Để việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn thực sự hiệu quả
Theo số liệu thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ, tính đến hết năm 2019, tỉnh ta có 356 văn bằng bảo hộ được cấp cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, HTX, cơ sở kinh doanh dù đã đăng ký được nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa song vẫn loay hoay để phát triển thị trường.
Nước mắm Lê Gia dược công nhận là 1 trong 33 sản phẩm công nghiệp nông thôn tỉnh Thanh Hóa năm 2019. Ảnh: Lê Hòa
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tỉnh có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, những năm qua, tỉnh ta đã có nhiều cơ chế, chính sách, triển khai các giải pháp phát triển sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp về kỹ thuật, vốn... Tuy nhiên, xu thế chung hiện nay đòi hỏi sản phẩm đưa ra thị trường phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ từ cơ quan quản lý Nhà nước. Vì vậy, công tác xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm công nghiệp, nhất là sản phẩm công nghiệp nông thôn đặc trưng, thế mạnh luôn được tỉnh quan tâm thực hiện.
Theo số liệu thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ, tính đến hết năm 2019, tỉnh ta có 356 văn bằng bảo hộ được cấp cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, HTX, cơ sở kinh doanh dù đã đăng ký được nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa song vẫn loay hoay để phát triển thị trường. Được xây dựng, phát triển từ làng nghề kẹo lạc nổi tiếng Xuân Yên (nay là xã Phú Xuân, huyện Thọ Xuân), Công ty TNHH Đức Giang đã có khoảng 10 năm phát triển, nghiên cứu, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng được nhãn hiệu kẹo lạc Đức Giang. Tuy nhiên, anh Dương Văn Giang, giám đốc công ty, cho biết: Việc xây dựng được nhãn hiệu là bước đi cần thiết về mặt luật pháp để hợp thức hóa và công nhận tên tuổi của một loại sản phẩm hàng hóa nào đó. Với công ty, việc đăng ký, xây dựng được nhãn hiệu kẹo lạc Đức Giang chỉ là bước đi ban đầu để “đánh dấu” sự có mặt của sản phẩm kẹo lạc trên thị trường. Còn việc “xây dựng thương hiệu” là cả quá trình dài, đòi hỏi sự đầu tư về trí tuệ, thời gian, công sức... của doanh nghiệp mới lấy được niềm tin của người tiêu dùng. Thực tế, sản phẩm của công ty mới chạm được ngưỡng đầu tiên của thương hiệu, chính vì vậy để phát huy được hiệu quả của nhãn hiệu chính là sự đầu tư về kỹ thuật, công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã hàng hóa và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Công ty TNHH Đức Giang chú trọng đầu tư kỹ thuật để đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng cho sản phẩm.
Khảo sát thực tế tại nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở, HTX sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, nhận thấy, đa phần các sản phẩm đưa ra thị trường tiêu thụ đều được các chủ thể sản xuất “gắn” cho một nhãn mác, tên tuổi cụ thể. Song, thực tế đó chỉ là quá trình gọi tên ban đầu cho sản phẩm. Còn việc duy trì, tạo niềm tin, khẳng định vị thế của sản phẩm không phải là điều dễ dàng. Ông Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Công ty Sản xuất và Thương mại yến sào xứ Thanh, xã Hưng Lộc (Hậu Lộc), cho biết: Gần 5 năm theo đuổi với nghề nuôi và chế biến sản phẩm tổ yến, tháng 3-2019, công ty đã đăng ký được nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm của mình. Ngoài việc đầu tư máy móc hiện đại để hình thành quy trình sản xuất phù hợp, công ty đã chú trọng đến thiết kế hệ thống tem nhãn, đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm... bảo đảm chất lượng khi đưa ra thị trường. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu cũng không dễ, nhất là chi phi để quảng bá, mở rộng các kênh bán hàng sẽ gia tăng, chiếm tỷ lệ ngày càng cao so với lợi nhuận thu được. Bên cạnh đó, tâm lý của nhiều người tiêu dùng vẫn còn chuộng hàng giá rẻ. Khi sản phẩm đã đăng ký thương hiệu, đáp ứng các tiêu chuẩn nhưng giá thành cao cũng khó cạnh tranh với các sản phẩm khác chưa có thương hiệu nhưng giá thành rẻ hơn.
Được biết, để phát huy hiệu quả của các sản phẩm công nghiệp, nhất là sản phẩm công nghiệp nông thôn, hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã và đang tiếp tục hỗ trợ các địa phương, đơn vị sản xuất đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật, quy trình công nghệ vào sản xuất. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và triển khai các dự án bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với những sản phẩm chất lượng, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường. Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh đã lồng ghép, vận dụng nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội để tạo nguồn vốn đầu tư cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất nâng cao kỹ thuật, công nghệ sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho những sản phẩm thế mạnh. Qua đó, nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn đã xây dựng được nhãn hiệu tập thể và nâng cao giá trị kinh tế, như: Chiếu cói Việt Trang, mắm Lê Gia, bánh gai Lâm Thắng, gạo sạch Hương quê, chè lam Phủ Quảng, rượu Chine men xanh cao cấp, nước mắm Ba Làng...
Việc xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm công nghiệp nông thôn là một trong những hướng đi trọng tâm, cần thiết, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng tập trung.