Chăn nuôi - hướng đi thoát nghèo bền vững của người dân Ba Tơ

Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất từ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững không chỉ giúp người dân nghèo ở Ba Tơ có thêm cơ hội thoát nghèo mà còn thay đổi tư duy chăn nuôi.

Nhờ tập trung triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trong đó đặc biệt là chương trình giảm nghèo bền vững, năm 2023, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) đã giảm hơn 1.000 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4.140 hộ, chiếm 23,55%. Đến cuối năm 2024, huyện đặt mục tiêu giảm thêm 1.200 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 16,6%; giảm 550 hộ cận nghèo, về còn 8,51%.

Năm 2024, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tại huyện Ba Tơ là hơn 10,7 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Trung ương cấp hơn 9,3 tỷ đồng; tỉnh là 934 triệu đồng... Theo báo cáo của UBND huyện, với Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, huyện được giao gần 4,1 tỷ đồng để thực hiện nhiều dự án trong lĩnh vực nông nghiệp như Nuôi heo ky sinh sản xã Ba Liên; nuôi trâu cái nội sinh sản ở xã Ba Điền, nuôi heo cỏ (kiềng sắt) sinh sản ở xã Ba Vì... Để hỗ trợ phát triển sản xuất, huyện bố trí hơn 1,65 tỷ đồng để hỗ trợ nhiều xã chăn nuôi trâu, bò, heo nội sinh sản hay heo kiềng sắt...

Tháng 7, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ phê duyệt dự án Chăn nuôi heo nội (heo móng cái) sinh sản xã Ba Trang từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024. Tổng cộng có 16 hộ của các thôn Cây Muối, Kon Riêng (trong đó có 13 hộ nghèo, 1 hộ cận nghèo, 1 hộ mới thoát nghèo và 1 hộ có kinh nghiệm làm kinh tế giỏi) tham gia dự án này, từ tháng 6/2024 đến tháng 12/2025.

Nhóm cộng đồng dân cư nuôi heo nội (heo móng cái) sinh sản xã Ba Trang được hỗ trợ 45 con heo nội để nuôi sinh sản. Loại giống được trao cho người dân là heo giống nội (nái móng cái hậu bị) có trọng lượng từ 22 kg/con trở lên; heo khỏe mạnh, không dị tật, bệnh tật, đã được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định.

Ngoài ra, các hộ tham gia cũng được dự án hỗ trợ vật tư là gần 13.100kg thức ăn cho heo theo từng giai đoạn sinh trưởng; hỗ trợ vắc xin, thuốc thú y, thuốc tẩy ký sinh trùng và chế phẩm sinh học theo định mức quy định trong suốt thời gian thực hiện dự án.

Trong 18 tháng dự án diễn ra, các gia đình được hỗ trợ cán bộ kỹ thuật đến từng hộ từ sau khi cấp con giống đến khi dự án có kết quả. Ngoài ra, để heo được sinh trưởng tốt, các hộ được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật.

Người dân được đào tạo, tâp huấn kỹ thuật chuyên môn trước khi tham gia các mô hình hỗ trợ.

Người dân được đào tạo, tâp huấn kỹ thuật chuyên môn trước khi tham gia các mô hình hỗ trợ.

Tổng dự toán kinh phí thực hiện là hơn 591 triệu đồng, trong đó ngoài phần Nhà nước hỗ trợ, người dân bỏ ra hơn 140 triệu đồng đối ứng kinh phí để sửa chữa chuồng trại, thức ăn, hóa chất sát trùng chuồng trại.

Dự kiến sau 18 tháng nuôi, số lượng heo thương phẩm xuất bán 212 con. Heo thịt, heo sinh sản sẽ bán trực tiếp cho thương lái, hộ dân trong và ngoài huyện. Theo tính toán, lợi nhuận sau 1 chu kỳ sinh sản là hơn 12,7 triệu đồng/hộ. Như vậy, việc nuôi heo sinh sản sẽ góp phần tăng thu nhập cho hộ gia đình, giúp các hộ thoát nghèo bền vững.

Báo cáo tại buổi đánh giá tình hình thực hiện 2 Chương trình MTQG, trong đó có chương trình Giảm nghèo bền vững vào cuối tháng 8, lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH huyện Ba Tơ cho hay việc thực hiện các Dự án, tiểu dự án thuộc 2 chương trình MTQG đã góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và mục tiêu giảm nghèo bền vững ở địa phương. Nhiều dự án, tiểu dự án từ chương trình đã đa dạng hóa sinh kế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ba Tơ cho biết Ba Tơ là một trong 5 huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi có thế mạnh về phát triển cây lâm nghiệp, nhưng huyện cũng xác định chăn nuôi là thế mạnh của địa phương, cũng là hướng đi thoát nghèo bền vững.

Tận dụng tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, nhiều hộ dân là người đồng bào dân tộc Hre huyện Ba Tơ đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhiều hộ, trong đó có các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, nhờ sự đồng hành của Nhà nước về kỹ thuật, nguồn vốn, có thêm động lực mạnh dạn chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo mô hình gia trại, trang trại. Nhờ vậy, hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện có cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương Ba Tơ.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chan-nuoi-huong-di-thoat-ngheo-ben-vung-cua-nguoi-dan-ba-to-2334883.html