'Đổ tiền' bảo dưỡng máy bay mùa dịch
Có rất nhiều các bài kiểm tra đặc biệt mà nhà sản xuất và nhà chức trách yêu cầu sau một thời gian dừng bay để máy bay khi trở lại bầu trời phải ở trạng thái kỹ thuật tốt nhất
Thời gian qua, rất nhiều máy bay phải dừng bay do dịch Covid-19. Với những chiếc máy bay trị giá hàng trăm triệu đô la Mỹ, dừng bay không đơn giản là tắt máy, khóa cửa mà phải liên tục bảo dưỡng với rất nhiều công đoạn để duy trì tình trạng kỹ thuật tốt nhất.
Chọn chỗ đỗ không đơn giản
Anh Nguyễn Tiến Đô, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật, Trung tâm Bảo dưỡng Ngoại trường Hà Nội, Công ty Kỹ thuật Máy bay (VAECO), tiết lộ việc đầu tiên hết sức quan trọng của quá trình bảo quản dừng bay chính là lựa chọn chỗ đỗ.
Để đảm bảo đủ điều kiện làm công tác bảo quản dừng bay các hãng thường lựa chọn sân bay có cơ sở bảo dưỡng lớn làm căn cứ như Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng. Việc này gây nên quá tải cho hạ tầng sân bay. VAECO thường xuyên phải kéo đảo các máy bay ra vào sân xưởng VAECO với sân đỗ của Cảng để làm sao vừa đảm bảo công tác bảo dưỡng kỹ thuật vừa có vị trí cho máy bay dừng đỗ.
Quá trình bảo dưỡng phải tuyệt đối tuân thủ các tài liệu bảo dưỡng của nhà sản xuất yêu cầu cho các máy bay theo các dạng bảo quản. Hiện Vietnam Airlines áp dụng nhiều dạng bảo quản khác nhau cho các máy bay: Bảo quản theo 15 ngày, 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm hoặc thậm chí trên 1 năm. Mỗi một lựa chọn lại có một phương thức tiến hành khác nhau.
"Ví dụ nếu lựa chọn bảo quản trên 1 năm thì chúng tôi phải tháo rất nhiều bộ phận của máy bay đưa vào trong nhà để bảo quản, phải sử dụng các cách bịt bọc thiết bị khác nhau để giảm ảnh hưởng nhiều nhất của thời tiết đến máy bay. Đối với những bộ phận quan trọng của máy bay như động cơ, chúng tôi thường xuyên thực hiện nổ máy kiểm tra, nạp chất bảo quản vào nếu cần thiết để tất cả các thiết bị phải luôn ở tình trạng vận hành trơn tru nhất"- anh Đô cho biết.
Bên cạnh đó, tùy vào điều kiện thời tiết đặc thù của vùng miền, các kỹ sư bổ sung các phương án cho bảo quản khác nhau. Chẳng hạn với miền Bắc nóng ẩm, phải thường xuyên mở các bịt bọc động cơ, thông thoáng thiết bị nhằm giảm thiểu khả năng bị rỉ của các thiết bị. Đối với miền Trung có hơi mặn của biển, các kỹ sư lựa chọn phương án bảo quản 1 tháng hoặc tối đa 3 tháng và tăng cường áp dụng thêm các chất chống rỉ cho các bộ phận bên ngoài tiếp xúc trực tiếp với môi trường như càng, cánh…
Sáng kiến của các kỹ sư Việt
Khó khăn nhất trong giai đoạn vừa qua là phải làm việc ở điều kiện cách ly xã hội, nhân lực bị xé nhỏ do cách ly, do làm nhiệm vụ bay giải cứu công dân. Tuy máy bay dừng bay nhưng công việc của các kỹ sư không giảm đi, thậm chí có thời điểm còn tăng lên, quân số phải tăng cường để đảm bảo công việc.
Đối với các công đoạn bảo quản máy bay thì việc bảo quản động cơ, bịt bọc các thiết bị bên ngoài máy bay gây mất nhiều thời gian và khó thực hiện do điều kiện thời tiết mưa nắng thay đổi nhiều. Các máy bay trong thời kỳ bảo quản vẫn phải thực hiện các kiểm tra định kỳ và hoán đổi trang thiết bị với các máy bay đang khai thác nên phải thường xuyên kiểm soát cấu hình để đảm bảo khi đến chu kỳ kiểm tra của nhà sản xuất (chu kỳ kiểm tra định kỳ theo tuần, theo tháng) máy bay đó phải đủ điều kiện vận hành hệ thống. Cao điểm có những thời điểm riêng ở sân bay Nội Bài bảo quản dừng bay đến 35 máy bay.
