Đẩy mạnh chuyển đổi số trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Thời gian qua, việc chuyển đổi số (CĐS) trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh bước đầu đã mang lại kết quả tích cực, nâng cao hiệu quả quản lý, phục vụ giảng dạy và học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong thời đại công nghệ số.

Hoạt động dạy và học tại Trường Cao đẳng Nghề Phú Thọ.

Hoạt động dạy và học tại Trường Cao đẳng Nghề Phú Thọ.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 31 cơ sở GDNN với 8 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 6 trung tâm GDNN, 12 Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện, trong đó có 7 cơ sở GDNN tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm tỷ lệ 22,58%. Hằng năm, số lượng tuyển sinh học các cấp trình độ trong GDNN đạt trên 40.000 người.

Những năm qua, các cơ sở GDNN đã xem CĐS là vấn đề then chốt, tập trung nguồn lực, tăng cường cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin; phát triển chương trình, nội dung đào tạo các cấp trình độ GDNN phù hợp với yêu cầu của CĐS.

Cùng với đó, việc đào tạo kiến thức, kỹ năng cơ bản và nâng cao cũng đang được các cơ sở GDNN thực hiện trên môi trường số, lồng ghép vào chương trình đào tạo các môn học liên quan tới kỹ năng số để sau khi ra trường người học có thể tiếp cận ngay với các công việc cần kỹ năng số.

Trường Cao đẳng Cơ điện Phú Thọ (thị trấn Thanh Ba, huyện Thanh Ba) là một trong những cơ sở GDNN sớm thực hiện CĐS trong tất cả các hoạt động và đã thu được những kết quả bước đầu, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, tạo được lợi thế trong cạnh tranh và xác lập thương hiệu, uy tín cao trong xã hội.

Nhà trường đã triển khai sử dụng có hiệu quả phần mềm Quản lý đào tạo (Unimark) trong tổ chức, quản lý quá trình đào tạo, mang lại hiệu suất cao, chính xác, được cập nhật thường xuyên, đồng thời cử nhiều lượt cán bộ, giảng viên, nhân viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, hợp tác với Học viện Trực tuyến Việt Nam để tập huấn CĐS, về thiết kế, biên soạn học liệu, số hóa bài giảng điện tử...

Đến nay, trên 80% các ngành, nghề đào tạo ở trình độ trung cấp, cao đẳng sử dụng thiết bị mô phỏng, thiết bị thực tế ảo hoặc phần mềm mô phỏng, nâng cao tính thực tiễn, chuyên sâu cao, đáp ứng được yêu cầu thực tế của nhà trường và người học. CĐS đã giúp nhà trường đổi mới hoạt động dạy và học theo hướng giảm thuyết giảng, truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực của người học, tăng khả năng tự học, gắn học lý thuyết với thực hành.

Thời gian qua, 100% cán bộ, nhà giáo, nhân viên trong cơ sở GDNN được đào tạo bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng số, có địa chỉ hộp thư điện tử, sử dụng thường xuyên, phục vụ trong công việc hành chính và giảng dạy.

Một số cơ sở GDNN đã tổ chức dạy học trực tuyến các môn học lý thuyết chung và chuyên ngành, đồng thời tích cực triển khai hệ thống quản lí trực tuyến, quản lý nội dung học tập trực tuyến, thông qua zalo, facebook để hướng dẫn học sinh, sinh viên học tập... 100% cơ sở GDNN đã xử lý hồ sơ, công việc trên môi trường điện tử.

Trong hoạt động quản trị, hồ sơ học sinh, sinh viên, hồ sơ nhân sự, hồ sơ về cơ sở vật chất, thiết bị phần lớn đều được số hóa. Đồng thời, chú trọng số hóa công tác quản lý tuyển sinh, kết nối doanh nghiệp; phát triển chương trình quản lý học sinh, sinh viên và trang bị một số phần mềm chuyên dụng cho thực hành các môn học, mô-đun của các ngành nghề khác...

Đồng chí Hoàng Xuân Đoài- Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: “Quá trình CĐS trong cơ sở GDNN đang có những bước tiến tích cực, chất lượng và hiệu quả GDNN đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động của thị trường lao động, thể hiện qua con số hơn 80% học sinh, sinh viên tốt nghiệp đã có việc làm. Kết quả này đã góp phần tạo bước ngoặt phát triển, mở ra nhiều phương thức giáo dục mới, thông minh, hiệu quả, đồng thời tiết kiệm chi phí cho người học, tăng cường chất lượng giảng dạy, nghiên cứu, nâng cao hiệu quả công tác quản trị, quản lý, điều hành của các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp. Việc ứng dụng CĐS đã và đang tạo ra một số mô hình giáo dục thông minh, giúp việc học, tiếp nhận kiến thức của người học trở nên đơn giản, dễ dàng. Sự phát triển của các nền tảng công nghệ đã tạo điều kiện thuận lợi để truyền đạt kiến thức và phát triển được khả năng tự học của người học mà không bị giới hạn về thời gian cũng như không gian...”.

Ngọc Lam

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/day-manh-chuyen-doi-so-trong-co-so-giao-duc-nghe-nghiep-220158.htm