Đẹp như cổ tích

Có những câu chuyện đậm tính nhân văn, đẹp như cổ tích đang diễn ra trong cuộc sống. Đó là chuyện về những người mẹ F0 'vượt cạn' trong cơ sở điều trị Covid-19, những em bé chào đời trên chuyến xe về quê hoặc ngay khi vừa đến bệnh viện dã chiến.

“Cầu được ước thấy”

Đó là lời của hàng trăm thai phụ mắc kẹt trong tâm dịch mong ước được về quê. Họ là công nhân, lao động tự do đang làm việc ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Tuổi đời còn khá trẻ, đa số thuộc thế hệ 9X, có người sinh năm 2002. Xa quê đi làm, ai cũng mong có một cuộc sống tốt hơn. Nhưng gặp lúc dịch bệnh kéo dài, nhiều người rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Niềm vui khi mang thai đã chuyển thành nỗi lo trăm bề nặng trĩu: mất việc, hết tiền, đang ở xứ người, lo nhất là dương tính với SARS-CoV-2.

Vì thế, họ ước được về quê cho con chào đời nơi chôn nhau cắt rốn! Giữa lúc chẳng biết xoay xở bằng cách nào thì nhận được tin vui: Tỉnh Gia Lai sắp xếp những chuyến xe đón hàng trăm thai phụ về quê. Niềm mong ước đã trở thành hiện thực, họ vui mừng tột cùng. Chị Ksor H'Eu (21 tuổi, xã Ia Rmok, huyện Krông Pa) bộc bạch: “Khi nghe tin được tỉnh đón về, gia đình mình rất háo hức, mong chờ. Chưa có khi nào chúng tôi mong được trở về như bây giờ!”.

Bé trai có mẹ là F1 chào đời an toàn, nặng 3,3 kg tại Bệnh viện điều trị Covid-19 cơ sở 3 sáng 10-8-2021. Ảnh: Như Nguyện

Bé trai có mẹ là F1 chào đời an toàn, nặng 3,3 kg tại Bệnh viện điều trị Covid-19 cơ sở 3 sáng 10-8-2021. Ảnh: Như Nguyện

“Đợi” lên xe là... chào đời

Có vẻ như câu “Ta không được chọn nơi mình sinh ra…” không đúng với bé gái con chị Ksor H'Ơp (SN 1996, xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện). Theo lời chị H'Ơp, chỉ trước đó mấy giờ, bé rất “biết điều”, nằm yên trong bụng mẹ. Vậy mà, khi chị vừa lên xe về quê thì cựa quậy “đòi” chào đời. Người mẹ xúc động kể: “Khi xe đi đến địa phận tỉnh Bình Dương thì bắt đầu có dấu hiệu đau bụng từng cơn. Tôi vô cùng lo sợ và có lúc nghĩ đến tình huống xấu nhất. Nhưng mọi chuyện đã ổn, lúc ôm con vào lòng, nước mắt cứ thế trào ra. Xin cảm ơn các y-bác sĩ tuyến đầu đã giúp tôi sinh con an toàn!”.

Chị Ksor H'Ơp rời quê vào tỉnh Đồng Nai làm công nhân. Vì dịch bệnh nên chị phải nghỉ việc. Lúc về, chị mang thai được 38 tuần, vẫn chưa đến ngày dự sinh. Nhưng khi đoàn xe đi đến xã Nâm NJang (huyện Đak Song, tỉnh Đak Nông) thì chị chuyển dạ. Bác sĩ Bùi Sao Mai (Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh), Tổ trưởng Tổ công tác đón công dân thông tin: “Tỉnh đã bố trí 9 bác sĩ, nhân viên y tế với đầy đủ trang-thiết bị đi theo đoàn để bảo đảm công tác phòng dịch, sẵn sàng cấp cứu thai phụ nếu có tình huống khẩn cấp xảy ra trên đường. Nhờ vậy mà ca sinh của chị Ksor H'Ơp được mẹ tròn con vuông.

F0 “vượt cạn” trong cơ sở điều trị Covid-19

Trong số các thai phụ được đón về quê, có người là F0. Khi biết bản thân mình dương tính với SARS-CoV-2, những người mẹ vô cùng lo lắng, đau khổ. Việc sinh nở lúc khỏe mạnh đã vất vả, huống chi với cơ thể mắc bệnh, lại phải sinh mổ nữa, không biết con có bị làm sao không?

