Doanh nghiệp Việt đón cơ hội tốt mở rộng kết nối, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Đó là chia sẻ của ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội công nghệ hỗ trợ Việt Nam tại triển lãm quốc tế về công nghiệp hỗ trợ và Chế biến chế tạo Việt Nam (Vimexpo 2024).

Ông Phan Đăng Tuất cho biết, 1.200 doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội công nghệ hỗ trợ Việt Nam luôn mong muốn có những cơ hội nhiều hơn trong kết nối đầu tư, mở rộng phát triển. Hiện doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang đứng trước cơ hội tốt để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Câu thành ngữ “không thầy đố mày làm nên” và “học thầy không tày học bạn” đúng với cả doanh nghiệp hiện nay. Thông qua hoạt động triển lãm, các doanh nghiệp cùng giao lưu, học hỏi người có kinh nghiệm, có năng lực từ bạn bè, đối tác.

Tại Triển lãm Quốc tế lần thứ 5 về Công nghiệp hỗ trợ và Chế biến chế tạo Việt Nam – Vimexpo 2024 có sự tham gia của 183 doanh nghiệp với hơn 200 gian hàng. Các doanh nghiệp không chỉ trưng bày sản phẩm mà còn tìm kiếm cơ hội hợp tác mới thông qua triển lãm.

Ông Lương Như Cương, Giám đốc Công ty Công ty cổ phần Máy đóng gói Mikyo cho biết, Mikyo mang đến triển lãm các sản phẩm máy đóng gói tự động với mong muốn có thêm khách hàng mới là các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước. Hiện sản phẩm của Mikyo đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản được tin dùng.

Chia sẻ tại triển lãm, ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) cho biết VEAM đã không ngừng đầu tư vào đổi mới công nghệ, tăng cường năng lực sản xuất và nâng cao chất lượng các dòng sản phẩm chính, bao gồm động cơ, máy nông nghiệp, ô tô và các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Hiện sản phẩm của VEAM đã xuất sang hơn 20 quốc gia. Trong các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường, VEAM tích cực tham gia với định hướng liên kết phát triển và ghi nhận kết quả tích cực.

Phó tổng giám đốc VEAM cũng nhấn mạnh trong lĩnh vực sản xuất nói chung và ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng chú trọng ứng dụng công nghệ sẽ tạo ra đột phá cho doanh nghiệp, đặc biệt là công nghệ cao.

Nhiều sản phẩm mới của ngành công nghệ hỗ trợ, công nghiệp chế biến chế tạo Việt Nam được trưng bày tại triển lãm. Ảnh H.Y

Nhiều sản phẩm mới của ngành công nghệ hỗ trợ, công nghiệp chế biến chế tạo Việt Nam được trưng bày tại triển lãm. Ảnh H.Y

Năm 2024, Triển lãm VIMEXPO tổ chức lần thứ 05 quy tụ hơn 200 doanh nghiệp, bao gồm các tập đoàn hàng đầu trong và ngoài nước, với những sản phẩm và công nghệ tiên tiến nhất. Đây sẽ trở thành “điểm gặp gỡ lý tưởng” để các doanh nghiệp trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận các công nghệ mới, cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng, hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong và ngoài nước. Triển lãm còn là cầu nối hiệu quả giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo tại Việt Nam từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh cho chính mình và giúp các doanh nghiệp từng bước dịch chuyển lên các công đoạn tạo ra giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu.

“Tôi tin tưởng rằng, với sự tham gia đông đảo của các doanh nghiệp và sự quan tâm, hỗ trợ từ các cơ quan, đơn vị, triển lãm Vimexpo 2024 sẽ đạt được nhiều thành công, mở ra những cơ hội hợp tác và phát triển mới, góp phần nâng tầm vị thế ngành công nghiệp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Dưới góc độ ở địa phương, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Sở Công thương TP. Hải Phòng cho biết, thời gian qua, nhờ các yếu tố thuận lợi về môi trường kinh doanh cũng như chính sách ưu đãi và tiềm năng phát triển, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Sự thu hút các dự án lớn về công nghiệp chế biến, chế tạo của các tập đoàn, các công ty hàng đầu thế giới đã tạo cơ hội cho ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nói chung và của mỗi địa phương nói riêng, góp phần vào sự phát triển chung của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Tại Hải Phòng, trong 6 tháng đầu năm 2024 tỷ trọng công nghiệp trong GRDP đạt 45,89%; tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo/GRDP thành phố đạt 42,28%; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo chiếm 68,2%. Hải Phòng xác định một trong ba trụ cột kinh tế của Hải Phòng là công nghiệp công nghệ cao, do vậy để tăng tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao thì phát triển công nghiệp hỗ trợ là việc làm cấp thiết nhất hiện nay.

Đại diện Sở Công Thương Hải Phòng đề nghị Bộ Công Thương tăng cường hỗ trợ các địa phương trong hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ, triển lãm về công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo.

Hải Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/doanh-nghiep-viet-don-co-hoi-tot-mo-rong-ket-noi-tham-gia-chuoi-cung-ung-toan-cau-post356111.html