Dạy - học trực tuyến: Cần sự nỗ lực từ thầy và trò để đạt hiệu quả cao
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhằm đảm bảo chương trình, kế hoạch đào tạo với phương châm 'tạm dừng đến trường, không dừng việc học', hiện các trường trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đang đẩy mạnh việc dạy và học theo hình thức trực tuyến.
Dạy và học trực tuyến vì sự an toàn của học sinh, giáo viên
Hình thức học trực tuyến giờ đã không còn xa lạ với thầy giáo, cô giáo và các em học sinh. Đối với tỉnh Sóc Trăng, năm học 2021 - 2022 là năm học đầu tiên việc học trực tuyến được triển khai ở cấp THCS và THPT trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng chí Châu Tuấn Hồng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết: “Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường THPT và THCS cần có những giải pháp hợp lý để học sinh có thể tham gia học trực tuyến hoặc có thể theo dõi và học tập bằng các hình thức phù hợp. Trong thời gian học sinh chưa đến trường học trực tiếp, các trường sẽ điều chỉnh thời gian và cách thức tổ chức thực hiện chương trình một cách phù hợp nhất, chỉ dạy những kiến thức trọng tâm nhất; sau khi học sinh được trở lại trường, giáo viên sẽ tiếp tục bổ sung kiến thức cho học sinh kịp thời, đầy đủ, đảm bảo chương trình và chất lượng theo quy định. Việc tổ chức dạy học trực tuyến là giải pháp tình thế, cho nên các kế hoạch của năm học đều phải thay đổi cho phù hợp. Vì vậy, cách kiểm tra, đánh giá cũng thay đổi theo để phù hợp với đặc thù và phù hợp từng đối tượng học sinh”.
Được ba mẹ trang bị cho một máy tính cùng với kết nối mạng wifi, em Nguyễn Phong Dinh - học sinh lớp 11A6, Trường THPT Hoàng Diệu (TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) có được những thuận lợi khi bắt đầu việc học trực tuyến tại nhà. Tuy những ngày đầu tiên thao tác vẫn chưa thành thạo nhưng hiện nay em đã dễ dàng đăng nhập và tham gia vào lớp học mỗi ngày.
Còn với em Thạch Mỹ Hạnh - học sinh lớp 9A2, Trường THCS Long Phú (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) thì chiếc điện thoại vừa được mẹ mua cho để tiện liên hệ khi cha mẹ đi làm thuê ở xa giờ là thiết bị học tập chính của em. “Khi trường cho học trực tuyến, nhà em không có wifi nên em đăng ký 3G trên điện thoại để học. Mấy tuần đầu học trực tuyến em cũng còn bỡ ngỡ do chưa rành cách đăng nhập, nhưng giờ em đã quen với thời khóa biểu và cách học này rồi nên bản thân em cảm thấy cũng không có khó khăn gì” - em Mỹ Hạnh bộc bạch.
Theo số liệu thống kê của Sở GD-ĐT, đến thời điểm này, ở cấp THPT đã có trên 96% học sinh tham gia học trực tuyến, tỷ lệ này cho thấy sự quan tâm của phụ huynh và nỗ lực của các trường trong việc thực hiện giải pháp giúp các em tham gia học tập trong tình hình mới. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc học trực tuyến là giải pháp tối ưu nhất để thực hiện chủ trương "tạm dừng đến trường nhưng không dừng học". Sau cấp THPT thì cấp THCS cũng học trực tuyến theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT, nhưng không thuận lợi như cấp học THPT, tỷ lệ học trực tuyến ở cấp THCS đến thời điểm này đạt 78%.
Giáo viên linh hoạt thay đổi phương pháp phù hợp với dạy học trực tuyến
Ngoài các yếu tố về cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục thì việc dạy học trực tuyến được hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào người dạy và cả người học. Được biết, để thuận lợi cho việc dạy và học trực tuyến, các trường cũng đã chủ động tập huấn cho giáo viên và hướng dẫn cho học sinh cách sử dụng phần mềm ứng dụng cho việc dạy học trực tuyến. Hiện nay, tất cả 40 trường THPT, 110 trường THCS trên địa bàn tỉnh đã dạy đầy đủ các môn theo chương trình học, nhưng hình thức dạy mới do đó đòi hỏi giáo viên phải chủ động thay đổi, nghiên cứu phương pháp giảng dạy để tiết học thông qua môi trường mạng thật sự thu hút các em.
Qua chia sẻ của nhiều thầy, cô, việc dạy trực tuyến tuy không hiệu quả bằng dạy trực tiếp, tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh như hiện nay thì phải nhìn nhận rằng, đây là giải pháp tối ưu nhất để vừa đảm bảo an toàn vừa duy trì việc học. Do đó, dù là năm đầu thực hiện hình thức dạy học mới còn nhiều khó khăn, nhưng các thầy cô đã rất nỗ lực để có những tiết học thật sự chất lượng chứ không chỉ mang tính hình thức. Vì vậy, đối với thầy, cô giáo thì nên chuẩn bị những gì để giờ dạy học trực tuyến hiệu quả.
Thầy Nguyễn Mạnh Hà - giáo viên môn sinh học, Trường THPT Văn Ngọc Chính (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) cho biết: “Để chuẩn bị cho tiết dạy 45 phút, tôi mất nhiều thời gian so với trước để soạn giáo án, vì tất cả đều thực hiện trên máy tính, nên việc thiết kế bài giảng phải nghiên cứu làm sao tạo được sự tương tác tốt nhất với học sinh”.
Theo cô Đỗ Thị Quyên - giáo viên môn tiếng Anh Trường THCS Long Phú (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) thì để tiết học trực tuyến sao cho học sinh tiếp thu được kiến thức, nhớ bài lâu đòi hỏi giáo viên phải sử dụng nhiều phương pháp như: phương pháp thuyết trình, hỏi - đáp, diễn giảng… và trình chiếu thêm một số hình ảnh minh họa để thu hút các em hơn. Đối với môn tiếng Anh tôi sử dụng thêm phần “note” trên máy để làm ví dụ thêm cho các em hiểu bài, tuy nhiên phần này hơi mất thời gian nhưng các em cũng chịu khó học lắm”.
Ngoài ra, mỗi thầy, cô giáo cũng cần tự trang bị các thao tác, kỹ năng và phải sử dụng công cụ hỗ trợ việc soạn giảng, tự xây dựng kho học liệu. Đặc biệt các trường cần tạo điều kiện cho giáo viên được tiếp cận các nền tảng số. Để việc học tập theo hình thức này đạt hiệu quả như mong muốn, bên cạnh các yếu tố liên quan đến kỹ thuật như trang thiết bị, hệ thống phần mềm phù hợp thì sự nỗ lực, phối hợp tương tác của cả người dạy và người học là không thể thiếu để có được một tiết học tốt.
Từ hình thức dạy và học trực tiếp chuyển sang hình thức trực tuyến, giáo viên cũng gặp không ít khó khăn, nhưng với tinh thần trách nhiệm mỗi thầy giáo, cô giáo đã và đang nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy đáp ứng trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay. Và để việc học trực tuyến hiệu quả thật sự cần sự nỗ lực của nhiều phía, điều này cũng cho thấy rằng, dù là học ở hình thức nào thì sự quan tâm của nhà trường, sự hỗ trợ của gia đình, quan trọng nhất là tinh thần học tập của chính các em thì việc học mới thật sự đạt hiệu quả cao nhất.