Đề xuất mở rộng đối tượng tham gia, xử lý nghiêm trục lợi bảo hiểm xã hội

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất bổ sung quy định chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với toàn bộ người lao động có việc làm, thu nhập.

Hiện nay, hệ thống bảo hiểm xã hội tại Việt Nam bao gồm bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện. Theo đó, bảo hiểm xã hội bắt buộc được áp dụng đối với người lao động khu vực có quan hệ lao động và bảo hiểm xã hội tự nguyện được áp dụng đối với khu vực không có quan hệ lao động.

Tuy nhiên, bảo hiểm xã hội bắt buộc hiện chưa điều chỉnh đối với một số nhóm đối tượng có nhu cầu và có khả năng tham gia như: Chủ hộ kinh doanh cá thể; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt- trong khi thu nhập của nhóm này khá cao và ổn định.

Bên cạnh đó, bảo hiểm xã hội bắt buộc cung cấp các chế độ: Hưu trí, tử tuất, ốm đau và thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và thất nghiệp. Song, bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ cung cấp các chế độ hưu trí và tử tuất, khiến cho chính sách này kém hấp dẫn không thu hút được nhiều người tham gia.

Vì thế, để mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội bắt buộc và đẩy nhanh số người tham gia bảo hiểm xã hội trong khu vực phi chính thức, Nghị quyết số 28/NQ-TW đã định hướng và xác định mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó nông dân và lao động phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Cùng với đó, đến năm 2030, phấn đấu đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó nông dân và lao động phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu của Nghị quyết số 28/NQ-TW, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất bổ sung quy định chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với toàn bộ người lao động có việc làm, có thu nhập và tiền lương.

Trong đó, bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với đối tượng có điều kiện và khả năng như: Người hưởng chế độ phu quân và phu nhân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; chủ hộ kinh doanh; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý hợp tác xã không hưởng tiền lương; người lao động làm việc không trọn thời gian.

Ngoài ra, Dự thảo cũng đề xuất bổ sung quyền lợi hưởng chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, bổ sung trợ cấp thai sản trong chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Cụ thể, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được hưởng 3 chế độ là lương hưu, thai sản và tử tuất. Dự thảo cũng quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản là người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Mức hưởng thai sản là 2 triệu đồng cho một con mới sinh, nguồn chi do ngân sách nhà nước bảo đảm.

Ngoài ra, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) còn bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội. Trong đó, những hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, nhất là hành vi trốn đóng, chậm đóng, nợ đóng, trục lợi chính sách sẽ bị xử lý nghiêm.

Các biện pháp đề xuất để xử lý trốn đóng bảo hiểm xã hội đó là, người sử dụng lao động phải nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên tổng số tiền trốn đóng (tương tự như tiền chậm nộp thuế hiện nay). Cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên; hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên.

Theo dự thảo, công đoàn và cơ quan bảo hiểm xã hội có thẩm quyền khởi kiện vụ việc về bảo hiểm xã hội ra Tòa án. Nếu có dấu hiệu phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Bộ luật Hình sự, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ kiến nghị khởi tố theo quy định…

Ban soạn thảo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung là đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.

Các điểm mới của chính sách đều hướng tới mục tiêu nhất quán là xây dựng chế độ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lấy ý kiến đang nhận được sự quan tâm của người dân. So với Luật BHXH năm 2014, dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi) có một số điểm mới như xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, thông qua việc bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ. Phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.

Theo đó, Dự thảo gồm 9 chương và 133 điều (luật hiện hành gồm 9 chương và 125 điều) trên cơ sở kế thừa kết cấu của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, nhưng có bổ sung một số chính sách mới. Nổi bật là hai nhóm chính sách hướng tới mục tiêu mở rộng diện bao phủ, tăng thêm quyền lợi cho người tham gia.

Bảo Thoa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/de-xuat-mo-rong-doi-tuong-tham-gia-xu-ly-nghiem-truc-loi-bao-hiem-xa-hoi-245204.html