Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 11 bậc

Theo Báo cáo hạnh phúc thế giới năm 2024, Việt Nam đứng thứ 54, cải thiện tích cực so với vị trí 65 của năm 2023. Việt Nam là một trong những quốc gia thực hiện tốt chính sách xã hội, nhất là so với các nước có điều kiện kinh tế tương đồng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội nhận định.

 Các em ở điểm trường Há Tỏ Sò, xã Lũng Pù, Mèo Vạc, Hà Giang - Ảnh minh họa

Các em ở điểm trường Há Tỏ Sò, xã Lũng Pù, Mèo Vạc, Hà Giang - Ảnh minh họa

Xây dựng chính sách phòng, chống già hóa dân số, điều chỉnh tỷ suất sinh thay thế

Giải trình trước Quốc hội về một số ý kiến thảo luận của các đại biểu về các lĩnh vực quản lý của ngành, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khái quát, thời gian qua, các chính sách xã hội triển khai cơ bản đúng, đủ và kịp thời, tạo nên những chuyển biến quan trọng về nhận thức, hành động và hiệu quả.

Điều đáng mừng là chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 11 bậc. Cụ thể, theo Báo cáo hạnh phúc thế giới năm 2024 do Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên hợp quốc công bố dựa trên kết quả khảo sát tại 143 quốc gia và vùng lãnh thổ, Việt Nam đứng thứ 54, cải thiện tích cực so với vị trí 65 của năm 2023. Xét ở khu vực châu Á, Việt Nam đứng vị trí thứ 6.

"Việt Nam là một trong những quốc gia thực hiện tốt chính sách xã hội, nhất là so với các nước có điều kiện kinh tế tương đồng" - Bộ trưởng nhận định và cho biết cuối tháng 10 vừa qua, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở châu Á được các nước G7 mời trực tiếp báo cáo điển hình về thực hiện chính sách xã hội, phát huy vai trò người khuyết tật, người yếu thế trong xã hội.

Điểm nổi trội là các chính sách người có công, cùng với các chính sách giảm nghèo bền vững dành cho đối tượng yếu thế theo nguyên tắc đảm bảo an sinh tối thiểu, nâng dần các mức trợ giúp xã hội.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Về kết quả giảm nghèo ở mức giảm 1,93% đạt được năm nay, Bộ trưởng khẳng định, đây là cố gắng lớn của cả nước trong điều kiện thiên tai, lũ, bão liên tiếp xảy ra.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, lần đầu tiên chỉ tiêu về năng suất lao động tăng 5,56%, đạt yêu cầu đề ra.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, từ năm 2025, Việt Nam sẽ phải chú trọng xây dựng chính sách khung, chính sách quốc gia về phòng, chống già hóa dân số; và điều chỉnh tỷ suất sinh thay thế.

Lao động trẻ ưu tiên tìm việc ổn định, từ chối nhảy việc ngắn hạn

Về chỉ số thất nghiệp và thiếu việc làm trong thanh niên ở mức 7,92%, Bộ trưởng cho biết, đây là vấn đề rất được quan tâm.

Ở các nước châu Á, Đông Nam Á, tình trạng thiếu việc làm và thất nghiệp trong thanh niên đang tăng rất nhanh. Mức bình quân khu vực Đông Nam Á là 9,5%, Brunei là 24%, Timor-Leste là 13,3%... Ở Trung Quốc tính đến tháng 8, tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi 18-24 thất nghiệp là 18,8%, tức là cứ 5 thanh niên thì 1 người thất nghiệp và thiếu việc làm.

Ông Đào Ngọc Dung phân tích: "Mặc dù tình hình chưa thật an tâm, nhưng 7,92% là con số có thể chấp nhận được. Nhìn chung, tỷ lệ thất nghiệp của nền kinh tế vẫn ở ngưỡng cho phép".

Lý giải nguyên nhân gia tăng tỷ lệ thanh niên thất nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề cập yếu tố kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, Việt Nam cũng như các nước chịu tác động bởi những yếu tố bất ổn khiến sản xuất kinh doanh khó khăn.

Bên cạnh đó, nhà tuyển dụng có xu hướng ưu tiên nhân lực có nhiều kinh nghiệm, có thể đảm nhận nhiều công việc để tiết kiệm chi phí. Do đó, lao động trẻ có phần khó khăn để thích ứng.

Ngoài ra, quá trình chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo diễn ra nhanh khiến nhiều công việc thay thế bởi máy móc và công nghệ, gia tăng cạnh tranh với nhóm lao động trẻ. Một bộ phận lao động trẻ ưu tiên tìm việc ổn định, lâu dài, từ chối nhảy việc ngắn hạn dẫn đến phần thất nghiệp tạm thời.

Mai Vàng

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/chi-so-hanh-phuc-cua-viet-nam-tang-11-bac-20241105105145702.htm