Đọc sách để nhớ một thời ta đã yêu

Mọi người biết đến 'Thương nhớ mười hai' của Vũ Bằng như một bức tranh văn hóa còn tôi thấy nó là một bức tranh của nỗi nhớ.

 Cuốn sách Thương nhớ mười hai bản thường.

Cuốn sách Thương nhớ mười hai bản thường.

Tôi là một đứa si tình ngớ ngẩn, đặc biệt với những mối tình chẳng rõ đầu của tai nheo ra sao. Ập đến như sóng xô cuối chiều để rồi sáng hôm sau lại trở về với biển cả. Những lúc nhớ nhung trải dài khắp miền hiện thực, tôi tìm đến những cuốn sách như cách để giải thoát cho tâm trí. Tôi không cố tình thoát ly để thôi "cơn đói" bóng hình, chỉ là, tôi muốn tìm được sự đồng cảm.

Thế là tôi và Vũ Bằng đã gặp nhau trong Thương nhớ mười hai. Vũ Bằng - một người nhớ vợ, tôi - một người nhớ những viễn tưởng. Ngay từ dòng đầu tiên, tôi đã không thể nào kìm được cảm xúc của mình. "Viết đến câu chót bài 'Tháng Chín' thì là thương. Thương không biết bao nhiêu, nhớ không biết ngần nào người bạn chiếu chăn Nguyễn Thị Quỳ. Thành mến tặng Quỳ cuốn sách này để thay lời ai điếu". Cứ vậy tôi lãng đãng theo câu chuyện tình của Vũ Bằng và người vợ của mình đi qua 12 tháng, đầy đủ những phong vị của miền Bắc.

Yêu một ai đó là yêu cả mảnh đất nơi ta và họ cùng ở. Đó là sự thật. Tôi và người đó từng có những chuyến đi chống dịch với nhau, thời gian giãn cách khiến thành phố thu nhỏ lại. Ngoài đường chỉ có tôi và người tôi mến.

Thế giới của Vũ Bằng cũng vậy, cảm tưởng có bao nhiêu thứ giăng mắc mịt mùng trên những trang giấy nhưng cuối cùng tôi chỉ thấy Vũ Bằng và vợ mình. Đây là một thủ pháp nhà văn đã chủ đích hay chỉ là nỗi nhớ chảy tràn lên trang giấy? Tôi băn khoăn mãi và tôi thích cách một cuốn sách nhẹ nhàng đưa vào trong mình cảm xúc sâu lắng như vậy.

Dù Vũ Bằng viết bằng ngôn ngữ cách tôi hàng thập kỷ nhưng sao tôi thấy Thương nhớ mười hai không sến, không cũ mà rất hiện thời. Có lẽ bởi ở đâu con người ta thời nào chẳng nhớ điều gì đó. Một điều ta yêu.

Đến giờ đã nhiều năm, tôi đánh mất cuốn sách này, nhưng bằng sự thôi thúc nào đó, tôi vẫn mua và đọc lại nó. Thời gian trôi đi, dẫu nỗi nhớ của tôi có vơi dần, cuốn sách vẫn đem lại sự cồn cào cảm giác muốn yêu và được yêu. Tôi ngỡ ra, mọi người bảo "Sách nâng đỡ tinh thần con người" là câu nói không hề sáo rỗng.

Về mặt hiện tượng học, mỗi người có một trải nghiệm riêng với Thương nhớ mười hai. Nhưng không ai có thể phủ nhận được trang viết Vũ Bằng đã tạo ra một bức tranh toàn cảnh về đặc sản miền Bắc. Từ lối sống, lời ăn tiếng nói, thú ăn, chơi, tất cả như đang gọi mời xúc cảm trong lành, khôi nguyên của người đọc. Nhanh chân lên, vội vã lên, thế giới ngoài kia là biết bao điều cần khám phá.

Đọc xong cuốn sách, tôi bỗng yêu Hà Nội và lấy làm lý thú với những thứ diễn ra xung quanh hàng ngày. Thi thoảng tôi trải nghiệm "văn hóa" của những người thuộc lớp văn hóa xưa, một người trẻ làm thế thì trông kỳ, nhưng không thử thì đâu phải tuổi trẻ. Miếng trầu ăn vào có vị gì?

Vũ Bằng có một câu trả lời trong Thương nhớ mười hai nhưng tại sao bạn không tự mình thử nó.

Đức Bùi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/doc-sach-nho-nguoi-yeu-cu-post1424519.html