Độc đáo lễ khai quang điểm nhãn lân sư rồng ngày tết

Người xưa cho rằng các linh vật thể hiện cái hồn ở con mắt. 'Khai quang điểm nhãn' chính là nghi lễ thổi hồn vào linh vật, là thủ tục để linh vật nhận chủ nhân.

Theo thông lệ, đội lân Đoàn Lâm Vũ làm lễ vào ngày 14 tháng Chạp hằng năm, tại khu phố Long Mỹ, phường Long Thành Bắc, thị xã Hòa Thành.

Theo thông lệ, đội lân Đoàn Lâm Vũ làm lễ vào ngày 14 tháng Chạp hằng năm, tại khu phố Long Mỹ, phường Long Thành Bắc, thị xã Hòa Thành.

Múa lân sư rồng là một loại hình nghệ thuật mang đậm nét văn hóa dân gian của người Á Đông. Tết nguyên đán được coi là mùa “bội thu” của các đoàn lân sư rồng. Do đó, những ngày cuối năm là thời gian mà họ ráo riết chuẩn bị “đồ mới” phục vụ cho tết và xuyên suốt cả năm. Đây cũng là lúc các đoàn tổ chức nghi thức “khai quang điểm nhãn”.

Người xưa cho rằng các linh vật thể hiện cái hồn ở con mắt. “Khai quang điểm nhãn” chính là nghi lễ thổi hồn vào linh vật, là thủ tục để linh vật nhận chủ nhân. Theo quan niệm phong thủy, sau khi được “khai quang điểm nhãn”, người đầu tiên mà linh vật nhìn thấy sẽ là chủ nhân của nó.

Vì thế, người “khai quang điểm nhãn” cho các chú lân, sư, rồng rất quan trọng và thường là trưởng đoàn hoặc các vị đại biểu, nhà tài trợ của đoàn. Bên cạnh đó không thể thiếu ông Địa (trong truyền thuyết, Phật Di Lặc đã hóa thân thành ông Địa để thu phục chú lân, biến nó từ một con quái vật dữ tợn, ưa ăn thịt người trở thành một loài thú hiền lành, thích trái cây, rau củ. Hằng năm ông Địa sẽ dẫn lân xuống trần gian để cùng đi chúc tết).

Sau khi được mở mắt sống dậy, lân sư rồng mới có thể xuất hành biểu diễn những điệu múa đẹp mắt và đem niềm vui, may mắn đến cho mọi nhà. Còn đối với đoàn lân, nghi thức cúng Tổ, khai quang điểm nhãn như để bắt đầu một “mùa vụ” mới và cầu mong sự ấm no, thịnh vượng.

Tùy theo phong tục của mỗi đoàn, có đoàn thì chọn một ngày cố định, có đoàn thì mỗi năm đều xem ngày lành tháng tốt mới làm lễ. Dù vậy, đó là một nét đẹp truyền thống vẫn được bảo tồn, duy trì qua nhiều thế hệ và phát huy đến ngày nay.

Nghi lễ này thường gồm có hai phần: tại gia và đến chùa. Đầu tiên, tại nơi sinh hoạt của đoàn, người ta lập bàn cúng, trưng bày hoa quả để các thành viên đến thắp nhang.

Sau đó, nghi thức “khai quang điểm nhãn” được tiến hành bằng cách dùng cọ chấm vào chén châu sa hòa với rượu trắng (châu sa là một loại khoáng thạch màu đỏ, có nguồn gốc ở Trung Quốc, hay sử dụng trong Ðông y để làm thuốc trấn kinh, an thần), rồi lần lượt điểm vào các bộ phận trên thân thể của chú lân như trán, mắt, tai, lưỡi, sừng, tứ chi và vẽ một đường dọc theo sống lưng đến đuôi.

Tiếp theo, trưởng đoàn sẽ nhét vào miệng lân một bao lì xì hoặc một quả quýt, với ý nghĩa thưởng “lộc” cho lân, chúc lân có một năm “ăn nên làm ra”. Được “điểm tinh”, lân có thêm sức mạnh vô hình, bỗng đứng dậy nhảy múa đầy hào hứng, nhịp trống lúc này cũng sôi nổi lên hẳn.

Kế đến, các chú lân sư rồng vào lạy bàn thờ tổ tiên trong nhà và đi diễu hành một đoạn, múa xung quanh xóm, như để thông báo cho mọi người biết họ đã chính thức hoạt động. Cuối cùng, đoàn lân sẽ đến chùa hoặc miếu thờ thần linh để lạy và múa trong chánh điện.

Dưới đây là một số hình ảnh ở buổi lễ “khai quang điểm nhãn” của đoàn lân sư rồng Đoàn Lâm Vũ vừa diễn ra.

Cả đoàn thắp nhang

Cả đoàn thắp nhang

Tiến hành nghi thức “khai quang điểm nhãn”

Tiến hành nghi thức “khai quang điểm nhãn”

Hai chú lân nhảy múa sau khi được “mở mắt”.

Hai chú lân nhảy múa sau khi được “mở mắt”.

Khai quang điểm nhãn cho rồng.

Khai quang điểm nhãn cho rồng.

Diễu hành trên đường phố.

Diễu hành trên đường phố.

Đoàn đến miếu Bà Chúa Xứ.

Đoàn đến miếu Bà Chúa Xứ.

Chụp ảnh lưu niệm trước Báo Quốc Từ.

Chụp ảnh lưu niệm trước Báo Quốc Từ.

Anh Thư

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/doc-dao-le-khai-quang-diem-nhan-lan-su-rong-ngay-tet-a153601.html