Trong quá trình làm việc, rất nhiều sáng kiến đã được áp dụng để nâng cao chất lượng bảo quản, kinh nghiệm này cũng được phản hồi lại cho nhà sản xuất để sửa đổi tài liệu bảo dưỡng cho phù hợp. Ví dụ thay vì sử dụng các vật liệu bịt bọc của nhà sản xuất, VAECO đã sáng tạo sử dụng các miếng xốp nhẹ chắc kết hợp với băng dính để bịt bọc động cơ, giúp cho quá trình tháo lắp làm thông thoáng động cơ trở nên dễ dàng, tiết kiệm rất nhiều chi phí. VAECO tăng tuần suất mở kiểm tra miệng hút động cơ, các bộ phận có vật liệu bằng nhôm dễ bị rỉ ở ngoài môi trường. Áp dụng tăng cường bôi chất chống rỉ thêm cho các bộ phận này. Tất cả đã giúp các tiết kiệm nhiều chi phí phát sinh, duy trì trạng thái kỹ thuật máy bay tốt nhất, sẵn sàng cho việc trở lại bầu trời.
"Phá" khó hơn "xây"
Hiện nay mỗi ngày thêm nhiều máy bay được trở lại với bầu trời. Anh Đô cho biết để có thể đảm bảo cho các máy bay có thể cất cánh lại an toàn, có rất nhiều việc phải làm, thậm chí còn quan trọng và phức tạp hơn so với khi bảo quản. Công đoạn này gọi là phá bảo quản dừng bay.
Thời gian phá bảo quản dừng bay tùy thuộc vào dạng bảo quản trước đó máy bay đã làm. Ví dụ máy bay bảo quản 1 tháng thì mất 2 ngày để phá bảo quản. Máy bay dừng trên 3 tháng thì mất 3 ngày để phá bảo quản.
Có rất nhiều các bài kiểm tra đặc biệt mà nhà sản xuất và nhà chức trách yêu cầu khi máy bay phá bảo quản nếu trước đó dừng bảo quản dài. Điển hình như kiểm tra hệ thống động tĩnh áp cung cấp thông số bay, nổ máy ở trạng thái ga lớn, có thể kích máy bay để kiểm tra thu thả hệ thống càng… Những công việc bắt buộc trên nhằm mục đích máy bay khi trở lại bầu trời phải ở trạng thái kỹ thuật tốt nhất.
Đổ tiền bay không khách
Việc bảo quản phát sinh rất nhiều chi phí để đảm bảo các yêu cầu của nhà sản xuất và của nhà chức trách. Ví dụ đối với thiết bị đắt tiền như động cơ, do điều kiện Việt Nam nóng ẩm, mưa nhiều nên độ ẩm ngoài không khí rất cao, trong khi nhà sản xuất yêu cầu phải bảo quản ở điều kiện độ ẩm dưới 40%, kỹ sư bảo dưỡng phải lựa chọn phương án duy trì nổ máy động cơ theo định kỳ để đảm bảo các thiết bị bảo quản được hoạt động và đáp ứng yêu cầu của nhà sản xuất.
Vietnam Airlines phải bố trí thường xuyên các chuyến bay ferry không vì mục đích thương mại (bay reset) để đưa máy bay về trạng thái hoạt động liên tục. Ví dụ nếu lựa chọn phương án bảo quản 1 tháng thì bắt buộc sau khi hết thời hạn bảo quản máy bay phải được bay reset.
"Tất cả các công việc bảo dưỡng này sẽ tăng nhiều chi phí cho hãng hàng không. Tuy nhiên, chúng tôi phải tìm các phương pháp khác nhau để đáp ứng các yêu cầu này, bảo đảm mục tiêu an toàn là số 1."- anh Đô nhấn mạnh.
Một số hình ảnh:
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/do-tien-bao-duong-may-bay-mua-dich-20211022134604791.htm