Đền Cửa Ông – Một kỳ quan linh thiêng vùng Đông Bắc

n Cửa Ông là một trong 3 khu di tích nổi tiếng nhất ở tỉnh Quảng Ninh với hơn 700 năm tọa lạc trên vùng sơn thủy hữu tình, ngôi Đền đã và đang trở thành một kỳ quan linh thiêng bậc nhất vùng Đông Bắc Tổ quốc.

Đền Cửa Ông tọa lạc ngay trên bờ vịnh Bái Tử Long thuộc phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, nơi thờ phụng công đồng triều Trần và Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng (con trai thứ ba của Trần Hưng Đạo) - một vị tướng tài ba có công lao to lớn trấn ải vùng Đông Bắc của Tổ quốc, đánh đuổi quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII.

Đền Cửa Ông được bố trí trên các ngọn đồi không cao lắm, phía trước hướng ra vịnh Bái Tử Long, sơn thủy hữu tình. Ảnh: Lê Phương.

Đền được đã được Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận xếp hạng khu di tích lịch sử quốc gia và trở thành điểm du lịch tâm linh, hướng về cội nguồn không chỉ của người dân Quảng Ninh mà của đông đảo du khách trong, ngoài nước.

Toàn cảnh Di tích được bố trí trên các ngọn đồi không cao lắm, đan xen, hài hòa dưới những bóng cây cổ thụ, tạo nên cảnh tĩnh mịch, hùng tráng, hoa mỹ nhưng trang nghiêm; gồm 3 khu vực chính là đền Hạ, đền Trung và đền Thượng.

Đền Hạ nằm ở phía dưới thờ Mẫu; khu đền Thượng gồm đền chính thờ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng, lăng Trần Quốc Tảng, đền Quan Châu, đền Quan Chánh… Đây là Đền duy nhất thờ đầy đủ gia thất Trần Hưng Đạo và các cận thần của ông còn lại đến ngày nay. Đền còn lưu giữ 34 pho tượng lớn nhỏ đã được các nghệ nhân chạm trổ công phu, với tư thế ngồi trong ngai, khám, long đình rất cân đối, mang giá trị nghệ thuật cao…

Đền Hạ (thờ Mẫu), thuộc Khu di tích đền Cửa Ông. Ảnh Lê Phương.

Di tích đền Cửa Ông không chỉ mang lại giá trị lịch sử to lớn, mà còn có giá trị về nghệ thuật, văn hóa dân tộc đặc sắc với kiến trúc: Long, Ly, Quy, Phượng… Phần trong nhà đền được sử dụng bằng các loại gỗ bền, chắc, đẹp như: đinh, lim, trắc, gụ… Khung nhà được dựng theo lối: kèo, cầu, dường, trụ… trên đó được khắc họa bằng các bức phù điêu, bức trướng, câu đối…và các hoa văn được sơn son, thếp vàng lộng lẫy; vật liệu xây dựng là đá đúc, gạch Bát Tràng, vữa hồ pha mật; gạch lát nền, ngói mũi từ đất sét nung…

Hằng năm, vào dịp đầu Xuân (khoảng tháng 2 âm lịch), Đền mở hội. Nghi thức Lễ hội gồm: Lễ xin mở hội tại đền Thượng; Lễ Cầu siêu, Lễ xin ở cửa đền, dâng hương rước Đức Ông; đại lễ tưởng niệm và cuối cùng là rước Đức Ông hồi cung an vị, cùng nhiều trò chơi dân gian đặc sắc...

Khách thập phương đến viếng thăm thắng cảnh đền Cửa Ông, dưới mái đền cổ kính, tán cây cổ thụ tĩnh lặng, ai cũng kính cẩn trước các vị Nhân Thần nhà Trần, họ không những ngưỡng mộ nhân tài, khí phách của các vị anh hùng hào kiệt, mà còn nguyện làm việc tốt để xứng đáng với ông cha.

Quân Nguyễn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/den-cua-ong-mot-ky-quan-linh-thieng-vung-dong-bac-post73382.html