Đầu tư vào công nghệ sạch ngay từ hôm nay

Chuyển đổi sang năng lượng tái tạo mang lại nhiều lợi ích lớn cho môi trường, kinh tế và xã hội. Do đó, các doanh nghiệp hãy hành động ngay hôm nay, đầu tư vào công nghệ sạch, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, và cam kết thực hiện trách nhiệm xã hội vì một tương lai xanh, bền vững hơn cho thế hệ mai sau.

Tiết kiệm năng lượng chưa như kỳ vọng

Thế giới đang chứng kiến mức tăng trưởng chưa từng có của nhu cầu năng lượng. Dự báo mức tiêu thụ năng lượng năm 2024 sẽ tăng gấp 6 lần so với năm 1990. Phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch khiến tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và thiên tai ngày càng trầm trọng.

Theo Báo cáo Năng lượng Toàn cầu, ngành công nghiệp chiếm khoảng 33% tổng tiêu thụ năng lượng hàng năm, trong đó sản xuất đóng góp tới 76%. Các quốc gia phát triển như Mỹ, Trung Quốc và khu vực châu Âu chiếm tỷ trọng lớn, trong khi các nước đang phát triển, bao gồm Việt Nam, cũng ghi nhận sự gia tăng đáng kể trong lĩnh vực này. Tại Việt Nam, các ngành công nghiệp nặng như sản xuất thép, xi măng và hóa chất tiêu thụ phần lớn năng lượng, chiếm hơn 30% tổng mức tiêu thụ của toàn ngành. Dù đã có những nỗ lực cải thiện hiệu suất năng lượng thông qua Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, kết quả đạt được vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng, khi chỉ tăng khoảng 5 - 7% trong 5 năm qua, thấp hơn mức trung bình toàn cầu.

 Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Tại hội thảo "Xanh hóa năng lượng trong sản xuất với giải pháp bền vững cho tương lai" ngày 27.9, Tổng Giám đốc Công ty Intech Engy Trần Văn Nhơn cho biết, nhiều quốc gia đã đưa ra các cam kết cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính, theo thỏa thuận Paris, với mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050. Sự phát triển nhanh chóng của năng lượng mặt trời, gió, sinh khối, và thủy điện giúp các quốc gia từng bước giảm phụ thuộc vào nguyên liệu hóa thạch; từ đó giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính, đặc biệt là CO2, và góp phần làm giảm sự nóng lên toàn cầu và hạn chế các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Các quốc gia như Đức, Trung Quốc và Mỹ đang dẫn đầu cuộc cách mạng chuyển dịch năng lượng, với những khoản đầu tư khổng lồ vào các hệ thống điện sạch, áp dụng các công nghệ sản xuất sạch hơn, thân thiện với môi trường.

Tích cực thực hiện ESG

Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc chiến chống ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, hay biến đổi khí hậu, Tổng Giám đốc Công ty Intech Engy Trần Văn Nhơn nói.

Theo Phó Viện trưởng Viện Khí nhà kính Việt Nam Lý Đức Tài, cuộc chiến chống ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, hay biến đổi khí hậu đòi hỏi sự chung tay của từng cá nhân, từng doanh nghiệp và toàn xã hội. “Các doanh nghiệp hãy hành động ngay hôm nay, đầu tư vào công nghệ sạch, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, và cam kết thực hiện trách nhiệm xã hội vì một tương lai xanh, bền vững hơn cho thế hệ mai sau. Cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam với mục tiêu Net Zero năm 2050 không thể đạt được nếu không có sự đồng hành của các doanh nghiệp”, ông Tài nói.

Trong hoạt động quản lý năng lượng, ông Tài cho rằng, các doanh nghiệp cần tối ưu hóa và nâng cao quản trị về nội dung này. Cùng với đó, cần quan tâm tới trao đổi tín chỉ carbon, bởi đây là phương thức hiệu quả để các doanh nghiệp thực hiện cơ chế bù trừ phát thải, nhằm đáp ứng hạn ngạch phát thải và tạo hiệu quả tài chính.

Tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 13/2024/QĐ-TTg ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (cập nhật), theo đó 2.166 doanh nghiệp sẽ phải kiểm kê. Ngoài ra, tới đây sẽ có hàng chục nghìn doanh nghiệp xuất khẩu phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính và phát thải. Đồng thời, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang tham gia các chuỗi cung ứng các tập đoàn xuyên quốc gia tại Việt Nam cũng phải thực hiện khi các tập đoàn này triển khai kiểm kê khí nhà kính. “Để không bị loại khỏi cuộc chơi, ngay lúc này các doanh nghiệp cần tích cực thúc đẩy quản trị bền vững, thực hiện các khung tiêu chuẩn, các bộ tiêu chuẩn như ESG (môi trường - xã hội - quản trị doanh nghiệp); đồng thời tập trung nâng cấp, cải tiến công nghệ để giảm tiêu hao năng lượng”, Phó Viện trưởng Viện khí nhà kính Việt Nam Lý Đức Tài khuyến cáo.

Vũ Quang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dau-tu-vao-cong-nghe-sach-ngay-tu-hom-nay-post391650.html