Di sản 'sống' trong lòng dân

Ngành văn hóa tỉnh Cà Mau vừa ra mắt Câu lạc bộ kể chuyện bác Ba Phi ngay tại Khu lưu niệm Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi (1884-1964).

Theo các nhà nghiên cứu, nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi là người sáng tạo ra hình tượng bác Ba Phi và lối kể chuyện dân dã đậm chất văn hóa sông nước Cửu Long. Sáng kiến kể trên như một mũi tên trúng hai đích: Vừa tôn vinh, bảo tồn một loại hình văn hóa dân gian nổi tiếng của Cà Mau; vừa kiến tạo một sản phẩm du lịch đặc thù.

Những năm gần đây, khá nhiều địa phương đã chủ động tìm cách bảo tồn di sản văn hóa đặc thù có tính bản địa, đó là điều rất đáng khuyến khích. Tuy nhiên, cách làm và hiệu quả mang lại không giống nhau. Vì thế, vấn đề làm sao để di sản “sống” được trong đời sống đương đại, phát huy giá trị vẫn là bài toán khó. Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đều cho rằng: Cách thức bảo tồn di sản tốt nhất, bền vững nhất là nuôi dưỡng trong tâm thức, trong sinh hoạt cộng đồng. Người dân địa phương-chủ thể đã sáng tạo nên di sản-sẽ chính là những người bảo tồn di sản đó. Không thể bảo tồn và phát huy nếu tách biệt di sản khỏi môi trường hình thành, diễn xướng ban đầu.

Cụ Nguyễn Thị Anh thắp nén hương cho cha chồng - cố Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi. Ảnh: VTCnews.

Cụ Nguyễn Thị Anh thắp nén hương cho cha chồng - cố Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi. Ảnh: VTCnews.

Hiểu điều đó, Cà Mau đã tạo ra không gian kể chuyện gắn với cộng đồng, giúp học sinh, đoàn viên, thanh niên có môi trường thực hành văn hóa, tiếp cận và hiểu sâu hơn về con người và chuyện kể của Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi, cũng như lớp ngôn từ của người dân Nam Bộ. Cách làm này không khác những mô hình hiệu quả đã được triển khai, như: Người Pà Thẻn ở Hà Giang duy trì những đêm nhảy lửa như sợi dây kết nối âm dương trong nét văn hóa tâm linh; mô hình các câu lạc bộ hát xoan, đưa xoan vào trường học ở Phú Thọ... Cốt lõi là đã gắn thực hành di sản với chính cuộc sống hằng ngày của người dân. Những điều này đã góp phần nâng cao nhận thức, lòng tự hào, trách nhiệm của các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản địa phương mình.

Ngược lại, có những cách làm đang dần thoát ly di sản khỏi cộng đồng như loại hình diễn xướng cồng chiêng Tây Nguyên. Di sản này từng gắn với cộng đồng, với buôn làng, núi rừng... Giờ đây, không gian dành cho thực hành không còn nhiều khi rừng bị khai thác, có chỗ bị tàn phá, nương rẫy thay bằng đất trồng cây công nghiệp, nhà sàn thay bằng nhà mái ngói, bê tông, Lễ Bỏ mả cũng bị lãng quên. Cồng chiêng xuất hiện nhiều nhất là phục vụ khách du lịch chứ không phải là trong đời sống của người dân. Không chỉ có cồng chiêng, nhiều loại hình nghệ thuật khác cũng đang dần đánh mất bản sắc, không gắn với cộng đồng mà gắn với sân khấu, nhà hàng; cải biên bừa bãi... trong “cơn bão” thương mại hóa.

Trong xã hội hiện đại, văn hóa dân gian vẫn có vai trò, giá trị, ý nghĩa xã hội riêng của nó. Đành rằng phải chấp nhận thực tế, một số loại hình văn hóa dân gian sẽ dần mất đi như một tất yếu khách quan trong điều kiện xã hội biến đổi quá nhanh như hiện nay. Nhưng một xã hội càng hiện đại càng nảy sinh nhiều vấn đề cần xem xét tới vai trò, sự tham gia của văn hóa dân gian, giúp điều chỉnh lại những hành vi, ứng xử của con người.

Ngoài tình yêu, sự đam mê của chủ thể sở hữu di sản, nếu không có sự hỗ trợ, bảo vệ của cộng đồng, của chính quyền thì di sản sẽ khó tồn tại lâu dài. Mặt khác, với các di sản, nghệ nhân đóng vai trò quan trọng trong việc lưu giữ và truyền lại cho các thế hệ sau bằng nhiều hình thức thích hợp. Tuy nhiên, chúng ta mới chỉ tập trung khâu truyền dạy, chưa thực sự quan tâm đến không gian thực hành phù hợp với đời sống dân gian. Có lẽ, chỉ cần một không gian “sống” phù hợp, trong lòng nhân dân, di sản dân gian vẫn có thể tồn tại một cách bền vững.

THU HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/di-san-song-trong-long-dan-695110