Điểm đầu vào thấp, nhiều trường vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu vào lớp 10
Trong khi các trường THPT ở khu vực TP Thanh Hóa và miền xuôi có điểm chuẩn xét trúng tuyển vào lớp 10 cao thì tại nhiều trường THPT khu vực miền núi, học sinh chỉ cần tránh điểm liệt là trúng tuyển. Đây là tình trạng chung xảy ra nhiều năm trên địa bàn tỉnh.
Thí sinh dự thi vào lớp 10 Trường THPT Đào Duy Từ (TP Thanh Hóa) năm học 2019-2020.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019-2020, toàn tỉnh có 35.623 thí sinh đăng ký dự thi với chỉ tiêu tuyển sinh là 33.286 thí sinh. Tuy nhiên, theo dự kiến về tổng số thí sinh trúng tuyển thì tỷ lệ tuyển sinh toàn tỉnh năm nay đạt trên 97% so với tổng chỉ tiêu được giao. Trong đó, các thí sinh trúng tuyển tại các trường miền xuôi và miền núi có sự chênh lệch lớn về điểm đầu vào.
Theo Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Sở Giáo dục và Đào tạo), Hội đồng tuyển sinh các trường đã họp xét trúng tuyển và dự kiến điểm chuẩn đầu vào lớp 10 THPT gửi Sở G&ĐT xem xét, phê duyệt để công bố chính thức. Theo đó, các trường THPT tốp đầu thuộc địa bàn TP Thanh Hóa, thị xã có điểm chuẩn dự kiến cao như: Trường THPT Hàm Rồng: 36,5 điểm; Trường THPT Đào Duy Từ: 32,3 điểm; THPT Nguyễn Trãi: 30,8 điểm; THPT Tô Hiến Thành: 26,9 điểm. Các trường thuộc khu vực nông thôn cũng có điểm đầu vào dự kiến từ 18 đến hơn 20 điểm trở lên, như: Trường THPT Quảng Xương 1: 29,2 điểm; THPT Hoằng Hóa 2: 26,5 điểm; THPT Lương Đắc Bằng: 19,8 điểm; THPT Đông Sơn 1: 24,1 điểm…
Ngược lại, nhiều trường THPT tại các huyện miền núi lại có điểm chuẩn dự kiến rất thấp, học sinh chỉ cần tránh điểm liệt là đỗ, như: THPT Mường Lát: 4,6 điểm; THPT Quan Sơn: 4,2 điểm; THPT Như Xuân: 5,2 điểm, THPT Quan Hóa: 6,3 điểm…
Điểm xét trúng điểm là kết quả tổng điểm 3 môn thi (trong đó, môn Văn và Toán tính điểm hệ số 2, môn Tiếng Anh tính điểm hệ số 1).
Là một trong số các trường có điểm chuẩn dự kiến vào lớp 10 thấp, thầy Nguyễn Minh Đạo, Hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn, cho biết: Trường THPT Quan Sơn có 296 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 26 thí sinh đăng ký dự thi nguyện vọng 1 tại Trường THPT DTNT huyện Ngọc Lặc và THPT DTNT tỉnh. Do thí sinh đăng ký dự thi thấp hơn chỉ tiêu được giao nên để tuyển đủ chỉ tiêu, nhà trường sẽ xét trúng tuyển những em đủ điều kiện. Vì vậy, có một số em chỉ cần tránh điểm liệt là trúng tuyển. Tuy nhiên, số lượng các em thí sinh đạt điểm cao của nhà trường cũng rất nhiều. Tính trung bình chung của điểm thi vào lớp 10 Trường THPT Quan Sơn là 14,49 điểm, em đạt điểm cao nhất là 30,5 điểm.
Với điểm liệt là 0 điểm, nhiều trường, học sinh chỉ cần tránh điểm liệt là có thể trúng tuyển vào lớp 10 THPT. Tuy nhiên, dù nhiều trường có điểm đầu vào rất thấp nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu tuyển sinh, như: Trường THPT Quan Sơn tuyển sinh được 283/294 chỉ tiêu; Trường THPT Như Xuân với điểm chuẩn 5,2 điểm nhưng chỉ tuyển sinh được 332/336 chỉ tiêu…
Cùng tình trạng trên, năm học 2018-2019, huyện Mường Lát có 696 học sinh hoàn thành xong chương trình THCS, tuy nhiên chỉ có 309 học sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 Trường THPT Mường Lát và THPT DTNT tỉnh. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh được giao cho Trường THPT Mường Lát là 336 học sinh.
Thầy Trần Anh Văn, Hiệu trưởng Trường THPT Mường Lát, chia sẻ: Những năm gần đây, nhiều học sinh sau khi học xong lớp 9 có xu hướng đăng ký học nghề, một số nghỉ học đi làm. Nhà trường xây dựng kế hoạch tuyển sinh chỉ đạt 50% tổng số học sinh lớp 9, nhưng hồ sơ đăng ký dự thi vẫn thấp hơn chỉ tiêu tuyển sinh. Với điểm chuẩn dự kiến thấp, học sinh chỉ cần đạt 0,25 điểm mỗi môn là đỗ, nhà trường vẫn chỉ tuyển được 295/336 chỉ tiêu.
Được biết, để nâng cao chất lượng giáo dục miền núi, ngành giáo dục Thanh Hóa đã có nhiều chính sách, giải pháp quan tâm, đầu tư cho giáo dục miền núi, trong đó có Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo miền núi tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2013-2020”. Nhờ đó, những năm gần đây, chất lượng giáo dục khu vực miền núi đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên, vẫn còn thấp so với chất lượng giáo dục chung của toàn tỉnh. Nhiều năm nay, điểm chuẩn xét trúng tuyển vào lớp 10 THPT công lập ở nhiều trường miền núi vẫn có khoảng cách rất xa so với các trường khu vực miền xuôi.
Từ thực trạng trên, ngành chức năng cần nghiên cứu sát hơn về nhu cầu học tập của học sinh ở từng địa phương, vùng miền để phân luồng học sinh học nghề, xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh cho phù hợp hơn hoặc có phương án tuyển sinh phù hợp với từng địa phương, nhằm hướng đến hiệu quả thiết thực, chất lượng của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập trên địa bàn tỉnh.