Di sản công nghiệp: Cần chính danh để bảo vệ
Được ví như bằng chứng sống động cho những giai đoạn phát triển của lịch sử, nhưng đến nay, di sản công nghiệp vẫn chưa được chính danh để bảo vệ và khai thác. Qua thời gian, nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp thời kỳ đầu với nhiều giá trị đã bị xóa sổ. Số phận của những công trình còn lại cũng đang hết sức mong manh.
Vẫn chỉ là danh xưng
Cách đây 1 năm, Hà Nội tổ chức sự kiện Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, với mong muốn đem đến ý tưởng cho việc tái thiết những di sản công nghiệp thành những không gian hữu ích, mang lại giá trị kinh tế - văn hóa - xã hội.
Kết thúc sự kiện, con số thống kê đã khiến nhiều người bất ngờ về sức hút của những công trình công nghiệp cũ. Theo đó, có khoảng 200.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm các hoạt động tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm; 30.000 lượt khách tham quan Tháp nước Hàng Đậu…
Những con số đã nói lên sức hấp dẫn của những di sản công nghiệp - bằng chứng sống động cho những giai đoạn phát triển của lịch sử dân tộc. Thế nhưng, sau khi sự kiện kết thúc, số phận của những công trình công nghiệp được gọi chung là “di sản công nghiệp” vẫn không nằm trong bất cứ danh mục xếp hạng hay bảo tồn nào của Nhà nước.
Đã có nhiều công trình công nghiệp bị phá dỡ như: Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, Nhà máy điện Yên Phụ, Nhà máy đèn Bờ Hồ... hay tòa nhà Postef ở Hà Nội tháng 4/2022 đã từng suýt bị phá dỡ để nhường chỗ cho một trung tâm thương mại 11 tầng. Và rồi, 9 nhà máy công trình cũ ở khu vực nội đô mà TP Hà Nội đã có kế hoạch di dời cũng không tránh khỏi nguy cơ bị xóa sổ.
Không chỉ riêng Hà Nội, ở một số địa phương khác, cũng chính sự phát triển nóng của các đô thị thời gian qua đã xóa sổ khá nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp thời kỳ đầu với nhiều giá trị vật thể và phi vật thể gắn liền như: Nhà máy dệt Nam Định; Nhà máy đóng tàu Ba Son tại TPHCM…
PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan - nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia chỉ ra nguyên nhân, là vì khái niệm di sản công nghiệp chưa được pháp lý hóa tại Việt Nam, chưa được đưa vào các văn bản pháp luật liên quan như Luật Di sản, Luật Quy hoạch Đô thị, Luật Kiến trúc...). Do không có khái niệm di sản công nghiệp được chính thức hóa, không có những nghiên cứu sâu và các tiêu chí đánh giá được đưa thành quy định thì không thể thực hiện đánh giá, phân loại và ghi nhận di sản một cách chính thức.
Nói về vấn đề này, KTS Đoàn Kỳ Thanh - người sáng lập không gian sáng tạo Zone 9 cho biết, các nhà máy cũ (di sản công nghiệp) đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc đô thị đương đại. Bên cạnh các yếu tố lịch sử, văn hóa thì các nhà máy cũ nằm ở vùng lõi của đô thị sẽ giúp giữ lại khoảng trống, không gian đủ lớn dành cho công đồng, cho nghệ thuật, sáng tạo trước sự ken đặc của mật độ đô thị. Nếu xây nhà ở, xây chung cư vào những vị trí đó thì thế hệ mai sau vĩnh viễn mất đi không gian đó.
“Việc giữ lại các nhà máy (di sản công nghiệp) trong nội đô có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo ra các không gian công cộng cho người dân ở thành phố đó” - KTS Đoàn Kỳ Thanh nói và bày tỏ sự nuối tiếc với những di sản công nghiệp không thể giữ lại được.
Cấp thiết luật hóa để bảo vệ
Đứng trước nguy cơ việc các nhà máy trong nội đô sẽ phải chịu chung số phận với những nhà máy di dời trước đó, nhiều kiến trúc sư, nhà văn hóa cho rằng cần luật hóa. Khi có một hành lang pháp lý vững chắc thì những nhà máy cũ (di sản công nghiệp) mới có cơ hội được bảo tồn để phục vụ cho lợi ích của cộng đồng.
Theo TS.KTS Ngô Doãn Đức - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Trãi, cần tạo hành lang pháp lý cho di sản công nghiệp, ban hành chặt chẽ và quyết liệt hơn, có cơ chế, chính sách rõ ràng hấp dẫn nhà đầu tư. Cần phải cân bằng, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa. Không bỏ phí những quỹ đó nhưng phải rõ ràng.
Nhiều ý kiến cho rằng, nhà máy cũ bên trong nội đô nếu được đầu tư quy hoạch, bảo vệ và phát huy tốt thì sẽ góp phần không nhỏ chung vào công cuộc phát triển công nghiệp văn hóa của đất nước. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, ngoài việc luật hóa thì vấn đề nhận thức và đánh giá đúng về vai trò, ý nghĩa của loại hình di sản này là rất quan trọng.
Có thể thấy, di sản công nghiệp luôn là chủ đề “nóng” của mọi đô thị phát triển, ẩn chứa bên trong nó có nhiều giá trị về vật thể và phi vật thể mà chúng ta cần phải có giải pháp bảo vệ, gìn giữ cho cộng đồng và thế hệ mai sau.
Với chủ đề chính “Giao lộ sáng tạo”, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 sẽ diễn ra từ ngày 9 - 17/11 với tuyến trải nghiệm chính được đặt tại quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Lần đầu tiên giao lộ sáng tạo Thủ đô sẽ được thí điểm hình thành dọc theo 7 công trình di sản lịch sử tiêu biểu của Hà Nội với hàng trăm các hoạt động sáng tạo sôi nổi ở 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa.
Không chỉ thí điểm một tuyến trải nghiệm mới, “Giao lộ sáng tạo” còn là nơi thể hiện tiềm năng sáng tạo của thành phố, góp phần cộng hưởng, kết nối và thu hút các nguồn lực sáng tạo; đánh thức tinh thần sáng tạo của các thế hệ người dân Hà Nội. Lễ hội được tổ chức với mong muốn thúc đẩy phát triển kinh tế sáng tạo của thành phố, kết nối các giá trị văn hóa truyền thống trong phát triển ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/di-san-cong-nghiep-can-chinh-danh-de-bao-ve-10293557.html