Đào tạo nhân lực chất lượng cao cho chiến lược phát triển đô thị thông minh

Lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết thành phố này đang cần nguồn nhân lực sản xuất mới, nhân lực số, công nghệ số cũng như phải hình thành được các yếu tố sản xuất mới như dữ liệu số và cần đồng lực mới là đổi mới sáng tạo số...

Ngày 4.11, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phối hợp với Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) tổ chức Hội thảo quốc tế “Đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ chiến lược phát triển đô thị thông minh: kinh nghiệm quốc tế, tiềm năng hợp tác, giải pháp triển khai”.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết thời gian qua Thành phố (TP) đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc phát triển kinh tế, đặc biệt là các ngành công nghiệp, công nghệ thông tin. Hiện nay, TP.HCM là nơi hội tụ của nhiều doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế, trong đó có một số lượng lớn doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động và có đóng góp quan trọng trong sự phát triển của TP.

Mục tiêu đến năm 2030 là nỗ lực xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có chất lượng sống tốt, là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, dẫn đầu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm về kinh tế tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, hội nhập sâu rộng với quốc tế.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan phát biểu tại Hội thảo.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan phát biểu tại Hội thảo.

Theo ông Hoan, để thực hiện tầm nhìn này, TP.HCM phải nỗ lực phấn đấu để đạt mức tăng trưởng bình quân 8 – 8,5% và GRDP bình quân bình quân đầu người TP.HCM đạt khoảng 14.500 USD. Trong đó, tỷ lệ đóng góp kinh tế số cho GRDP đạt 40% trở lên.

Cho rằng đây là những mục tiêu rất tham vọng và phải nỗ lực lớn để đạt được, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhìn nhận để đạt được mục tiêu này, TP cần nguồn nhân lực sản xuất mới, nhân lực số, công nghệ số cũng như phải hình thành được các yếu tố sản xuất mới như dữ liệu số và cần đồng lực mới là đổi mới sáng tạo số.

Ông Hoan chia sẻ mong muốn AUF cùng các tổ chức quốc tế khác đồng hành cùng TP.HCM mở ra thêm nhiều cơ hội hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp, các đối tác trong và ngoài nước, để có thể phát triển và triển khai các dự án công nghệ mang tính đột phá trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, giao thông, đô thị và môi trường nhằm tạo ra những giá trị mới cho cộng đồng.

Ông cũng cho biết chính quyền TP cam kết quyết tâm nỗ lực xây dựng chính quyền số, xây dựng nền tảng số, cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp: “Lãnh đạo TP mong muốn các doanh nghiệp sẽ cùng nỗ lực chuyển đối số, tiếp tục triển khai và đưa vào hoạt động sản xuất kinh trên môi trường số, cung cấp sản phẩm dịch vụ số hóa để phục vụ cho nhu cầu đời sống xã hội, tiến tới mục tiêu là hỗ trợ người dân được tiếp cận, sử dụng các sản phẩm dịch vụ số với những chính sách ưu đãi phù hợp.

Cùng với đó là tăng cường hoạt động tư vấn, cung cấp thông tin thị trường cho cộng đồng doanh nghiệp và tạo động lực thúc đẩy cho doanh nghiệp chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo vì sự phát triển của doanh nghiệp và cũng chính là niềm tự hào của TP”, ông Hoan chia sẻ.

9 lĩnh vực ưu tiên trong Đề án Đô thị thông minh của TP.HCM.

9 lĩnh vực ưu tiên trong Đề án Đô thị thông minh của TP.HCM.

Thông tin về kết quả và định hướng chuyển đổi số, đô thị thông minh, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, cho biết TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025 thuộc 5 địa phương đứng đầu về chính phủ điện tử, kinh tế số chiếm 25% GRDP. Đến năm 2030, TP sẽ hình thành đầy đủ nền tảng dữ liệu của đô thị thông minh phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, dữ liệu được chia sẻ rộng khắp toàn xã hội.

Theo ông Thắng TP.HCM giành 1,22% ngân sách chi cho công nghệ thông tin, chuyển đổi số (cao hơn yêu cầu chung của Trung ương). TP cũng thực hiện chính sách miễn giảm phí, lệ phí cho các dịch vụ công trực tuyến với 98 thủ tục được miễn giảm và chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng về công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, Thông tin về kết quả và định hướng chuyển đổi số, đô thị thông minh tại TP.HCM.

