Đề xuất thuế TTĐB với đồ uống không cồn: Doanh nghiệp kiến nghị cân nhắc kỹ tác động

Không chỉ điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với rượu, bia, Dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi), bổ sung cả đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Những đề xuất này khiến doanh nghiệp lo lắng, kiến nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ tác động.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa phối hợp với Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức Hội thảo: Ngành đồ uống đóng góp ý kiến về đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi). Một trong những nội dung đáng lưu ý của đề xuất xây dựng Dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) lần này là bổ sung đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế TTĐB; và tiếp tục điều chỉnh tăng thuế suất thuế TTĐB đối với rượu, bia.

“Ngành đồ uống là một trong những đối tượng chịu tác động trực tiếp, sâu rộng đối với Luật Thuế TTĐB với những đóng góp hàng chục ngàn tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước (NSNN) ở TW và địa phương. Vì vậy, ý kiến đóng góp của ngành hàng là rất quan trọng để đảm bảo chính sách pháp luật khi ban hành có sự đồng thuận cao, hài hòa các lợi ích và đảm bảo nuôi dưỡng nguồn thu bền vững cho NSNN…” - Chủ tịch VBA, PGS.TS Nguyễn Văn Việt nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, đại diện Tiểu ban Nước giải khát của VBA, ông Đỗ Thái Vương, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nước giải khát Suntorry Pepsico Việt Nam lo ngại về đề xuất bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB. “Hiện chưa có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn để chứng minh rằng việc áp thuế TTĐB với đồ uống có đường sẽ giúp giảm tình trạng thừa cân béo phì, đặc biệt là trong bối cảnh có rất nhiều loại thực phẩm có chứa đường và hàm lượng calo cao tồn tại trên thị trường…” - ông Vương nói, đồng thời cho biết, tại một số quốc gia như Thái Lan, Ấn Độ, Na Uy, Phần Lan, Mê-hi-cô… tỷ lệ thừa cân béo phì vẫn tiếp tục tăng, sau khi các quốc gia này áp thuế đối với đồ uống có đường.

Cũng theo ông Vương, việc áp thuế TTĐB với đồ uống có đường sẽ ảnh hưởng nặng nề đối với ngành nước giải khát và gây ra những hệ lụy không mong muốn đối với các ngành kinh tế khác có liên quan như ngành mía đường, bán lẻ, bao bì,… cũng như cả nền kinh tế.

Đại diện Hiệp hội Thương Mại Hoa Kỳ (Amcham), ông Chris Vanloon, Chủ tịch Amcham Đà Nẵng dẫn số liệu của Bộ Tài chính, trong đó cho biết, chỉ có khoảng 1/4 quốc gia trên thế giới áp dụng thuế đối với đồ uống có đường. “Đây là một thuật ngữ gây nhầm lẫn, vì các tài liệu khoa học trong chính báo cáo này sử dụng một thuật ngữ khác là “nước giải khát có bổ sung đường”. Như vậy, chúng tôi thấy không có quốc gia nào trong số này chứng minh được hiệu quả của sắc thuế trong việc giảm béo phì và đái tháo đường, trong khi nó gây ra những tác động kinh tế - xã hội lớn đến mức một số quốc gia, chẳng hạn như Đan Mạch, đã rút bỏ loại thuế này” - ông Chris Vanloon cho biết.

Với đề xuất của Bộ Tài chính cho rằng “thức uống đại mạch” là sản phẩm tương tự bia không cồn do có nguyên liệu, quy trình, hình thức, mùi vị giống bia nên cần phải đánh thuế TTĐB, đại diện Tiểu ban Nước giải khát khẳng định “cơ sở đề xuất này là rất bất hợp lý”.

“Vì các yếu tố giống nhau này không phải là cơ sở pháp lý để áp thuế TTĐB và cũng không phải là cơ sở phù hợp với mục đích của sắc thuế TTĐB là hạn chế hoặc không khuyến khích tiêu dùng những sản phẩm có hại cho sức khỏe - thực tế chưa có bất kỳ nghiên cứu khoa học nào kết luận rằng thức uống đại mạch có hại cho sức khỏe” - ông Đỗ Thái Vương nêu ý kiến.

Khẳng định hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam hiện hành không có định nghĩa thế nào là “đồ uống có đường”, Chủ tịch Amcham Đà Nẵng, ông Chris Vanloon cho rằng đề xuất của Bộ Tài chính có thể bao gồm cả nhiều loại sản phẩm là thực phẩm thiết yếu cho cuộc sống và tốt cho sức khỏe như sữa và các sản phẩm từ sữa, thực phẩm đặc biệt cho trẻ em, phụ nữ có thai, người già, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm y tế cho người bệnh,...

Do đó, đại diện Amcham cho rằng Bộ Tài chính cần cân nhắc các tác động tiềm ẩn của đề xuất đối với DN và người tiêu dùng so với hiệu quả của nó, dựa trên các bằng chứng khoa học xác đáng và nguyên tắc quản lý rủi ro để tránh những hậu quả không mong muốn cho cộng đồng và xã hội.

Linh Linh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/de-xuat-thue-ttdb-voi-do-uong-khong-con-doanh-nghiep-kien-nghi-can-nhac-ky-tac-dong-post469604.html