Để làng nghề may mặc xã Mỹ Thắng phát triển bền vững

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh chịu không ít tác động tiêu cực. Tại làng nghề may mặc xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc), chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên liệu bị đứt gãy gián đoạn khiến nhiều hộ kinh doanh lao đao, ngày càng khó khăn hơn. Hiện nay, trên địa bàn xã có 10 doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất các mặt hàng may mặc, chăn, ga, gối, đệm... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh chịu không ít tác động tiêu cực. Tại làng nghề may mặc xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc), chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên liệu bị đứt gãy gián đoạn khiến nhiều hộ kinh doanh lao đao, ngày càng khó khăn hơn.

Sản xuất hàng may mặc dân dụng tại hộ anh Đặng Hữu Thể, xóm 7, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc).

Hiện nay, trên địa bàn xã có 10 doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất các mặt hàng may mặc, chăn, ga, gối, đệm và khoảng 500 hộ chuyên gia công, tạo việc làm ổn định cho gần 6.000 lao động với mức thu nhập bình quân từ 5-5,5 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập từ làng nghề, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm trên 85% trong cơ cấu kinh tế của xã hàng năm. Thu nhập bình quân trên đầu người của xã năm 2020 đạt 55 triệu đồng. Đồng chí Trần Quốc Huy, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Dịch COVID-19 kéo dài và diễn biến phức tạp khiến kinh tế ngành nghề của xã gặp rất nhiều khó khăn. Không chỉ khó khăn do giá nguyên liệu tăng, ngay cả những đơn hàng đã ký hợp đồng cũng khó tiêu thụ do một số thị trường chính của làng nghề như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Trung phải thực hiện giãn cách xã hội. Dự kiến năm 2021, giá trị sản xuất từ ngành nghề may mặc của xã sụt giảm từ 30-40%”. Với nỗ lực duy trì phát triển ổn định làng nghề, vượt qua khó khăn do dịch COVID-19, xã đã tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện về thủ tục, hồ sơ tín dụng giúp các hộ sản xuất, kinh doanh thuận tiện trong vay vốn, đồng thời, phối hợp với các tổ chức tín dụng rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của các hộ dân, kiến nghị ngân hàng thực hiện các giải pháp hỗ trợ như miễn, giảm lãi vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho vay mới với lãi suất ưu đãi. 8 tháng đầu năm 2021, tổng dư nợ của các hộ tại Agribank chi nhánh huyện Mỹ Lộc là 109,3 tỷ đồng với 180 hộ còn dư nợ; tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mỹ Lộc là gần 8 tỷ đồng với 234 hộ vay. Anh Đặng Hữu Thể, chủ xưởng may mặc dân dụng tại xóm 7 cho biết: “Trước khi có dịch, bình quân mỗi tháng xưởng sản xuất và cung ứng ra thị trường hơn 10 nghìn sản phẩm. Nhưng nay, xưởng hoạt động cầm chừng, duy trì các hợp đồng thường xuyên với các khách hàng, không thể mở rộng thị trường. Xưởng phải tuyển lao động mới vì một số lao động chính lại ở tỉnh Hà Nam không thể sang làm việc do giãn cách xã hội. Giá nguyên liệu cũng tăng theo dịch tới 10-15% do chi phí vận tải tăng. Lượng hàng tồn kho của xưởng hiện còn khoảng 5.000 sản phẩm”. Được cán bộ Hội Nông dân xã hỗ trợ, anh Thể đã được Agribank Chi nhánh huyện Mỹ Lộc miễn, giảm lãi vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ món vay 200 triệu đồng; đồng thời được giảm 10% lãi suất của khoản vay hiện tại. Số tiền được hỗ trợ tuy không nhiều nhưng cũng giúp xưởng anh Thể có thêm vốn để giảm bớt chi phí sản xuất, đảm bảo duy trì việc làm ổn định cho lao động.