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, Thông tin về kết quả và định hướng chuyển đổi số, đô thị thông minh tại TP.HCM.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cũng công bố những con số ấn tượng về hạ tầng số. Cụ thể TP có trung tâm dữ liệu Chính quyền điện tử TP.HCM với 1.173 máy chủ trên nền tảng điện toán đám mây tập trung. Hạ tầng viễn thông không có vùng lõm sóng. TP cũng đã trang bị được hơn 10.000 camera giao thông. Về hoạt động chính quyền số, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được triển khai số hóa và vận hành trên môi trường trực tuyến. TP.HCM đang tập trung nâng cao hiệu quả kho dữ liệu người dân hướng tới người dân không nộp lại hồ sơ đã được số hóa...

Về hướng phát tiển trong tương lai, ông Thắng cho biết chủ trương của TP.HCM là hướng tới chuyển đổi kép, tức chuyển đổi số đi liền với chuyển đổi xanh vì vậy đặt ra nhiều thách thức về nhân lực. Nhấn mạnh đến việc phát triển, xây dựng mạng lưới chuyên gia về công nghệ mới, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết TP sẽ cần các chuyên gia về vi mạch, AI, Big Data, IoT, an ninh mạng... có khả năng nghiên cứu, phát triển và triển khai các giải pháp công nghệ cho đô thị thông minh. Cùng với đó TP cũng sẽ nâng cao năng lực số của cán bộ, công chức được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng số cần thiết để làm việc trong môi trường chính quyền số, đô thị thông minh, thích ứng với công nghệ mới; thay đổi tư duy, phương thức làm việc từ truyền thống sang hiện đại, dựa trên dữ liệu và công nghệ.

GS. Slim Khalbous, Tổng Giám đốc Tổ chức Đại học Pháp ngữ, phát biểu tại Hội thảo.

GS. Slim Khalbous, Tổng Giám đốc Tổ chức Đại học Pháp ngữ, phát biểu tại Hội thảo.

Đưa ra một số gợi mở để giải quyết vấn đề trên, GS. Slim Khalbous, Tổng Giám đốc Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF), nhấn mạnh cần nguồn lực tổng hợp từ nhiều bên, cả chính quyền, các trường đại học, doanh nghiệp và đối tác quốc tế. Đánh giá của các chuyên gia AUF trong Báo cáo tư vấn về định hướng đào tạo nhân lực cho đô thị thông minh (gồm 22 trang gửi cho lãnh đạo UBND TP.HCM tại Hội thảo - PV) cho thấy có nhiều tiềm năng trong việc phát triển các chương trình, dự án hợp tác giữa cộng đồng Pháp ngữ khoa học.

Góp mặt tại Hội thảo, hai chuyên gia quốc tế gồm GS. Gayo Diallo, Đại học Bordeaux (Pháp), Chánh Văn phòng Hiệp hội Trí tuệ Nhân tạo Pháp (AFIA) và GS. Robert Laurini, Chủ tịch danh dự Hội UDMS (Urban Data Management Society), đồng sáng lập viên Hội thảo quốc tế Smart Data - Smart Cities, cũng là hai tác giả của Báo cáo tư vấn được GS. Slim Khalbous vừa nêu trên, đã công bố báo cáo tư vấn về Dự án Hỗ trợ củng cố chiến lược phát triển đô thị thông minh tại TP.HCM.

Các chuyên gia nhận định việc thiết yếu cần làm là xây dựng một chương trình đào tạo giảng viên đủ khả năng đào tạo các cán bộ phụ trách trong từng lĩnh vực ưu tiên của Đề án Đô thị thông minh. Theo đó, có hai giải pháp, đầu tiên là đào tạo trong nước (chuyên gia phân tich rằng giải pháp này kém khả thi). Giải pháp thứ hai là kêu gọi nguồn lực chuyên gia nước ngoài, đặc biệt là trong khối Pháp ngữ.

Cụ thể, TP có thể mời các chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm thành công về đô thị thông minh và họ có thể đến đảm trách các chương trình đào tạo ngắn hạn trong vòng vài tuần lễ để giúp hình thành một nhóm giảng viên bản địa về sau. Hoặc, TP cũng có thể cử học viên Việt Nam ra nước ngoài học tập, có thể theo các chương trình đào tạo ngắn hạn hay dài hạn, thậm chí đến bậc tiến sĩ.

Hai chuyên gia quốc tế gồm GS. Gayo Diallo (trái) và GS. Robert Laurini, tham luận tại Hội thảo.

