Đoạn kè bất ổn ở Đồng Tháp
Dự án kè khu vực chợ Bình Thành (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2020, tổng mức đầu tư hơn 90 tỷ đồng với chiều dài 850 m; trong đó, đoạn kè ven sông Tiền dài 685 m và đoạn ven rạch Cái Dầu là 165 m. Khoảng 3 năm gần đây, kè này nhiều lần bị sạt, lún nghiêm trọng, tốn nhiều kinh phí khắc phục, sửa chữa nên người dân địa phương thường gọi đây là đoạn kè bất ổn.
Từ lún nghiêng ngoài sông Tiền
Dự án kè khu vực chợ Bình Thành thực hiện từ năm 2016 - 2020 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp làm chủ đầu tư. Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn là đại diện chủ đầu tư thực hiện quản lý, giám sát dự án; đơn vị thi công là Công ty cổ phần Nhân Bình. Dự án kè này có 2 gói thầu xây lắp. Gói thầu số 6 (áp dụng hình thức chỉ định thầu) xử lý khẩn cấp khắc phục sạt lở, thực hiện thi công ở chân kè từ cao trình +0,5 m trở xuống lòng sông, khởi công ngày 1/9/2016, hoàn thành ngày 29/12/2017. Gói thầu số 7 thi công kè bê tông cốt thép, thực hiện phần trên bờ từ cao trình +0,5 m trở lên. Gói thầu này áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi; khởi công ngày 25/9/2017, hoàn thành ngày 31/12/2020.
Tuy nhiên, từ khi xây dựng đến nay, kè khu vực chợ Bình Thành, đoạn ven sông Tiền đã xảy ra 3 lần sạt, lún. Lần sạt lở kè đầu tiên diễn ra vào ngày 9/5/2019 tại gói thầu số 7 với chiều dài 40 m, sâu vào bờ 9 m. Hơn 1 năm sau, ngày 4/4/2021, tại gói thầu số 6 của dự án kè này, một phần thảm đá, vải địa và bao tải cát tiếp giáp dầm khóa chân kè đã bị trượt ra lòng sông, cách dầm khóa chân kè khoảng 40 m. Sau 2 lần khắc phục nhưng trong tháng 4/2022, đoạn kè ven sông Tiền lại tiếp tục sạt lở lần thứ 3, ngay vị trí xảy ra sự cố năm 2021. Qua những lần sạt trượt, các đơn vị liên quan đã tiến hành khắc phục, sửa chữa với số tiền hàng chục tỷ đồng.
Điển hình như, để khắc phục sự cố lún nghiêng đỉnh kè xảy ra trong tháng 4/2022, chủ đầu tư dự án và các đơn vị liên quan đã triển khai thực hiện hạng mục xử lý cấp bách giữ ổn định sạt lở từ mặt cắt MC740÷MC800 và khu vực lân cận thuộc dự án kè khu vực chợ Bình Thành với kinh phí hơn 12 tỷ đồng. Chiều dài xử lý thiết kế phần đỉnh kè dài 60m, phần chân kè bao gồm cả vùng phụ cận dài khoảng 100 m.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Võ Thành Ngoan cho biết, hiện tại, phần đỉnh kè đã hoàn thiện theo phương án thiết kế, phần chân kè đã thi công tạo mái bằng đá hộc đến điểm dừng kỹ thuật, đủ giữ ổn định cho phần đỉnh kè đã thi công; đồng thời, tiếp tục đôn đốc nhà thầu khẩn trương thi công hoàn thiện phần còn lại của chân kè trước mùa lũ năm nay.
Qua kiểm định chất lượng xây dựng công trình kè Bình Thành cho thấy, có nhiều nguyên nhân tác động, ảnh hưởng đến ổn định công trình. Về chủ quan, hồ sơ thiết kế chưa đánh giá được hết những yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến sự ổn định của công trình theo thời gian, nhất là thiếu sót trong công tác khảo sát, thu thập số liệu phục vụ thiết kế kè. Việc tổ chức thi công tạo mái bằng bao tải cát chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật do vận tốc dòng chảy lớn, lòng sông sâu. Nếu không tính toán điều chỉnh biện pháp, bao tải cát sẽ không rơi đúng vị trí thiết kế.
Bên cạnh đó, có nguyên nhân khách quan, đó là công trình xây dựng ở đoạn sông cong, co hẹp, địa tầng có lớp đất yếu dày, chế độ dòng chảy phức tạp tác động vào bờ lõm của đoạn sông cong và co hẹp tạo ra dòng chảy xoáy làm xói lở lòng sông phía ngoài chân kè, hình thành các hố xói mở rộng về phía chân kè gây mất ổn định công trình. Ngoài ra, còn một số tác động từ hoạt động khai thác cát; khai thác thủy sản (bằng ghe cào) hoạt động gần bờ; các phương tiên thủy có tải trọng lớn lưu thông trong hành lang bảo vệ công trình.
