Dịch Covid-19 có thể tước đi cơ hội của 1,8 triệu người lao động
Trong giai đoạn 2016-2019, trung bình mỗi năm lực lượng lao động 9 tháng đầu năm tăng 1%. Nếu lực lượng lao động 9 tháng năm 2020 duy trì tốc độ tăng như giai đoạn 2016-2019 và không có dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam sẽ có thêm 1,8 triệu lao động.
Số liệu về tình hình lao động việc làm quý 3-2020 vừa được Tổng cục Thống kê công bố hôm nay, 6-10, cho thấy, tình hình lao động, việc làm và thu nhập của người lao động quý 3 năm 2020 đã được cải thiện so với quý trước, tuy nhiên các chỉ số về lao động, việc làm và thu nhập của người lao động quý 3 và 9 tháng vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước.
Theo cơ quan thống kê quốc gia, kinh tế trong nước đang dần phục hồi trở lại so với quý trước. Trong quý 3, những ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của dịch Covid-19 đều có dấu hiệu tăng trưởng trở lại.
So với quý trước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 14,4%, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 28,2%, doanh thu du lịch lữ hành tăng 161,3%. Tình hình lao động, việc làm và thu nhập của người lao động quý 3 năm 2020 cũng được cải thiện so với quý trước, tuy nhiên các chỉ số về lao động, việc làm và thu nhập của người lao động quý 3 và 9 tháng vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, tính đến tháng 9 năm 2020, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Trong đó, 68,9% người bị giảm thu nhập (với mức giảm thu nhập nhẹ), gần 40% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và khoảng 14% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 68,9% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 66,4% lao động bị ảnh hưởng; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 27%.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý 3 năm 2020 là 54,6 triệu người, tăng 1,4 triệu người so với quý trước nhưng vẫn thấp hơn 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước và giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn.
Trong giai đoạn 2016-2019, trung bình mỗi năm lực lượng lao động 9 tháng đầu năm tăng 1%. Nếu lực lượng lao động 9 tháng năm 2020 duy trì tốc độ tăng như giai đoạn 2016-2019 và không có dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam sẽ có thêm 1,8 triệu lao động. Nói cách khác, dịch Covid-19 có thể đã tước đi cơ hội tham gia thị trường lao động của 1,8 triệu người.
Lao động tại khu vực nông thôn và lao động nữ vẫn là những nhóm chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất bởi tác động của dịch Covid-19 với mức giảm của lực lượng lao động thuộc hai nhóm này so với cùng kỳ năm trước lần lượt là 3,2% và 2,3%.
Bên cạnh đó, số lao động thiếu việc làm ở cả 3 khu vực kinh tế cũng gia tăng đáng kể.
Số người thiếu việc làm trong độ tuổi ở quý 3 năm 2020 là 1,3 triệu người, giảm 81.400 người so với quý trước, tuy nhiên vẫn cao hơn 560.000 người so với cùng kỳ năm trước. Gần một nửa số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý 3 năm 2020 đang làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; song khu vực công nghiệp và xây dựng cũng không ngoại lệ.
Về thu nhập bình quân, lao động có thâm niên làm việc càng cao thì mức giảm thu nhập càng thấp. So với cùng kỳ năm trước, thu nhập 9 tháng năm 2020 của nhóm lao động có thời gian làm việc từ 3 năm trở lên có tốc độ giảm thấp nhất (giảm 0,6%), trong khi nhóm lao động có thời gian làm việc từ 3 tháng đến dưới 3 năm giảm 3,8%, nhóm lao động có thời gian làm việc dưới 3 tháng giảm 42,6%. Điều này cho thấy, lao động mới tham gia thị trường lao động là nhóm dễ bị tổn thương hơn trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động sâu rộng tới tình hình lao động việc làm.