Tranh thủ sự quan tâm của Huyện ủy, UBND huyện, xã đã tập trung đầu tư nâng cấp các tuyến đường trục đảm bảo đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển của làng nghề. Hiện tại, xã đang tập trung tuyên truyền vận động nhân dân giải tỏa mặt bằng đảm bảo đúng mốc giới hành lang giao thông tuyến đường từ cầu Kiều đến cầu Tây, phục vụ thi công đúng tiến độ dự án nâng cấp cải tạo 2,8km tuyến đường từ Đại lộ Thiên Trường đến cầu Tây. Cùng với đó, xã hoàn thành công trình rãnh thoát nước dọc tuyến đường từ cầu Kim đến cầu Tây; nâng cấp mặt đường bằng nhựa áp phan tuyến đường từ cầu Kim đến chùa Kim do Thượng tọa Thích Quảng Biên tự đầu tư; tiến hành xây dựng rãnh thoát nước dọc đoạn cầu Thịnh và cổng chợ Sắc; khởi công xây dựng bờ kè ao mở rộng làm vỉa hè hành lang giao thông trước trường tiểu học và trường trung học cơ sở; tiếp tục nâng cấp tuyến đường giao thông trục từ đình Sắc đến dốc Mai dài 2km. Ngoài ra, UBND xã đã tập trung xây dựng và triển khai Đề án thu gom, xử lý rác thải; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của từng cá nhân và vai trò trách nhiệm của các ban, ngành, địa phương đối với công tác bảo vệ môi trường; đưa công tác bảo vệ môi trường và thu gom xử lý rác thải, nhất là rác thải sau sản xuất thành tiêu chí thi đua của các cấp, các ngành, các đơn vị và các hộ gia đình. Xã khuyến khích cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tập trung đầu tư, đổi mới thiết bị công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và phát triển sản xuất theo hướng đa dạng hóa các loại sản phẩm, giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường. Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã đầu tư các loại máy móc thiết bị mới, ứng dụng công nghệ cao vào chế biến sản xuất may mặc để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tiếng ồn, giảm nguyên liệu dư thừa, bụi vải gây ô nhiễm môi trường. Một số hộ sản xuất trong làng nghề đã sử dụng vải vụn làm nguyên liệu sản xuất thú nhồi bông, đồ chơi trẻ em. Đặc biệt, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các cơ sở, doanh nghiệp đầu tư kinh phí ký hợp đồng thuê các đơn vị có chức năng thu gom, tiêu hủy các loại phế liệu, vải vụn dư thừa đảm bảo an toàn môi trường. Nhờ đó, đến nay trên địa bàn xã đã giảm tối đa tình trạng xả, đốt bừa bãi vải vụn, phế liệu sản xuất ở nơi công cộng, không khí, cảnh quan được trả lại trong lành, sạch đẹp. 14/14 xóm đã có tổ thu gom rác thải. Hiện xã đang tiếp tục làm việc với Công ty TNHH Môi trường đô thị Nam Định để xây dựng phương án thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt theo quy định.

Đồng chí Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện nay, UBND xã đang tích cực kêu gọi, đồng thời đề xuất tỉnh hỗ trợ thu hút các doanh nghiệp đến tìm hiểu, đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Mỹ Thắng giai đoạn 2040-2050. Cụm công nghiệp Mỹ Thắng sẽ tạo mặt bằng đáp ứng nhu cầu di chuyển các hộ kinh doanh tại làng nghề vào khu vực sản xuất tập trung; giúp các cơ sở, doanh nghiệp làng nghề tiếp tục mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, nước thải trong quá trình sản xuất và làm tốt việc thu gom, xử lý rác thải, qua đó đưa nghề sản xuất chăn, ga, gối, đệm và quần áo của xã phát triển ổn định, bền vững. Cùng với đó, xã sẽ kiến nghị các cấp, ngành hỗ trợ xã trong triển khai phân loại rác thải tại nguồn, tiếp tục phát động nhân dân, huy động cả hệ thống chính trị nâng cấp cơ sở hạ tầng, đường làng ngõ xóm, chỉnh trang cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Phấn đấu trong năm 2021, sẽ hoàn thành thí điểm xóm NTM nâng cao tại xóm Kim, xóm Thịnh, xóm Đoài, tiến tới nhân rộng ra các xóm còn lại, góp phần phấn đấu hoàn thành xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2023./.

Bài và ảnh: Đức Toàn

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202109/de-lang-nghe-may-mac-xa-my-thang-phat-trien-ben-vung-2546558/