Để không còn những lời ru buồn

Đề án 'Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020' ra đời đã góp phần đẩy lùi hủ tục, giúp người dân ở các bản làng vùng sâu, vùng xa tiến một bước dài trên con đường xóa bỏ quan niệm cũ, lạc hậu.

 Chị em phụ nữ vùng cao tích cực đọc sách báo để nâng cao nhận thức về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống - Ảnh: T.LONG

Chị em phụ nữ vùng cao tích cực đọc sách báo để nâng cao nhận thức về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống - Ảnh: T.LONG

Những ngày này, trong buổi sinh hoạt các câu lạc bộ sức khỏe sinh sản vị thành niên, câu chuyện của em Hồ Thị Út, trú tại thôn Chân Rò, xã Đakrông, huyện Đakrông được nhiều người nhắc đến. Sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em, bố mẹ thường xuyên đau ốm, Út đã phải vượt qua rất nhiều rào cản để được học hành và đỗ Học viện Ngoại giao với 29 điểm.

Đáng chú ý là em Hồ Thị Út từng hai lần được ba mẹ vận động lấy chồng, lần đầu khi mới 13 tuổi. Nếu không đi ngược lại hủ tục, có lẽ cuộc đời của nữ sinh người Vân Kiều này chỉ quẩn quanh bên bếp lửa nhà sàn. Được chia sẻ vào thời điểm tình trạng tảo hôn vẫn còn lẩn khuất tồn tại ở các bản làng vùng sâu, vùng xa, câu chuyện xoay quanh em Hồ Thị Út thu hút sự quan tâm của nhiều người. Ai cũng hiểu cần phải thay đổi quan niệm cũ, lạc hậu.

Trái với Hồ Thị Út, một bộ phận bạn trẻ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh còn ngại ngần hoặc không dám vượt qua hủ tục. Dù đã có nhiều thay đổi nhưng quan niệm cũ vẫn còn tồn sót trong suy nghĩ của không ít người dân vùng cao. Theo họ, lứa tuổi kết hôn đẹp nhất là “nữ thập tam, nam thập lục”. Vì thế, khi con gái 13, con trai 16 tuổi, các ông bố, bà mẹ đã rục rịch tính chuyện cưới hỏi.

Đáng buồn hơn, một số chàng trai, cô gái ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” sớm hòa mình vào những “hội sim” để rồi mang thai ngoài ý muốn. Nguyên nhân từ gia đình và chính bản thân kể trên đã khiến nhiều đôi nam nữ vội nên duyên, phớt lờ cảnh báo về hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Khi những cặp “vợ chồng trẻ con” về sống dưới một mái nhà, rất nhiều nước mắt đã rơi.

Hiểu sâu sắc thực tế ấy, ngay từ những ngày đầu triển khai Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020”, lãnh đạo Sở Y tế đã chỉ đạo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh xây dựng kế hoạch, chủ động lồng ghép nội dung giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vào các chương trình, đề án và hoạt động của đơn vị. Lãnh đạo sở xác định, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong triển khai đề án là làm tốt công tác truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức của người dân về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Đi liền với đó, các hoạt động tăng cường tư vấn, cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ cần được tập trung triển khai có hiệu quả. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng là phải xây dựng được các mô hình đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

 Cộng tác viên dân số tuyên truyền, vận động người dân chung tay đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống - Ảnh: T.LONG

Cộng tác viên dân số tuyên truyền, vận động người dân chung tay đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống - Ảnh: T.LONG

Để Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016- 2020” phát huy hiệu quả, ngành y tế mà chủ công là Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh và trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố xác định cần huy động sự vào cuộc cả hệ thống chính trị và người dân. Trong đó, đội ngũ cán bộ dân số xã và cộng tác viên dân số chính là lực lượng chủ công. Từ đây, nhiều hội nghị, chương trình tập huấn được ngành, đơn vị liên quan tổ chức, giúp cán bộ dân số xã và cộng tác viên dân số trau dồi kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng.

Sau khi trở về 32 xã thuộc địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, các cán bộ dân số xã, cộng tác viên dân số đã lên kế hoạch, bắt tay ngay vào nhiệm vụ. Chị Phan Thị Thu Huyền, cán bộ dân số xã A Ngo, huyện Đakrông cho biết: “Mỗi cán bộ dân số xã, cộng tác viên dân số có một cách khác nhau để chung tay đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Tuy nhiên, hướng đi mà chúng tôi tập trung là tác động trước tiên vào bí thư chi bộ, già làng, trưởng bản, người có uy tín. Nhờ sự đồng hành của những người có uy tín trong cộng đồng này, việc tác động vào nhận thức của các cặp vợ chồng có con sắp đến tuổi kết hôn và trẻ vị thành niên, thanh niên trở nên thuận lợi hơn”.

Xóa bỏ một hủ tục đã tồn tại nhiều đời chưa bao giờ là việc dễ. Vì vậy, các cán bộ dân số xã, cộng tác viên dân số trên địa bàn xác định phải tuyên truyền, vận động phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Hoạt động tuyên truyền được tổ chức phong phú, đa dạng thông qua các đợt truyền thông, hội nghị, chương trình tập huấn, buổi nói chuyện chuyên đề… Những người làm công tác y tế, dân số “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để trực tiếp vận động hộ dân có con ở tuổi vị thành niên, thanh niên. Hệ thống truyền thanh thôn, xã cũng phát huy hiệu quả tích cực trong “chiến dịch” phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Từ đây, người dân đã hiểu sâu sắc hơn về nguyên nhân, hệ lụy và phải cần làm gì để ngăn chặn hủ tục.

Để nâng tầm công tác tuyên truyền, vận động, ngành y tế phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan xây dựng nhiều mô hình phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Các câu lạc bộ sức khỏe sinh sản vị thành niên, câu lạc bộ tiền hôn nhân sớm được vận động thành lập tại 11 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thu hút gần 1.000 trẻ vị thành niên, thanh niên tham gia. Các buổi ngoại khóa hướng dẫn kỹ năng về chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên được tổ chức ngày càng nhiều trong trường học. Hằng tháng, hằng quý, các cán bộ dân số xã, cộng tác viên dân số về từng thôn, bản tổ chức tư vấn nhóm tại cộng đồng về các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên và sức khỏe tiền hôn nhân. Từ năm 2016 đến nay có 688 cuộc tư vấn về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống được tổ chức với sự tham gia của gần 17.400 người.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi được triển khai, Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020” đã mang về tín hiệu khả quan. Theo số liệu thống kê của Sở Y tế, từ năm 2016 đến tháng 10/2021, trên địa bàn các huyện: Hướng Hóa, Đakrông, Gio Linh và Vĩnh Linh có 1.270 trường hợp tảo hôn. Con số này tuy vẫn còn lớn nhưng đã giảm đi rất nhiều so với giai đoạn trước. Đáng chú ý là từ năm 2019 đến nay, số vụ tảo hôn giảm qua từng năm. Trên địa bàn chưa ghi nhận trường hợp hôn nhân cận huyết thống kể từ năm 2018 đến nay. Nhận thức về hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ngày càng cao, nhiều người dân, trong đó có những trường hợp từng kết hôn sớm đã trở thành tuyên truyền viên đắc lực góp sức đẩy lùi hủ tục. Cũng từ đây, ở các bản làng xa xôi, những lời ru buồn đã dần nhường cho thanh âm tươi vui của sự đổi mới.

Tây Long

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=163476&title=de-khong-con-nhung-loi-ru-buon