Đi qua cánh đồng vừa gặt, theo con đường làng nồng nàn mùi rơm rạ, chúng tôi đến nhà chị Rah Lan Lê Thị Duyên (SN 2000, thôn Bình Hòa, xã Chư Răng, huyện Ia Pa). Buổi trưa, trong ngôi nhà đơn sơ là hình ảnh chị Duyên ôm con ngồi trên võng. Chị Duyên từng là thai phụ F0 đầu tiên được phẫu thuật bắt con tại Cơ sở điều trị Covid-19 số 3 của tỉnh (Bệnh viện 331). Ca mổ thành công, tiếng khóc chào đời của đứa bé vang lên như “nốt nhạc vui”, xóa tan nỗi lo vô hình giữa xung quanh có nhiều người F0, F1 đang cách ly, điều trị. Sau sinh, chị Duyên và con phải xa cách đến 64 ngày vì chị dương tính và tái dương tính với SARS-CoV-2. Ôm chặt con trong lòng, nhìn theo ánh nắng chiếu vào cửa mà chị cứ ngỡ trong mơ, nước mắt giàn giụa: “Hai ngày sau sinh, mình hỏi bác sĩ cháu có khỏe không? Bác sĩ nói bé khỏe, test cháu âm tính, không sao. Thế là mừng không cầm được nước mắt!”.

Kỳ vọng vắc xin phòng Covid-19. Ảnh: Hoàng Quốc Vĩnh

Kỳ vọng vắc xin phòng Covid-19. Ảnh: Hoàng Quốc Vĩnh

Trở lại huyện Chư Prông lần này, chúng tôi xao xuyến trước màu hoa dã quỳ vàng rực, cỏ đuôi chồn cũng đua nhau ửng hồng dưới nắng. Nhưng hình ảnh hạnh phúc của mẹ con chị Hoàng Thị Ngọc Yến (SN 2000, thôn Bắc Thái, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) đã làm nhòe đi màu sắc của hoa. Chị Yến cũng thuộc số thai phụ được đón từ miền Nam trở về quê. Chị là F0 sinh mổ tại Bệnh viện dã chiến tỉnh. Không có người thân bên cạnh nhưng bù lại, mẹ con chị đã nhận được rất nhiều sự quan tâm. Người mẹ trẻ bồi hồi nhớ lại: “Lúc mới bị Covid-19, tôi cũng hoang mang, suy nghĩ nhiều. Nhưng khi sinh xong, em bé được chuyển đi, thấy con khỏe mạnh, bản thân mình cũng được bác sĩ chăm sóc nên tôi thấy an tâm”.
Vòng tay của những “người mẹ thứ hai”

Nếu như trong cổ tích người gặp nạn được giải cứu phải nhờ đến phép màu, nhờ bà Tiên, ông Bụt thì ở đây hoàn toàn là người thực, việc thực. Họ là đội ngũ y tế ngày đêm quên mình vừa đỡ đẻ, vừa chăm lo sức khỏe cho những bà mẹ F0, cho các em bé F0. Sau kíp trực 21 ngày tại bệnh viện, các y-bác sĩ lại phải cách ly 14 ngày tại khu cách ly tập trung, rồi về nhà cách ly thêm 7 ngày. Tạm gác lại công việc gia đình, các “thiên thần áo trắng” đã dành phần lớn thời gian để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho các công dân trở về từ tâm dịch. Theo bác sĩ Hoàng Thị Yến Ngọc (Bệnh viện điều trị Covid-19 cơ sở 3, người mổ cho chị Hoàng Thị Ngọc Yến): “Mọi thao thác với nghề vốn đã quen lâu nay, nhưng đứng trước sản phụ là F0 lại trở nên áp lực. Khi mẹ tròn con vuông, áp lực được trút bỏ!”.

Còn nhiều cảnh sinh nở đặc biệt khác nữa mà điểm chung là kết thúc có hậu. Có được cái kết như thế là nhờ sự quan tâm của chính quyền, nhờ những vòng tay ấm áp nghĩa tình của quê hương. Hy vọng các bé sau này lớn lên sẽ được nghe kể câu chuyện cổ tích đó và biết “chọn cách mình sẽ sống” để xứng đáng với nơi mình được sinh ra.

XUÂN GIANG

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/721/202202/dep-nhu-co-tich-5765803/