Đến sụp lún trong rạch Cái Dầu
Kè khu vực chợ Bình Thành không những bị sạt trượt ở đoạn ngoài sông Tiền - con sông lớn, chế độ dòng chảy phức tạp, xuất hiện các hố xói ở lòng sông…, mà còn bị sụp lún ở đoạn trong rạch Cái Dầu - một con rạch nhỏ, điều kiện tự nhiêu không phức tạp. Gần đây, đoạn kè ven rạch Cái Dầu xuất hiện tình trạng nghiêng, sụp lún với chiều dài khoảng 30 m. Phần vỉa hè lún xuống, gạch lót bị bong tróc; mặt kè nghiêng ra phía ngoài làm xuất hiện khe hở, cách cống thoát nước hơn 20 cm.
Ông Trần Chí Tâm ở gần rạch Cái Dầu, sau nhiều năm lao động vất vả, đến năm 2019, ông tích góp xây được ngôi nhà trị giá hơn 500 triệu đồng. Hiện tại, ông Tâm rất lo lắng vì nhà của ông ở gần sát đoạn kè rạch Cái Dầu đang bị sụp lún. “Bờ kè nghiêng ra phía ngoài rạch, trong khi nhà của tôi ở kế bên bờ kè nên cảm thấy rất sợ, ăn ngủ không yên. Tôi mong chính quyền địa phương, ngành chức năng sớm khắc phục để tránh sạt lở nghiêm trọng hơn” - ông Tâm chia sẻ.
Ông Trần Chí Tâm khẳng định, từ khi đưa vào sử dụng tới nay, đoạn kè ven rạch Cái Dầu đã nhiều lần bị sụp, lún và được khắc phục, sửa chữa lại. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Võ Thành Ngoan, trong khoảng thời gian từ khi nghiệm thu, đưa vào sử dụng đến trước thời điểm thi công cầu Cái Dầu (3/2023), đoạn kè ven rạch Cái Dầu chưa phát hiện dấu hiệu chuyển vị. Các diễn biến chuyển vị chỉ xuất hiện khi thi công đóng cọc mố trụ cầu và “đỉnh điểm” là lúc thi công cọc mố B, cách đỉnh tường kè khoảng 6 m.
Hiện nay, UBND huyện Thanh Bình triển khai dự án đường Đ8 (từ Cụm Công nghiệp Bình Thành đến đường bến đò Bình Thành); trong đó có hạng mục cầu Cái Dầu. Cầu này đang thi công, gần với điểm cuối của đoạn kè ven rạch Cái Dầu. Ông Võ Thành Ngoan cho rằng, nguyên nhân chính xảy ra tình trạng nghiêng, sụp lún đoạn kè ven rạch Cái Dầu là do quá trình thi công cầu Cái Dầu. Để xây dựng cầu, đơn vị thi công đóng cọc sâu 38 m, gây xung động mạnh. Công trình cầu này xây dựng quá gần công trình kè nhưng đơn vị thi công không báo cáo, thông tin với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Ông Võ Thành Ngoan cho biết thêm, nguyên nhân cụ thể do khu vực này địa chất mềm yếu, lớp đất dày, khả năng chịu tải kém, dễ bị biến dạng khi có tác động của ngoại lực. Theo phương án thiết kế kè khu vực chợ Bình Thành, các kết cấu dầm đỉnh kè đặt trên hệ thống cọc bê tông cốt thép (30x30x1175 cm), khoảng cách 2,5 m/cọc. Trong khi đó, phương án thiết kế của cầu Cái Dầu là phần mố đóng 10 cọc, phần trụ là 12 cọc dạng ống dự ứng lực, đường kính 400 mm, dài 38 m. Giữa 2 hạng mục công trình có sự chênh lệch rất lớn về kết cấu cọc nên khi thi công cọc phần mố, trụ cầu thì lực xung động làm biến dạng lớp đất yếu, gây chuyển vị đoạn kè rạch Cái Dầu.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cùng lãnh đạo các sở, ngành chuyên môn vừa đến khảo sát đoạn kè ven rạch Cái Dầu. Ông Phạm Thiện Nghĩa giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND huyện Thanh Bình có giải pháp xử lý tình trạng nghiêng, sụp lún đoạn bờ kè này.
“Để khắc phục sự cố, trước mắt, ngành chức năng yêu cầu đơn vị thi công tháo dỡ, giảm tải phần đỉnh kè đã chuyển vị. Đơn vị tư vấn sẽ khảo sát, lên phương án thiết kế, khắc phục kè để trả lại hiện trạng ban đầu”, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Võ Thành Ngoan cho hay.