Điểm nhấn liên kết vùng

Năm 2019, ngành du lịch gặp không ít khó khăn, nhưng với nỗ lực của cả hệ thống đã đạt được nhiều thành quả ấn tượng. Lượng khách du lịch và tổng thu từ khách du lịch trong năm tăng trưởng mạnh so với năm 2018.

Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), năm 2019, Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố đã tăng cường vai trò quản lý nhà nước về du lịch trong việc nâng cao đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, xây dựng và quảng bá sản phẩm, tổ chức liên kết vùng, miền, kiểm soát chất lượng dịch vụ. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp (DN) xây dựng sản phẩm du lịch, kiểm soát, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch để phục vụ du khách trong các dịp lễ, Tết, mùa cao điểm.

Hoạt động du lịch tại nhiều địa phương khởi sắc trong năm 2019

Hoạt động du lịch tại nhiều địa phương khởi sắc trong năm 2019

Hợp tác, liên kết vùng, miền cũng là điểm nhấn được các địa phương quan tâm, tạo điều kiện để du lịch trở thành động lực phát triển kinh tế đất nước. Các địa phương trong cả nước, nhất là các tỉnh trọng điểm về du lịch đã có những chính sách, giải pháp cụ thể, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ, góp phần hình thành rõ nét các vùng động lực phát triển của du lịch Việt Nam.

Với nỗ lực đó, lượng khách du lịch và tổng thu từ khách du lịch năm 2019 của các địa phương đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, một số địa phương có kết quả tiêu biểu, như: Ninh Bình ước đón 7,6 triệu lượt khách (tăng 3% so với cùng kỳ năm 2018), tổng thu từ du lịch đạt 3.600 tỷ đồng; Hải Phòng đón 9.078.200 lượt khách (tăng 16,39%), trong đó khách quốc tế đạt 930.000 lượt (tăng 8,25%); Thừa Thiên Huế ước đón 4,8 triệu lượt khách (tăng 10,8%), doanh thu từ du lịch ước đạt 4.900 tỷ đồng (tăng 9,6% so với năm 2018)...

Đặc biệt, theo đại diện Tổng cục Du lịch, sau gần 3 năm triển khai Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch tại một số tỉnh, thành phố đã có sự bứt phá, tạo động lực phát triển kinh tế như: Hà Giang, Nghệ An, Cần Thơ, Quảng Bình, Bình Định... sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, tạo cơ sở hình thành một số điểm đến hấp dẫn. Nhiều địa phương và DN đã đẩy mạnh thu hút phân khúc thị trường khách du lịch theo một số loại hình du lịch chuyên đề mà Việt Nam có lợi thế. Ví dụ, du lịch MICE (loại hình du lịch kết hợp hội chợ, hội thảo) trở thành thương hiệu thu hút khách quốc tế của Đà Nẵng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành du lịch nhiều địa phương vẫn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Do chưa tạo được sản phẩm mang thương hiệu riêng; môi trường du lịch còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm tại một số thành phố lớn. Công tác xúc tiến, quảng bá còn thiếu bài bản; vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch chưa phát huy.

Từ thực tế trên, để đạt mục tiêu đón 20 triệu lượt khách du lịch vào năm 2020, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, cần có giải pháp mạnh mẽ để thu hút khách du lịch. Theo đó, bên cạnh đổi mới tư duy, nhận thức về vai trò quan trọng của kinh tế du lịch, các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi, để du lịch trở thành động lực phát triển kinh tế đất nước.

Thời gian tới, để ngành du lịch cả nước phát triển, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tập trung quảng bá, xúc tiến du lịch; ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động du lịch. Đồng thời, hỗ trợ các địa phương đào tạo nhân lực; tổ chức các hội nghị về quản lý vùng cũng như quy hoạch khu vực trọng điểm du lịch quốc gia.

Bảo Thoa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/diem-nhan-lien-ket-vung-130760.html