Điều trị bệnh thoái hóa khớp gối như thế nào?

Thoái hóa khớp gối là quá trình diễn biến tự nhiên theo tuổi gây tổn thương các cấu trúc giải phẫu ở khớp gối như: xương, sụn khớp, dây chằng và màng hoạt dịch…, quá trình này kéo dài gây mất tính đàn hồi, mất dần lớp sụn khớp và giảm khả năng hoạt động.

Nguyên nhân thoái hóa khớp gối

Nguyên nhân phổ biến nhất của thoái hóa sụn khớp gối là do tuổi tác. Khi tuổi càng cao, quá trình tổng hợp của sụn càng bị suy giảm.

Sau độ tuổi trưởng thành tế bào sụn cũng không có khả năng sinh sản và tự tái tạo, chính vì vậy khả năng tự chữa lành của sụn giảm dần theo thời gian nên hầu hết mọi người khi lớn tuổi đều sẽ bị thoái hóa khớp.

Tuy nhiên, có một số yếu tố khiến khớp bị thoái hóa ở độ tuổi sớm hơn, đó là: Trọng lượng cơ thể lớn; Hội chứng chuyển hóa: béo phì, mỡ máu cao, tăng huyết áp, đái tháo đường; Di truyền; Tiền sử chấn thương vùng gối; Vận động viên thể thao: bóng đá, tennis hoặc chạy đường dài…

Biểu hiện thoái hóa khớp gối

Thoái hóa khớp gối diễn tiến âm thầm nên rất ít người phát hiện kịp thời.

Thoái hóa khớp gối diễn tiến âm thầm nên rất ít người phát hiện kịp thời.

Các triệu chứng thông thường của thoái hóa khớp gối bao gồm: đau mặt trước hoặc trong khớp gối, đau tăng khi vận động hoặc khi chuyển tư thế từ ngồi sang đứng. Lúc đầu sẽ xuất hiện các cơn đau khớp gối, lâu dần cơn đau sẽ tăng và kéo dài. Khớp gối cứng, mất linh hoạt và khó cử động sau khi ở yên một chỗ lâu hoặc sau khi ngủ dậy. Khớp gối có thể bị sưng to do viêm hoặc do tràn dịch khớp, đau sẽ giảm nếu được chọc hút dịch ra nhưng có thể tái phát vài ngày sau đó. Chân bị lệch trục kiểu vòng kiềng (chân chữ O) hoặc kiểu chân chữ X, người bệnh có thể bị mất chức năng vận động.

Thoái hóa khớp gối diễn tiến âm thầm nên rất ít người phát hiện kịp thời. Đến khi bệnh tiến triển nặng nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây nên các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và lao động hàng ngày của người bệnh.

Để chẩn đoán thoái hóa khớp gối cần phải được thăm khám lâm sàng bởi bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình, bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp.

Hình ảnh chụp X-Quang và cộng hưởng từ có thể giúp chẩn đoán bệnh cũng như đánh giá giai đoạn bệnh.

Điều trị thoái hóa khớp gối

Khi đã bị thoái hóa khớp gối, việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Các phương pháp điều trị có thể bao gồm vật lý trị liệu, dùng thuốc giảm đau và chống viêm, tiêm nội khớp. Trong một số trường hợp, khi tình trạng thoái hóa khớp ở mức độ nặng, phẫu thuật thay khớp gối là phương pháp điều trị giúp bệnh nhân trở lại sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Điều trị nội khoa

Các biện pháp dùng thuốc bao gồm: thuốc điều trị triệu chứng: thuốc chống viêm và giảm đau; thuốc chống thoái hóa khớp tác dụng chậm: Glucosamin, Diacerin, Acid hyaluronic.

Tiêm huyết tương tươi giàu tiểu cầu được tách chiết từ máu chứa yếu tố tăng trưởng giúp tái tạo sụn khớp. Ngoài ra, còn cung cấp các cytokine chống viêm. Liệu pháp huyết tương tưới giàu tiểu cầu từ máu tự thân đặc biệt có hiệu quả ở những bệnh nhân trẻ, thoái hóa khớp giai đoạn sớm.

Liệu pháp tế bào gốc được lấy từ tủy xương hoặc mô mỡ của chính bệnh nhân, sau đó được kích hoạt và tiêm vào khớp.

Dưới sự kích thích của các tác nhân tại chỗ, tế bào gốc sẽ biệt hóa thành tế bào sụn, chống viêm, kích thích mô tại chỗ phát triển thông qua tiết ra các yếu tố tăng trưởng.

Biện pháp không dùng thuốc giảm tải tránh cho khớp bị quá tải bởi hoạt động và trọng lượng.

Người bệnh cần tập vật lý trị liệu một cách phù hợp.

Điều trị ngoại khoa

Phẫu thuật nội soi khớp gối được chỉ định với mục đích làm sạch khớp, cắt lọc màng hoạt dịch viêm, lấy mảnh sụn bong ra và sụn chêm rác. Phẫu thuật nội soi có thể giúp giảm đau một thời gian.

Phẫu thuật sửa trục khớp nhằm thay đổi lực tỳ đè ở khớp gối. Phương pháp này áp dụng cho những bệnh nhân còn trẻ.

Thay khớp gối chỉ định cho thoái hóa khớp độ 3 hoặc 4, bệnh nhân đau nhiều.

Tóm lại: Thoái hóa khớp là quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể, do vậy gần như khó tránh khỏi. Tuy nhiên, có thể làm chậm quá trình thoái hóa khớp bằng cách duy trì cân nặng hợp lý, tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức mạnh của khớp, hạn chế mang vác vật nặng và ngồi sai tư thế, giữ chế độ ăn uống khoa học, hợp lý.

BS.CKI Vũ Xuân Hoàng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dieu-tri-benh-thoai-hoa-khop-goi-nhu-the-nao-169241004090549148.htm