Điểm tựa của các cơ sở công nghiệp nông thôn Đắk Lắk

Các cơ sở công nghiệp nông thôn, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đánh giá hoạt động khuyến công đã hỗ trợ rất thiết thực, giúp họ mạnh dạn đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, xây dựng thương hiệu sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Trợ lực vững chắc

Đắk Lắk xác định đẩy mạnh phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Trên địa bàn tỉnh hiện có hàng nghìn cơ sở công nghiệp nông thôn nhưng chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ. Để hỗ trợ các cơ sở này phát triển ổn định, bền vững, những năm qua, Sở Công thương Đắk Lắk đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh (Trung tâm Khuyến công) triển khai có hiệu quả Nghị định số 45/2012 của Chính phủ về khuyến công thông qua nhiều hình thức.

Khuyến công là trợ lực rất vững chắc cho các cơ sở công nghiệp nông thôn. Nguồn. ITN

Khuyến công là trợ lực rất vững chắc cho các cơ sở công nghiệp nông thôn. Nguồn. ITN

Theo Sở Công thương Đắk Lắk, từ năm 2014 - 2022, Trung tâm Khuyến công đã thực hiện được 101 đề án ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất công nghiệp. Trong đó có 6 đề án sử dụng nguồn vốn khuyến công quốc gia với kinh phí 1,8 tỷ đồng; 95 đề án thực hiện bằng nguồn vốn khuyến công địa phương với kinh phí 10,3 tỷ đồng.

Đặc biệt, chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được thực hiện trong những năm qua đã mang lại hiệu quả thiết thực. Đến nay, Đắk Lắk đã có 29 sản phẩm tiêu biểu cấp tỉnh, 18 sản phẩm tiêu biểu cấp khu vực và 5 sản phẩm tiêu biểu cấp quốc gia. Các sản phẩm tập trung ở lĩnh vực công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và chế biến thực phẩm.

Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến công cũng có những chương trình hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…

Theo đánh giá của các cơ sở công nghiệp nông thôn, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, hoạt động khuyến công đã hỗ trợ rất thiết thực, giúp họ mạnh dạn đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, xây dựng thương hiệu sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Hỗ trợ sát với nhu cầu của doanh nghiệp

Để tiếp tục hỗ trợ tốt hơn giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư phát triển bền vững, mới đây Sở Công thương Đắk Lắk đã ban hành Quyết định số 36/QĐ-SCT phê duyệt Kế hoạch khuyến công địa phương đợt 1 năm 2023.

Theo đó, Sở Công thương Đắk Lắk giao Trung tâm Khuyến công thực hiện 20 đề án với tổng kinh phí 4,43 tỷ đồng (gồm 2,43 tỷ đồng kinh phí khuyến công địa phương và 2 tỷ đồng kinh phí đối ứng của đơn vị thụ hưởng).

Trong đó, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách phát triển công nghiệp sẽ triển khai 2 đề án: sổ tay công tác khuyến công Đắk Lắk và duy trì hoạt động trang thông tin điện tử ngành công thương Đắk Lắk. Để nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công sẽ thực hiện 2 đề án: khảo sát học tập kinh nghiệm công tác khuyến công và quản lý công nghiệp và quản lý chung chương trình khuyến công.

Cùng với đó, các đề án sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và nhận thức về năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn; tiếp tục hỗ trợ các cơ sở tiếp nhận và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thiết bị tiên tiến ở các huyện: Krông Búk, Ea H’Leo, Krông Pắk, Ea Kar…

Trong năm nay, Đắk Lắk sẽ tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và tham gia bình chọn sản phẩm tiêu biểu cấp quốc gia. Đây sẽ là chương trình tạo động lực cho các cơ sở công nghiệp nông thôn phát huy lợi thế cạnh tranh nhằm tạo ra các sản phẩm có năng suất, chất lượng, mẫu mã đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và xây dựng thương hiệu.

Bên cạnh công tác bình chọn, tỉnh sẽ có những chính sách hỗ trợ sát hơn với nhu cầu của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa công tác khuyến công với công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, đầu ra sản phẩm công nghiệp nông thôn thông qua các chương trình hội chợ, triển lãm hàng công nghiệp nông thôn, hội nghị kết nối cung cầu, kết nối giao thương.

Trúc Oanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/diem-tua-cua-cac-co-so-cong-nghiep-nong-thon-dak-lak-i332126/