Doanh nghiệp chế biến thực phẩm bất an giữa 'bủa vây' bất cập chính sách
Đến nay vẫn chưa có tiến triển tích cực trong sửa đổi Nghị định 09/2016/NĐ-CP (Nghị định 09) về việc bổ sung i-ốt, sắt, kẽm vào muối, bột mì; hay như vướng mắc trong Nghị định 15 như 'vòng kim cô' siết chặt ngành điều; rồi đề xuất mới nhất về áp thuế tiêu thụ đặc biệt tới mức 40% với nước giải khát có đường. Tất cả dường như chậm được tiếp thu và tháo gỡ, khiến cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm ngày càng bất an giữa 'bủa vây' bất cập chính sách.
Trong hạ tuần tháng 10/2024, cả 5 hội/hiệp hội trong ngành hàng thực phẩm (gồm Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch, Hội Lương thực thực phẩm Tp.HCM, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao và Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc) đã gửi văn bản đến Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế) và đề xuất tổ chức buổi đối thoại (có thể diễn ra trong tháng 11/2024) giữa các bên liên quan đến việc sửa đổi Nghị định 09 về việc bổ sung i-ốt, sắt, kẽm vào muối, bột mì.
Bao giờ tiếp thu và tháo gỡ?
Các hội/hiệp hội này muốn đề xuất một giải pháp hợp tác tối ưu và hiệu quả hơn cho các bên liên quan, thông qua một cuộc đối thoại trực tiếp giữa các hội/hiệp hội và đại diện các doanh nghiệp (DN) của họ với đại diện Bộ Y tế cùng các bộ ngành có liên quan.
Điều mong mỏi của các DN chế biến thực phẩm là khâu chính sách cần tránh làm tổn thương thêm những khó khăn của họ.
Phía 5 hội/hiệp hội lưu ý qua những lần khảo sát đánh giá tác động chính sách, các DN thực phẩm đã cung cấp đầy đủ thông tin, dữ liệu cần thiết cho quá trình đánh giá theo các yêu cầu từ Viện Chiến lược và Chính sách Y tế và Bộ Y tế.
Thế nhưng, những vấn đề vướng mắc, bất cập trong liên quan quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định 09 (quy định: “Muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt” và “Bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm”) vẫn chưa được tiếp thu và tháo gỡ. Điều này tạo ra những bất cập và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của ngành thực phẩm.
Cho nên, điều hy vọng của các DN trong ngành hàng chế biến thực phẩm là việc sửa đổi Nghị định 09 cần sớm được ban hành với bất cập được tháo gỡ, phù hợp với cơ sở khoa học và quản lý rủi ro, phù hợp với thực tiễn trong nước và thông lệ quốc tế.
Trong khi đó, các DN chế biến thực phẩm thuộc ngành điều cũng đang gặp vướng mắc với Nghị định số 15/2018/NĐ-CP (Nghị định 15) ban hành từ cách đây 6 năm với quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Theo đó, hạt điều và các sản phẩm chế biến từ hạt điều (trừ bánh, mứt, kẹo có chứa hạt điều do Bộ Công Thương quản lý) thuộc đối tượng kiểm tra an toàn thực phẩm trong thẩm quyền quản lý của Bộ NN&PTNT.
Như lưu ý mới đây từ Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), qua rà soát tình hình xuất nhập khẩu của các DN điều thì thấy một số bất cập. Theo quy định, hạt điều thô nhập khẩu để tiêu thụ trong nước phải hoàn thành kiểm tra an toàn thực phẩm. Cụ thể là căn cứ theo Nghị định số 15.
Tuy nhiên, theo Vinacas, do các nước châu Phi không nằm trong “Danh sách các nước đăng ký xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam” được công khai trên trang website của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), nên theo quy định hiện hành của Nghị định số 15, các DN điều nhập khẩu nguyên liệu từ châu Phi chỉ được phép sản xuất để XK, mọi hành vi bán vào nội địa, dù là vì lý do gì cũng là vi phạm pháp luật. Đây là một trong những vướng mắc về quy định đối với DN điều Việt Nam đến nay vẫn chưa được tháo gỡ.