Hai chuyên gia quốc tế gồm GS. Gayo Diallo (trái) và GS. Robert Laurini, tham luận tại Hội thảo.

Các chuyên gia nhấn mạnh vấn đề đặt ra không chỉ là tài chính, mà còn là sự sẵn sàng của người học. Khi người học sẵn sàng, có thể tìm kiếm các nguồn tài trợ du học đủ để trang trải các chi phí đi lại và lưu trú cần thiết, đặc biệt là từ ngân sách Nhà nước, từ AUF hay xã hội hóa... Cho rằng cần xác định rõ hơn về nhu cầu nhân lực của lĩnh vực này để có định hướng, chương trình đào tạo phù hợp, GS. Gayo Diallo nhấn mạnh "đây là điểm then chốt để thành công, và cần cấp tốc chọn ngay nhiều ứng viên thích hợp để gửi ra nước ngoài đào tạo".

Về đối tượng học, vị chuyên gia quốc tế cho rằng học viên của chương trình này có thể là người đã tốt nghiệp đại học trong các ngành công nghệ, quản lí đô thị, quản lí công và có thể mở rộng ra cả cho cán bộ đang công tác tại các cơ quan nhà nước bằng cách bố trí thời gian biểu ngoài giờ hành chính hoặc áp dụng phương thức đào tạo trực tuyến.

Ông cũng cho rằng ở cấp độ đại học cần cấp thiết đào tạo lực lượng giảng viên tương lai; xác định các đối tác đại học nước ngoài phát triển chương trình, dự án hợp tác, trong đó có khối Pháp ngữ; xây dựng chương trình đào tạo thạc sỹ. Còn ở cấp độ thành phố nên tập trung đào tạo cán bộ quản lý và có kế hoạch đào tạo các chủ đề ưu tiên cho đội ngũ này...

Hội thảo quốc tế “Đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ chiến lược phát triển đô thị thông minh: kinh nghiệm quốc tế, tiềm năng hợp tác, giải pháp triển khai” là một hành động cụ thể nhằm triển khai thành hành động cụ thể các cam kết của GS. Slim Khalbous, Tổng Giám đốc AUF, với Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi, trong cuộc tiếp kiến ngày 8.3.2023, nhân chuyến thăm và làm việc lần đầu tiên tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Đại diện AUF trao bản báo cáo tư vấn Dự án “Hỗ trợ củng cố chiến lược phát triển đô thị thông minh tại TP.HCM” dài 22 trang của hai tác giả là GS. Gayo Diallo và GS. Robert Laurini, cho lãnh đạo TP.HCM tại Hội thảo.

Mục tiêu của hội thảo là nhằm: Nâng cao nhận thức của các cơ quan chức trách và các bên liên quan về vai trò của các trường đại học trong việc đào tạo nhân lực có chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị thông minh tại TP.HCM; Tăng cường chia sẻ kinh nghiệm của các đối tác đại học Pháp ngữ trong đào tạo chất lượng cao ở các lĩnh vực công nghệ tiên tiến; Tạo tiền đề để phát triển một dự án lớn trong lĩnh vực đô thị thông minh, kết hợp các đối tác quan trọng của khối Pháp ngữ với các đối tác Việt Nam.

Các chuyên gia đã biên soạn một bản bản báo cáo tư vấn súc tích dài 22 trang, và được trao cho lãnh đạo TP.HCM tại Hội thảo, nêu ra nhiều triển vọng tiềm năng trong việc phát triển các chương trình, dự án hợp tác giữa Cộng đồng Pháp ngữ Khoa học với các cơ sở giáo dục đại học và cơ quan Nhà nước tại Việt Nam. Đặc biệt là với tầm nhìn đặt ra trong bản “Tuyên ngôn về ngoại giao khoa học Pháp ngữ” được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng chuyên trách giáo dục đại học Cộng đồng Pháp ngữ, tổ chức tại Cairo (Ai Cập) vào tháng 10.2022, cùng với Chương trình Trao đổi Sinh viên và Nghề nghiệp Quốc tế (PIMEF) vừa được Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ tại Villers-Cotterêts (Pháp) vào tháng 10.2024 nhất trí giao cho AUF triển khai thí điểm từ năm 2025.

Trà My

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/dao-tao-nhan-luc-chat-luong-cao-cho-chien-luoc-phat-trien-do-thi-thong-minh-45972.html