Đề nghị công bố mức sống tối thiểu làm căn cứ điều chỉnh tiền lương

Việc chưa công bố mức sống tối thiểu dẫn đến chưa có cơ sở xác định mức lương tối thiểu đủ sống cho người lao động...

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, Đoàn TP.HCM đề nghị cần công bố mức sống tối thiểu. Ảnh: Quochoi.vn.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, Đoàn TP.HCM đề nghị cần công bố mức sống tối thiểu. Ảnh: Quochoi.vn.

Thảo luận tình hình kinh tế - xã hội chiều 4/11, đại biểu Quốc hội đề nghị cần công bố mức sống thối tiểu để làm căn cứ tính mức lương tối thiểu; cũng như sớm ban hành hướng dẫn xác định người có thu nhập thấp làm căn cứ thụ hưởng các chính sách hỗ trợ.

GẦN 3 NĂM CHƯA CÓ HƯỚNG DẪN XÁC ĐỊNH NGƯỜI CÓ THU NHẬP THẤP

Tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, Đoàn TP.HCM nhấn mạnh đến tinh thần đột phá trong đổi mới chính sách, trong tổ chức thực hiện. Trong báo cáo của Chính phủ, Thủ tướng có nêu bài học đó là lấy con người làm trung tâm, làm mục tiêu, và động lực phát triển quan trọng nhất.

Nêu một số quan điểm xung quanh bài học này, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nói phục vụ con người, làm cho người dân hạnh phúc suy cho cùng là đích đến của chúng ta. Chúng ta đã đạt được thành tựu trong xóa đói giảm nghèo, nhưng bước tiếp theo là cần đảm bảo cuộc sống no đủ tối thiểu của người dân, phù hợp với tình hình đất nước. Nói cách khác, đại biểu cho rằng cần xác định mức sống tối thiểu.

Theo đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, trong thực tế nhiều năm qua, Chính phủ chưa bao giờ công bố mức sống tối thiểu, và cũng chưa công bố mức lương tối thiểu để đảm bảo cuộc sống đầy đủ, phù hợp với hoàn cảnh của đất nước. Trong khi đó, ở các nước đã công bố mức sống tối thiểu, lương tối thiểu và lương đủ sống tối thiểu.

Đại biểu cho rằng, lương đủ sống tối thiểu là mức thu nhập của hai người đi làm ít nhất phải nuôi được đàng hoàng 4 người, gồm hai người lớn, hai trẻ con.

Đại biểu cũng cho biết vừa qua cử tri có phản ánh về chính sách hỗ trợ học nghề cho người có thu nhập thấp, nhưng các địa phương không thể áp dụng được, vì không có quy định thế nào là người có thu nhập thấp. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm công bố số liệu này.

“Nghị quyết của Đảng năm 2018 bàn về vấn đề cải cách tiền lương có giao cho cơ quan thống kê Nhà nước công bố mức sống tối thiểu, làm cơ sở công bố tiền lương tối thiểu. Tuy nhiên, đến nay chưa thực hiện được nhiệm vụ này. Tôi đề nghị Chính phủ trong năm 2025 nên làm để có cơ sở hoạch định mức sống tối thiểu và mục tiêu phát triển sắp tới”, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân góp ý.

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn.

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn.

Trước đó, theo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp, cho thấy từ năm năm 2022 đến nay, cử tri nhiều địa phương liên tục kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hướng dẫn cụ thể về việc xác định người lao động có thu nhập thấp.

Qua giám sát cho thấy ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 90 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Người lao động có thu nhập thấp là một trong các đối tượng được thụ hưởng chính sách “Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn” theo Quyết định số 90.

Tuy nhiên, do không có cơ sở để xác định thế nào là người lao động có thu nhập thấp, nên các địa phương không thể thực hiện được chính sách này.

Như vậy, sau gần 3 năm Quyết định số 90 có hiệu lực thi hành, nhưng vẫn chưa có hướng dẫn xác định người lao động có thu nhập thấp, nên chính sách ưu đãi này chưa được triển khai trên thực tế, trong khi thời gian thực hiện Quyết định số 90 chỉ còn hơn 1 năm.

CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐỂ DUY TRÌ CƠ CẤU DÂN SỐ BỀN VỮNG

Tiếp tục phân tích góc nhìn về con người là nguồn lực quan trọng nhất cho phát triển, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng nguồn lực ở đây là cả số lượng và chất lượng con người. Về số lượng con người, hơn 20 năm qua, chúng ta tự hào vì có nguồn lao động dồi dào, ngày càng tăng trưởng, là cơ sở để thu hút đầu tư nước ngoài, và phát triển kinh tế trong nước.

“Điều đó rất đúng, cho đến năm 2023, tổng tỷ suất sinh của Việt Nam không còn ở ngưỡng 2,1 con/phụ nữ để giữ được cơ cấu dân số bền vững, mà đã giảm xuống mức 1,96 con/phụ nữ. Theo kinh nghiệm quốc tế, sắp tới sẽ còn tiếp tục giảm nữa”, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân lo ngại.

Như vậy, theo dự báo sơ bộ, có thể sau năm 2045 – 2050, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ thiếu lao động, dân số già và kinh tế sẽ gặp khó khăn. Đây là bài học các nước đi trước Việt Nam đã chứng kiến.

“Chúng tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt để tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, và đặt mục tiêu đảm bảo vững chắc tỷ suất sinh thay thế, bởi sau 6 năm, mục tiêu này đang không đạt được”, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân góp ý.

Đại biểu tin tưởng với việc chuẩn bị xây dựng Luật Dân số sắp tới, sẽ có cơ sở pháp lý quan trọng để phát triển công tác dân số, đảm bảo cuộc sống hạnh phúc cho nhân dân.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn.

Cũng đề cập đến vấn đề dân số, đại biểu Nguyễn Minh Tâm, đoàn Quảng Bình cho rằng Việt Nam đang chuẩn bị bước vào thời kỳ già hóa dân số. Báo cáo của Chính phủ đã thẳng thắn nhìn nhận đến năm 2036, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ dân số già, đến năm 2039 Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ cơ cấu dân số vàng, sau đó là thời kỳ cơ cấu dân số rất già.

Điều này kéo theo nhiều hệ lụy như tốc độ tăng trưởng theo đầu người sẽ giảm xuống, tạo ra nhu cầu sống còn phải cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và các nguồn tăng năng suất khác để có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng. Việc điều chỉnh, thay đổi Pháp lệnh Dân số bằng Luật Dân số trở nên cấp thiết trong lộ trình xây dựng luật.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ chú trọng đảm bảo quyền quyết định của cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con, thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần cần được cụ thể hóa, hỗ trợ bằng các biện pháp đi cùng.

Đơn cử như doanh nghiệp không được quyền sa thải phụ nữ đang mang thai; miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân cho các cặp vợ chồng, cá nhân đang trong thời gian mang thai, nuôi con nhỏ.

“Nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước, trước mắt đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét hình thức kỷ luật đối với sinh con thứ ba liệu có còn phù hợp hay không để có điều chỉnh, sửa đổi kịp thời”, nữ đại biểu đoàn tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh.

Nhật Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/de-nghi-cong-bo-muc-song-toi-thieu-lam-can-cu-dieu-chinh-tien-luong.htm