Đến bệnh viện khám phát hiện vỡ động mạch thắt lưng, cực hiếm trong y văn

Bà N. T. N., 67 tuổi, ở huyện Tịnh Biên – An Giang được bệnh viện tuyến dưới chuyển đến BVĐK Trung ương Cần Thơ lúc 2 giờ 30 phút ngày 15/6/2021 với tình trạng sốc do mất máu, bệnh lơ mơ, da niêm nhợt, bứt rứt, huyết áp thấp dù đang sử dụng thuốc vận mạch liều cao có biểu hiện rối loạn đông máu.

Bà N. được xử trí cấp cứu, truyền máu và tiến hành hội chẩn cấp bệnh viện gồm nhiều chuyên khoa. Theo lời người nhà kể lại, trước khi nhập viện khoảng 4 ngày, bà N. đau hông trái tăng dần, đến bệnh viện địa phương khám nhưng không phát hiện ra bệnh.

Tại BVĐK Trung ương Cần Thơ, kết quả kiểm tra ghi nhận vùng hông trái của bệnh nhân có khối máu tụ 80x77mm, căng đau.

Chụp cắt lớp vi tính bụng có cản quang ghi nhận hình ảnh thoát mạch. Bệnh nhân có chỉ định chụp và can thiệp nội mạch. Ê kíp can thiệp nút mạch do BS.CKI Trần Công Khánh – Phó khoa Chẩn đoán hình ảnh thực hiện.

Thầy thuốc BVĐK Trung ương Cần Thơ can thiệp nút mạch cho bà N.

Thầy thuốc BVĐK Trung ương Cần Thơ can thiệp nút mạch cho bà N.

Kết quả ghi nhận có ổ thoát mạch từ nhánh động mạch thắt lưng trái, ê kíp tiến hành tắc mạch bằng keo, sau đó chụp kiểm tra thấy tắc hoàn toàn nhánh thoát mạch với thời gian 30 phút. Sau can thiệp, tình trạng huyết động bệnh nhân ổn định dần.

Hình ảnh thoát mạch trước khi can thiệp

Hình ảnh thoát mạch trước khi can thiệp

Hiện nay, bà N. tỉnh, tiếp xúc tốt, sinh tồn ổn định đang được điều trị Khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu. Dự kiến ra viện trong vài ngày tới.

Theo BS.CKII Nguyễn Minh Nghiêm - Phó Giám đốc BVĐK Trung ương Cần Thơ, tụ máu sau phúc mạc thường là hậu quả của khối tăng sinh của thận và tuyến thượng thận cũng như phình động mạch chủ bụng, chấn thương mạch máu và tình trạng rối loạn đông máu.

Tuy nhiên, tụ máu sau phúc mạc do vỡ động mạch thắt lưng tự phát là một tình trạng cực kỳ hiếm gặp và do đó cũng có rất ít thông tin về tình trạng này trong y văn.

Hình ảnh sau can thiệp của bệnh nhân

Hình ảnh sau can thiệp của bệnh nhân

Khối máu tụ sau phúc mạc được tạo nên do vỡ động mạch thắt lưng thường liên quan với chấn thương, u ác tính sau phúc mạc.

Tuy nhiên, dựa vào những tiến bộ gần đây của khoa học kỹ thuật và trang thiết bị, vỡ động mạch thắt lưng tự phát rất hiếm xảy ra nhưng nó là một thử thách lớn trong chẩn đoán chính xác và điều trị, tỉ lệ tử rất vong cao.

Những người lớn tuổi, suy thận và đang điều trị thuốc kháng đông có nguy cơ cao bị vỡ động mạch thắt lưng tự phát hơn những người bình thường.

Các triệu chứng điển hình gồm đau bụng, tụt huyết áp, xuất hiện khối u vùng bụng. Khi nghi ngờ có vỡ động mạch thắt lưng tự phát, các bác sĩ sẽ chỉ định chụp cắt lớp vi tính có cản quang để đánh giá khối máu tụ cũng như chụp mạch máu để chẩn đoán cũng như thực hiện can thiệp nội mạch.

Điều trị phẫu thuật thường chỉ được xem xét ở những người không cải thiện sau can thiệp nội mạch.

Vỡ động mạch thắt lưng tự phát nên được cẩn trọng xem xét ở các trường hợp sốc giảm thể tích liên quan đến lọc máu hoặc sử dụng thuốc kháng đông.

Ngoài ra, phát hiện sớm và sử dụng kỹ thuật nút mạch không những làm giảm rõ các biến chứng như: suy đa cơ quan và sốc giảm thể tích mà còn giảm tối thiểu sự cần thiết phải can thiệp phẫu thuật. Tỉ lệ tử vong của vỡ động mạch thắt lưng tự phát có thể giảm thấp nhờ vào phát hiện sớm và điều trị bằng kỹ thuật nút mạch giúp cầm máu kịp thời.

Can thiệp nút mạch cầm máu, bệnh nhân sẽ không phải trải qua những cuộc đại phẫu nặng nề kéo dài hàng giờ, tiềm ẩn biến chứng trong và sau phẫu thuật nguy hiểm như sốc mất máu, nhiễm trùng vết mổ. Can thiệp thành công cũng giúp giảm lượng máu cần truyền, giảm tỉ lệ tử vong và giảm thời gian nằm viện của bệnh nhân, thời gian thủ thuật ngắn, cầm máu được tức thì, hạn chế tối đa xâm lấn.

Đây là kỹ thuật hiện đại, can thiệp xâm lấn tối thiểu, điều trị tối đa, có độ an toàn, hiệu quả cao, không gây mất máu và ít đau đớn.

Phạm Phong. Ảnh: BVCC

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/den-benh-vien-kham-phat-hien-vo-dong-mach-that-lung-cuc-hiem-trong-y-van-n195861.html