Tránh tổn thương thêm những khó khăn
Chính vì vậy mà các DN ngành điều đã ví von Nghị định 15 như “vòng kim cô” siết chặt hoạt động của họ. Nhất là khi 75% sản lượng điều thô nhập khẩu làm nguyên liệu có xuất xứ từ các nước châu Phi (khoảng 2,2 triệu tấn/năm) và chưa nằm trong “danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ đăng ký xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam”. Do đó, các DN chế biến hạt điều mong muốn sớm tháo gỡ bất cập này, cũng như tránh rủi ro bị xử lý hình sự về hành vi buôn lậu nếu như chuyển bán điều nhập khẩu Châu Phi trên thị trường nội địa.
Hay như các DN chế biến thực phẩm trong lĩnh vực nước giải khát có đường cũng đang phập phồng trước những đề xuất mới nhất về việc áp thuế Tiêu thụ đặc biệt. Như trong hạ tuần tháng 10/2024, cho dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) mà Bộ Tài chính đưa ra mức thuế suất 10% đối với nước giải khát có đường là chưa đủ để tác động làm thay đổi hành vi tiêu dùng, Bộ Y tế đã đề nghị áp mức 40%.
Trong khi đó, báo cáo đánh giá tác động kinh tế của dự thảo thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) được công bố trong tháng 10/2024, cho rằng phương án áp thuế 10% sẽ khiến cho giá trị tăng thêm không chỉ của ngành nước giải khát đó giảm mà còn làm giá trị tăng thêm của tất cả các ngành khác giảm trong chu kỳ sản xuất sau.
Đồng thời, theo CIEM, việc áp thuế Tiêu thụ đặc biệt 10% đối với nước giải khát có đường khiến DN ngành nước giải khát thu hẹp quy mô sản xuất, kéo theo đó khấu hao tài sản cố định giảm ở mức -0,654%, tương đương giảm 7.767 tỷ đồng; lợi nhuận giảm với mức -0,561%, tương đương giảm 8.773 tỷ đồng ngay trong năm đầu tiên khi áp thuế.
Không chỉ vậy, với tỷ lệ giảm thuế nêu trên, ngay khi áp thuế Tiêu thụ đặc biệt 10% đối với nước giải khát có đường, nguồn thu ngân sách từ thuế Thu nhập DN sẽ sụt giảm 2.152 tỷ đồng. Ở các chu kỳ tiếp theo, nguồn thu ngân sách từ thuế trực thu tiếp tục giảm.
“Nói chung, việc này sẽ tác động tương đối tiêu cực tới nền kinh tế trên nhiều khía cạnh như quy mô sản xuất, sản lượng, giá trị gia tăng, lợi nhuận, thu nhập, lao động và cả nguồn thu ngân sách Nhà nước”, phía CIEM nêu rõ.
Phía CIEM cũng lưu ý ngành nước giải khát là ngành dễ bị tổn thương trước các cú sốc, bao gồm cả những thay đổi về chính sách. Vì thế, quá trình soạn thảo các văn bản, chính sách tác động tới DN ngành này càng đòi hỏi phải thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng. Còn để điều tiết hành vi tiêu dùng, trong đó có mục tiêu giảm tiêu dùng nước giải khát có đường thì cơ quan quản lý nhà nước có thể áp dụng đồng thời nhiều công cụ quản lý khác nhau.
Xét cho cùng, trước tình cảnh “bủa vây” bất cập chính sách, điều mong mỏi của các DN chế biến thực phẩm là cần điều chỉnh, xóa bỏ những quy định mang tính rào cản, hoặc khi ban hành văn bản mới hay sửa đổi, bổ sung các quy định chính sách hiện hành đòi hỏi phải đánh giá tác động toàn diện, tránh làm bấn an, tổn thương thêm những khó khăn của họ. Nhất là khi sức chống chịu của các DN ngành hàng này bị giảm sút nặng nề bởi những biến động khó lường thời gian qua, do đó chỉ cần có thay đổi nhỏ cũng có thể tạo tác động không tích cực.