Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cần được kết nối với các quỹ ngoại
Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ cho rằng, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam cần được kết nối với các quỹ nước ngoài trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Hội thảo “Đổi mới Sáng tạo mở xã hội” với chủ đề “Huy động nguồn lực xã hội để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cộng đồng" ngày 5/11 đã quy tụ được sự tham gia của hơn 100 chuyên gia từ 7 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ cho biết, các nhà lãnh đạo và những người tiên phong trong đổi mới sáng tạo tham gia hội thảo đã cùng nhau thảo luận, khám phá cách huy động các nguồn lực xã hội để có thể thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cộng đồng. Từ đó, tạo nền tảng cho các cơ hội hợp tác và tận dụng nguồn lực đa dạng cho đổi mới sáng tạo phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững.
Các đại biểu đã chia sẻ thực tiễn tốt nhất và kinh nghiệm quốc tế về đổi mới sáng tạo trong các hoạt động cộng đồng. Đây là diễn đàn mở để các bên có thể thảo luận và huy động nguồn lực cho các hoạt động sắp tới, hướng tới tầm nhìn 2030.
“Sự hội tụ của nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tại hội thảo minh chứng cho tiềm năng của việc huy động nguồn lực tập thể, thúc đẩy hợp tác đa bên nhằm kiến tạo tác động xã hội thông qua khoa học và công nghệ. Sự cam kết và hợp tác đa bên là yếu tố then chốt để duy trì và nâng cao hiệu quả của đổi mới sáng tạo và các giải pháp công nghệ giải quyết các vấn đề xã hội một cách bao trùm và không để ai bị bỏ lại phía sau”, ông Quất nói.
Cũng theo Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động xã hội có ý tưởng tốt, có năng lực gọi vốn toàn cầu đã được lựa chọn để sẵn sàng cho sự hợp tác đa bên trong giải quyết các vấn đề xã hội một cách bao trùm.
Những vấn đề được ưu tiên lựa chọn bao gồm thách thức xã hội về biến đổi khí hậu, sức khỏe, môi trường, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đặc biệt là chuyển đổi “kép” (chuyển đổi số để chuyển đổi xanh, ứng dụng công nghệ và dữ liệu giúp thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững).
Các doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động xã hội có rất nhiều sáng kiến hay. Tuy nhiên, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam cần được kết nối với các quỹ nước ngoài trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Việt Nam cần nhiều nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp trẻ vươn ra toàn cầu. Từ nguồn tài chính xanh, tín dụng xanh, các quỹ của các tập đoàn, mạng lưới quỹ của khu vực và quốc tế.
“Chúng tôi rất mong muốn các đầu mối liên kết quốc tế có thể dưới thiệu được các quỹ, ngân hàng và các tổ chức tín dụng, thiết chế tài chính để tạo thành mạng lưới quỹ hỗ trợ khởi nghiệp tạo tác động xã hội. Rất nhiều nước có mạng lưới quỹ này, Việt Nam rất mong muốn xây dựng thành công mạng lưới này, góp phần thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2050”, ông Quất nhấn mạnh.