác và cắt cử người bảo vệ đình.
Ngoài không gian đẹp tuyệt và cổ kính, đình Phong Cốc còn có cửa chính là một bức tranh nổi tiếng với hình rồng và phượng được điêu khắc gỗ khéo léo. Đình thờ Thần Nông và tứ vị Thánh nương nên nơi này thường diễn ra lễ hội xuống đồng hằng năm, thi bơi chải ngoài cửa đình, thi cấy lúa, nhổ mạ, duy trì lệ làng, nếp sống đi liền với canh tác nông nghiệp.
Tồn tại gần 600 năm an lạc, thái hòa, đảo Hà Nam ngày nay là di sản của cha ông thể hiện ý chí chinh phục đất đai, tài trí sử dụng tài nguyên đất, nước và sông ngòi để phục vụ đời sống con người. Nếu không có bàn tay con người, vùng đảo vẫn chỉ là một cù lao lau sậy mà thôi. Với bờ biển dài và nhiều vô vàn những vũng áng ngập mặn ven biển, cửa sông, nhưng Việt Nam không có nhiều vùng đất quai đê bảo hộ khép kín để tạo ra một vùng dân cư an toàn dưới mực nước biển như đảo Hà Nam.
Trong bối cảnh các khu dân cư ven biển thường bị triều dâng tấn công và xâm nhập mặn nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, nhịp sống an hòa như đảo Hà Nam là một niềm mơ ước, một bài học về quai đê biển, và điều tiết thủy lợi nội đồng, sống sung túc với tam nông.
Ngày nay, đảo Hà Nam đã có cầu nối với trung tâm thị xã Quảng Yên nên gọi là bán đảo chứ không còn là đảo nữa. Mặt khác, đường cao tốc Hải Phòng - Quảng Ninh cũng được phóng ngang qua hòn đảo với phương châm làm ảnh hưởng ít nhất có thể tới khu dân cư lâu đời này. Với mục tiêu vươn lên làm du lịch rất mạnh mẽ trên cơ sở vốn liếng văn hóa truyền thống lịch sử lâu đời, đảo Hà Nam sẽ là điểm đến mới ấn tượng bên cạnh di sản Hạ Long.