Doanh nghiệp 'than thở' bị 'giam' tiền hoàn thuế VAT gây thiệt hại lớn mà chẳng biết kêu ai!?

'Có doanh nghiệp than thở, doanh nghiệp vi phạm về nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước thì bị xử lý nghiêm. Nhưng doanh nghiệp bị nợ đọng vốn xây dựng cơ bản, bị 'giam' tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) gây thiệt hại lớn thì chẳng biết kêu ai' - Đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa cho biết.

Doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về thủ tục hành chính

Sáng 1/11, phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024... trong chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định bày tỏ nhất trí với những kết quả đạt được và những đánh giá trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế…

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận.

Đặc biệt, để góp phần hoàn thiện về những giải pháp nhằm phục hồi và phát triển kinh tế, đại biểu Mai Thị Phương Hoa cho rằng cần quan tâm về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân trong thời gian tới. Theo bà Hoa, giai đoạn hiện nay, doanh nghiệp và doanh nhân gặp muôn vàn khó khăn. Trước tình hình này, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới. Quốc hội đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời tổ chức Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2023 để khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó. Chính phủ luôn đồng hành, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong từng lĩnh vực.

"Tuy nhiên, các doanh nghiệp hiện vẫn còn phải đương đầu với những khó khăn trước mắt và cần phải có sự các biện pháp tháo gỡ", bà Hoa nêu và đưa ra các nội dung, cụ thể:

Thứ nhất, nợ đọng vốn xây dựng cơ bản đối với doanh nghiệp xây dựng vẫn là vấn đề nổi cộm trong quản lý đầu tư công, chủ yếu nợ đọng từ ngân sách địa phương; đáng lưu ý có những khoản nợ từ trước 2015. Hệ lụy của tình trạng này là kéo dài thời gian hoàn thành dự án, chậm đưa công trình đi vào khai thác, sử dụng làm giảm hiệu quả đầu tư, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp.

 Đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định.

Đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định.

Thứ hai, là chậm hoàn thuế giá trị gia tăng (thuế VAT), doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về thủ tục hành chính xuất phát từ các văn bản hướng dẫn về nghiệp vụ. Theo bà Hoa, báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã đánh giá, tính thủ công về nghiệp vụ, sự phức tạp chồng chéo của các văn bản cùng việc thiếu tiêu chí về phân loại rủi ro hồ sơ hoàn thuế.

"Trên thực tế có doanh nghiệp than thở rằng, doanh nghiệp vi phạm về nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước thì bị xử lý nghiêm. Nhưng doanh nghiệp bị nợ đọng vốn xây dựng cơ bản, bị giam tiền hoàn thuế giá trị gia tăng gây thiệt hại lớn mà chẳng biết kêu ai" - Đại biểu Mai Thị Phương Hoa cho biết và đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, có giải pháp quyết liệt để xử lý tình trạng này.

Thứ ba, tín dụng doanh nghiệp gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa khó đáp ứng đầy đủ điều kiện vay vốn của các tổ chức tín dụng… Theo đó, đại biểu Mai Thị Phương Hoa cho rằng cần những thủ tục thông thoáng hơn, nghiên cứu thêm những sản phẩm tín dụng đặc thù, linh hoạt hơn cho doanh nghiệp.

Thứ tư, công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp trong một số trường hợp chưa hiệu quả để giúp doanh nghiệp phát hiện những sai phạm từ sớm, từ xa để kịp thời chấn chỉnh. Đại biểu đoàn Nam Định đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thanh tra, điều tra cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ điều tra, truy tố, xét xử dứt điểm các vụ việc, vụ án có liên quan để doanh nghiệp bị ảnh hưởng có thể cơ cấu lại, sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, tiếp tục đóng góp cho xã hội.

 Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam.

Thể chế không tốt thì có tiền cũng không tiêu được!?

Tham gia thảo luận, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, để phục hồi và phát triển kinh tế thì tiền bạc là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là thể chế. "Thể chế tốt thì khai thông nguồn lực, giúp tiền đẻ ra tiền, thể chế không tốt thì có tiền cũng không tiêu được", ông Lộc nhấn mạnh và cho rằng quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay vẫn là đẩy mạnh cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, bởi theo phản ánh của người dân và doanh nghiệp là đang còn nặng nề. Khắc phục cho được quy định chồng chéo, bất cập, nhất là thiếu minh bạch, gây rủi ro; đồng thời gỡ bỏ tâm lý sợ oan, sai, e ngại thanh tra, kiểm tra của cán bộ công chức và doanh nghiệp.

“Tôi đề nghị cần nghiên cứu và đặt ra giới hạn tần xuất, phạm vi các cuộc thanh tra, kiểm tra với các bộ ngành địa phương, doanh nghiệp để họ có thể yên tâm nỗ lực giải ngân các gói cứu trợ phục hồi kinh tế. Cần bổ sung ngay chế tài kinh tế phù hợp để xử lý các vi phạm và không hình sự hóa các quan hệ kinh tế; đồng thời triển khai thiết thực, tận tâm biện pháp bảo vệ cán bộ, cả doanh nhân dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, trong đó có yêu cầu luật hóa quy định về vấn đề này”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nêu ý kiến.

 Đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận.

Đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận.

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng trong khủng hoảng thì giải pháp kinh điển, trực diện, phát huy hiệu quả trực tiếp, nhanh nhất là bơm tiền vào nền kinh tế. Ông đánh giá các quyết định bơm tiền được Quốc hội ban hành nhưng triển khai gặp nhiều trở ngại. Vì vậy, nhiệm vụ cấp bách hiện nay cần quan tâm giải quyết tình trạng có tiền mà không tiêu được. Chừng nào tình trạng này vẫn còn thì chừng đó khó hy vọng có sự phát triển bứt phá của nền kinh tế thời gian tới.

Cũng theo ông Vũ Tiến Lộc, về thể chế, bên cạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật thì cần chiến lược, chính sách đột phá phát triển các ngành kinh tế trong bối cảnh mới; không lặp lại tình trạng sau mấy chục năm mở cửa, hội nhập mà các ngành công nghiệp chủ lực như ô tô, dệt may, điện tử, da giày, thậm chí nền nông nghiệp căn bản dừng lại ở trình độ gia công, lắp ráp.

“Nếu tham gia vào các chuỗi giá trị thế giới, ngay cả ngành công nghiệp đỉnh cao và tiềm năng như chip bán dẫn mà trong 10 -15 năm tới, Việt Nam vẫn đảm nhận khâu gia công, đóng gói thì đất nước không thể vượt bẫy trung bình, không thể trở thành quốc gia phát triển”, ông Lộc nhấn mạnh rất cần quyết sách tầm chiến lược tầm quốc gia của cả Quốc hội và Chính phủ.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/doanh-nghiep-than-tho-bi-giam-tien-hoan-thue-vat-gay-thiet-hai-lon-ma-chang-biet-keu-ai-post270720.html