Đêm Văn Miếu kỳ ảo nhờ công nghệ ánh sáng
Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám về đêm sinh sắc hơn nhờ ứng dụng công nghệ ánh sáng, trong đó phải kể tới công nghệ 3D mapping. Sau nhiều tháng ấp ủ, tua đêm Văn Miếu ra mắt tối 29/10, đưa du khách lạc bước vào một không gian khác biệt và giàu cảm xúc.
Khoác áo ánh sáng
Ý tưởng thắp sáng Văn Miếu - Quốc Tử Giám (VM-QTG) không chỉ bằng ánh sáng thông thường, hơn hết nhờ những câu chuyện làm giàu thêm giá trị cho di tích đã thành hiện thực. Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học VM-QTG từng chia sẻ dự định này từ đôi năm trước, tới bây giờ mới đủ chín để thiết kế tua phục vụ du khách.
Đi sau so với một số di tích nổi bật của Hà Nội như Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long, những người làm tua đêm VM-QTG trăn trở chọn lọc từng họa tiết, câu chuyện nhằm truyền tải thông điệp Tinh hoa đạo học - giá trị lớn lao nhưng không dễ diễn giải như câu chuyện cụ thể và trực diện như ở Hỏa Lò chẳng hạn. Tuy thế, Văn Miếu có lợi thế về bề dày văn hóa và lịch sử độc đáo khiến di tích này luôn đứng trong danh sách điểm đến hàng đầu khi du khách đặt chân đến Hà Nội.
Không còn cảnh cửa đóng then cài theo giờ hành chính nữa, di tích Văn Miếu rộn ràng hơn trong đêm mở cửa đầu tiên đón khách tham quan 29/10. Trời mưa không ảnh hưởng tới trải nghiệm mới mẻ của du khách. Ngay khi bước chân qua cổng soát vé, di tích quen thuộc được bao phủ bởi nhiều luồng ánh sáng lung linh. Khu Nhập đạo dẫn vào di tích trải thảm ánh sáng với dòng tựa đề nổi bật Tinh hoa đạo học. Hàng cây đôi bên đường cũng được khoác áo ánh sáng. Không chỉ là đèn rọi thông thường, ánh sáng được tính toán sao cho mỗi gốc cây, tán lá đều được soi rọi bằng những họa tiết hoa văn đặc trưng gắn liền với di tích. Đó là câu chuyện về cá chép hóa rồng, là hình ảnh của bút nghiên, lều chõng, sĩ tử dùi mài kinh sử, trạng nguyên vinh quy bái tổ…
Loạt di tích như Khuê Văn Các, giếng Thiên Quang, cổng dẫn vào điện Đại Thành đều được tính toán từng gam màu, cường độ ánh sáng khác biệt để làm nổi bật kiến trúc độc đáo trên nền trời đêm. Sự quen thuộc ngày thường nhường chỗ cho cảm xúc mới mẻ khi ánh mắt chạm vào mỗi dấu tích, bởi sự thâm trầm của di tích càng được tô đậm hơn trong bầu không khí u tịch.
Trước khi đến với điểm dừng chân cuối cùng ở nhà Thái Học, du khách có thể lưu lại lâu hơn ở không gian triển lãm, không gian lều chõng của các sĩ tử xưa ở lối đi nhỏ bên vườn. Nơi đây còn đặt các tổ hợp sắp đặt theo chủ đề vinh quy bái tổ. Khách tham quan có thể trải nghiệm cảm giác của một vị tân khoa rong ruổi trên lưng ngựa vinh quy về làng, hoặc học viết chữ Hán.
Điểm nhấn đáng mong chờ nhất chính là không gian trình diễn ở sân Thái Học. Những chiếc bàn, ghế nhỏ nhắn xinh xắn được xếp trong sân Thái Học là nơi dừng chân cuối cùng của du khách khám phá tua đêm Văn Miếu. Kiến trúc nhà Thái Học trở thành phông nền cho công nghệ 3D mapping kể câu chuyện về Tinh hoa đạo học. Những nét kiến trúc độc đáo nhất, di sản bia tiến sĩ, câu chuyện về đạo học, về các danh nhân lần lượt được tái hiện sống động bằng công nghệ âm thanh và ánh sáng. Tất cả câu chuyện thu lượm được từ cổng di tích và dọc hành trình tham quan được xâu chuỗi lại thành bức tranh tổng thể, được trình chiếu sống động.
Nối dài trải nghiệm và cảm xúc
“Chúng tôi mong muốn mang đến cho khách tham quan một diện mạo mới hoàn toàn của khu di tích, tạo nên những trải nghiệm mới, những cảm xúc khác biệt so với các nội dung của tua tham quan ban ngày”, TS. Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa - Khoa học VM-QTG nói. Những người thực hiện đã phải bước qua nhiều rào cản, lấy ý kiến nhiều nhà quản lý, nhà chuyên môn, đại diện đơn vị kinh doanh lữ hành và du lịch để hoàn thiện tua trải nghiệm tạo ấn tượng với du khách.
“Tua đêm Văn Miếu mang đến cảm giác rất tuyệt. Công nghệ 3D mapping lần đầu tiên được sử dụng cho không gian di tích ngoài trời đã tạo hiệu ứng đặc biệt trên cho Văn Miếu”, ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam nói. Từng tham gia thiết kế nhiều tua đêm khác, ông Phùng Quang Thắng hy vọng, Văn Miếu có thêm sức hút nhờ sự chăm chút cho sản phẩm mới mẻ này.
Không chỉ tập trung "đánh" vào thị giác, ông Lê Xuân Kiêu giải thích, những người thực hiện lồng ghép trải nghiệm trong suốt hành trình tham quan di tích, đặc biệt ở khu Đại thành hay còn gọi là khu Bái đường. Khách tham quan sẽ được trải nghiệm sản phẩm công nghệ kính thực tế ảo khám phá hơn 800 năm lịch sử hình thành và phát triển VH-QTG, 16 bức hoa văn diềm bia Tiến sĩ gắn trên các hàng cột hiên của hai dãy nhà Tả vu và Hữu vu nằm hai bên sân Bái đường - lần đầu tiên được giới thiệu đến với công chúng một cách có hệ thống.
Là một trong những người có kinh nghiệm tổ chức tua trải nghiệm cho du khách, ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội đánh giá cao màn trình diễn của âm thanh, ánh sáng tại di tích Văn Miếu. Tuy nhiên ông góp ý, để hoàn thiện thêm trải nghiệm cho du khách, nhà tổ chức cần tính toán thêm điểm nhấn về cảm xúc để làm nổi bật hơn thông điệp Tinh hoa đạo học.
Tua đêm Văn Miếu vượt lên màn trình diễn thực cảnh đơn thuần của âm thanh, ánh sáng. Nó tạo ra những cảm xúc mới mẻ, nối dài trải nghiệm của du khách ở di tích quốc gia đặc biệt, làm phong phú hơn sản phẩm khai thác giá trị văn hóa và lịch sử gần nghìn năm này.
Chương trình Trải nghiệm đêm VM-QTG mở cửa phục vụ khách tham quan từ ngày 1/11 trong khung thời gian từ 19-22h. Ông Lê Xuân Kiêu cho biết, nhiều đơn vị lữ hành liên hệ đặt vé cho khách. Du khách có thể mua vé trực tiếp tại quầy, trung tâm sẽ hoàn thiện các thủ tục, hạ tầng để bán vé trực tuyến trong thời gian tới.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dem-van-mieu-ky-ao-nho-cong-nghe-anh-sang-post1582816.tpo