Điện than và thủy điện 'đổi ngôi'
Nửa đầu năm 2024, điện than là nguồn điện chạy nền quan trọng, đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống; nhưng sang quý III, tình hình đảo chiều khi thủy điện vươn lên.
Điện than giảm tốc
Trong quý III/2024, doanh thu của Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (mã HND) giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 2.364 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 8,8% xuống 0,74% dẫn đến việc Công ty lỗ hơn 9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 191,5 tỷ đồng.
Ông Dương Sơn Bá, Tổng giám đốc Nhiệt điện Hải Phòng cho biết, sản lượng điện giao nhận quý III/2024 rất thấp, chỉ đạt 1,247 tỷ kWh (giảm 436 triệu kWh so với cùng kỳ) do hệ thống không huy động. Sản lượng hợp đồng (Qc) do Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương giao cũng thấp, với 506 triệu kWh, bằng 40,6% sản lượng huy động. Do sản lượng Qc giao thấp dẫn đến doanh thu cố định của Công ty không đủ bù đắp chi phí cố định. Đồng thời, giá thị trường trong quý III không cao, dẫn đến lợi nhuận từ thị trường không đủ bù đắp phần lỗ do thiếu hụt sản lượng Qc.
Nhờ quý I và II lãi lớn nên kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2024 của Nhiệt điện Hải Phòng không giảm sâu, Công ty ghi nhận 8.605,5 tỷ đồng doanh thu và 422 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 2,4% và 21% so với 9 tháng đầu năm 2023.
Tại Công ty cổ phần Nhiệt điện Ninh Bình (mã NBP), quý III/2024 ghi nhận khoản lỗ 7,2 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2023 lỗ 2,4 tỷ đồng) do sản lượng được huy động thấp và Công ty thực hiện đại tu tổ máy số 3 kéo dài 28 ngày trong tháng 9. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Nhiệt điện Ninh Bình lỗ 5,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 14,5 tỷ đồng.
Với Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (mã PPC), các quý trước thường mang về khoản lãi lớn, đối lập với các doanh nghiệp nhiệt điện than khác nhờ cổ tức nhận được từ các đơn vị góp vốn, nhưng trong quý III/2024 không còn khoản cổ tức này, khiến Công ty có lợi nhuận sau thuế âm 5,3 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2023 lãi 84 tỷ đồng), dù doanh thu tăng 7%, lên 1.465 tỷ đồng.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, Nhiệt điện Phả Lại đạt doanh thu 5.931 tỷ đồng, tăng 46% và lợi nhuận sau thuế 246 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở nhóm điện than, Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (mã QTP) cho thấy sự vượt trội khi lợi nhuận quý III/2024 gấp 6,5 lần cùng kỳ năm trước, đạt 76,1 tỷ đồng, bất chấp doanh thu giảm 5%, xuống 2.386 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Tổng giám đốc Nhiện điện Quảng Ninh, trong quý III/2024, sản lượng điện sản xuất giảm dẫn tới doanh thu bán hàng và giá vốn hàng bán đều giảm so với cùng kỳ năm 2023. Do doanh nghiệp thực hiện tốt công tác quản trị chi phí, suất hao nhiệt giảm nên tỷ lệ giảm về chi phí lớn hơn tỷ lệ giảm về doanh thu, vì vậy lợi nhuận gộp trong kỳ tăng so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Nhiệt điện Quảng Ninh đạt 9.000 tỷ đồng doanh thu, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước, song lợi nhuận sau thuế tăng 15%, lên 464 tỷ đồng.
Thủy điện vươn lên
Nhóm thủy điện đã bật lên nhờ hiện tượng La Nina quay trở lại, lượng nước về hồ lớn, giúp cải thiện kết quả kinh doanh.
Chịu nhiều bất lợi trong nửa đầu năm 2024 do hiện tượng El Nino khiến nguồn nước đầu vào các nhà máy cạn kiệt, nhưng sang quý III, nhóm thủy điện đã bật lên nhờ La Nina quay trở lại, lượng nước về hồ lớn, giúp cải thiện kết quả kinh doanh.
