Đảo ở Thái Lan bị phá nát vì một bộ phim

Hệ sinh thái trên đảo Koh Phi Phi mất cân bằng trong quá trình quay bộ phim The Beach. Hàng chục năm sau đó, khu vực này tiếp tục gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề.

Ngày 13/9, Tòa án Tối cao Thái Lan đã giữ nguyên phán quyết về việc yêu cầu Cục Lâm nghiệp Hoàng gia tiếp tục thực hiện các công việc phục hồi trên bãi biển và quần đảo Koh Phi Phi.

Đồng thời, nguyên đơn, chính quyền tại địa phương này, cũng nhận được 10 triệu baht (khoảng 273.000 USD) đền bù từ 20th Century Fox, hãng phim sản xuất The Beach, và một đơn vị phát hành nội địa.

Kết quả này đáp ứng nguyện vọng của nguyên đơn khởi kiện từ năm 1999. Các quan chức của quần đảo yêu cầu chính phủ Thái Lan và đơn vị làm phim phải bồi thường 100 triệu baht (khoảng 2,7 triệu USD) cho những thiệt hại về thiên nhiên. Tuy nhiên, vụ kiện phải chờ đến năm 2012 mới được thụ lý, theo Vice.

 Đảo Koh Phi Phi chịu áp lực từ hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm. Ảnh: kiwi.

Đảo Koh Phi Phi chịu áp lực từ hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm. Ảnh: kiwi.

Năm 2000, trong The Beach, Leonardo DiCaprio vào vai du khách trẻ tuổi, khám phá ra thiên đường tách biệt với thế giới trên bờ biển hẻo lánh.

Hơn hai thập kỷ trôi qua, quần đảo Koh Phi Phi, nơi được chọn làm bối cảnh chính trong phim, vẫn chật vật với những cuộc khủng hoảng môi trường.

Năm 1998, đoàn làm phim đã chi tiền cho chính phủ Thái Lan để có thể tạo ra phim trường “đậm chất điện ảnh”. Cụ thể, họ nhổ hàng loạt cây cối bản địa, trồng các giống cọ ngoại lai. Hành động này gây ra tình trạng xói mòn cùng hàng loạt khủng hoảng đến thiên nhiên tại đây.

Thời điểm nổ ra tranh cãi, tài tử Leonardo DiCaprio đã cố gắng trấn an dư luận và khẳng định hòn đảo sẽ “tốt hơn trước” vào thời điểm bộ phim kết thúc. Thái độ của nam diễn viên, hiện được biết đến với nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, đã khiến nhiều người hâm mộ quay lưng.

“Tôi chưa thấy cái gì bị hư hại theo bất kỳ cách nào. Mọi thứ có vẻ vẫn còn ổn”, DiCaprio nói.

Dưới áp lực từ nhiều bên, đoàn phim cố loại bỏ giống cọ họ mang đến, trồng lại những loài thực vật bản địa cũng như dựng hàng rào tre để giữ cát. Song, những nỗ lực này cũng không ngăn được tình trạng xói mòn và lượng lớn cát tiếp tục trôi dạt ra biển.

“Bãi biển tuyệt đẹp của chúng tôi giờ chỉ còn là cảnh hoang tàn, với những hàng rào xấu xí cùng loạt cây cối chết khô”, một nhân chứng kể lại với Guardian.

San hô chết tại vịnh Maya. Ảnh: Thon Thamrongnawasawat.

San hô chết tại vịnh Maya. Ảnh: Thon Thamrongnawasawat.

Thiên nhiên tại Koh Phi Phi vẫn tiếp tục bị tàn phá sau khi The Beach ra rạp. Hàng trăm nghìn khách du lịch đổ đến đây để tận mắt ngắm nhìn vịnh Maya, thiên đường trên biển xuất hiện trong phim.

Theo thời gian, số lượng du khách tăng từ dưới 1.000 lên đến 7.000-8.000 người/ngày. Nhiều ngày liên tục, bãi biển có hơn 100 thuyền neo đậu. Đây là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường biển, dẫn đến cái chết của những rạn san hô tại đây.

Năm 2018, chính quyền phải ban hành quyết định đóng cửa vịnh Maya vô thời hạn để tập trung hồi sinh thiên nhiên. Đầu năm nay, khi san hô phát triển tốt và thu hút cá mập trở lại, “thiên đường” được đón khách trở lại với số lượng hạn chế.

Đối với chính quyền Thái Lan, cân bằng giữa nhu cầu du lịch, lĩnh vực đóng góp khoảng 20% GDP Thái Lan trước đại dịch, và lời kêu gọi bảo vệ tài nguyên thiên nhiên quý giá của công viên là một thách thức lớn.

“Giải pháp tốt nhất là không tiếp đón du khách nào. Nhưng chúng ta đều biết vịnh là một điểm du lịch lớn. Do đó, chúng ta phải thỏa hiệp”, Tiến sĩ Thon Thamrongnawasawat, nhà sinh học biển, nói.

Ở thời điểm hiện tại, vịnh Maya đã tiếp tục đóng cửa nhằm phục hồi hệ sinh thái. Theo kế hoạch, khu vực này sẽ được mở cửa lại vào đầu tháng 10 năm nay.

Hoàng Kỳ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dao-o-thai-lan-bi-pha-nat-vi-mot-bo-phim-post1355783.html