Trong quý III/2024, lưu lượng nước về hồ của Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na (mã HNA) đạt 280,2 m3/s, bằng 208% cùng kỳ năm 2023; sản lượng điện đạt 265,6 triệu kWh, tăng 73,23 triệu kWh. Theo đó, Công ty đạt 323,7 tỷ đồng doanh thu và 184,9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 37% và 75% so với cùng kỳ. Trước đó, Công ty lỗ gần 14 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, Thủy điện Hủa Na lãi sau thuế 171 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với Công ty cổ phần Thủy điện A Vương (mã AVC), doanh thu trong quý III/2024 gấp đôi cùng kỳ năm trước, đạt 243,8 tỷ đồng, giúp Công ty lãi sau thuế 123,7 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ.
Thủy điện A Vương cho biết, kết quả này là do thời tiết thuận lợi, lưu lượng nước về tốt nên sản lượng điện cao, dẫn đến lợi nhuận cao. Tuy nhiên, do 2 quý đầu năm lãi ít nên lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng của Công ty chỉ đạt 170,6 tỷ đồng, giảm 39,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tại Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển điện miền Bắc 2 (Nedi 2, mã ND2), lượng mưa trong quý III/2024 nhiều hơn nên sản lượng điện của các nhà máy thủy điện tăng 36,89 triệu kWh so với cùng kỳ năm 2023. Nhờ đó, doanh thu của Công ty tăng 4,54%, đạt 151,9 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 13,7%, lên gần 102 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Nedi 2 đạt 282,5 tỷ đồng doanh thu và 145,6 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 11% và 53% so với cùng kỳ năm ngoái.
Không ít doanh nghiệp thủy điện khác như Công ty cổ phần Thủy điện Bắc Hà (mã BHA), Công ty cổ phần Thủy điện Sê San 4A (mã S4A), Công ty cổ phần Thủy điện Sử Pán 2 (mã SP2), Công ty cổ phần Thủy điện Xuân Minh (mã XMP)… cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý III/2024.
Ngoài điều kiện thủy văn, kết quả kinh doanh các doanh nghiệp điện còn tỷ lệ thuận với sản lượng điện huy động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Cụ thể, từ quý I đến quý III/2024, sản lượng thủy điện tăng dần, từ 10,62 tỷ kWh lên 18,01 tỷ kWh và 36,94 tỷ kWh, trong khi sản lượng nhóm nhiệt điện than lần lượt là 39,99 tỷ kWh, 46,35 tỷ kWh, 28,93 tỷ kWh. Như vậy, so với quý II, sản lượng điện than được huy động trong quý III giảm 38%, trong khi thủy điện tăng gấp đôi.
Theo dự báo của EVN, nhu cầu tiêu thụ điện sẽ tiếp tục tăng cao, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống trong quý IV/2024 ước đạt 77 tỷ kWh. Để bảo đảm cung ứng điện, EVN yêu cầu các nhà máy thủy điện vận hành các hồ chứa an toàn, khai thác tối ưu nguồn nước và theo dõi, dự báo sát tình hình thủy văn để có phương án tích nước sớm trong giai đoạn cuối mùa lũ, phục vụ nhu cầu phát điện, bảo đảm cung ứng điện cho mùa khô năm 2025.
Công ty Chứng khoán BIDV đánh giá, sản lượng thủy điện trên toàn hệ thống tăng đột biến từ tháng 6 đến tháng 8/2024. Mùa cao điểm của thủy điện đã bắt đầu và mạnh mẽ hơn so với năm trước nhờ tác động của La Nina. Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) dự báo, hiện tượng La Nina có thể kéo dài đến tháng 3/2025. Do đó, xu hướng tăng trưởng sản lượng của thủy điện nhiều khả năng sẽ được duy trì.
Ở nhóm điện than, điểm đáng chờ đợi là việc EVN tăng giá bán lẻ điện vừa qua sẽ phần nào giải quyết được bài toán dòng tiền thanh toán cho các nhà máy, đặc biệt nhóm nhiệt điện có khoản phải thu lớn từ Tập đoàn và tỷ trọng khoản phải thu/tổng tài sản cao trong ngành. Tính đến cuối quý III/2024, giá trị phải thu ngắn hạn của Nhiệt điện Hải Phòng là 2.671 tỷ đồng, chiếm 37% tổng tài sản; con số này tại Nhiệt điện Phả Lại là 1.903,6 tỷ đồng, chiếm 20% tổng tài sản; tại Nhiệt điện Quảng Ninh là 2.758 tỷ đồng, chiếm hơn 38% tổng tài sản.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/dien-than-va-thuy-dien-doi-ngoi-post356768.html