Đôi điều suy nghĩ từ bức tranh kinh tế quý I-2024
Kinh tế quý I/2024 của tỉnh Ninh Bình tiếp tục phát triển, GRDP tăng 8,02% so với cùng kỳ năm trước. Đây là quý I có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất của tỉnh ta trong nhiều năm trở lại đây.
Kết quả đó càng có ý nghĩa quan trọng khi đặt trong bối cảnh kinh tế của tỉnh ta đã và đang tiếp tục gặp không ít khó khăn do tác động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước. Tăng trưởng kinh tế quý I đã vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra (kịch bản tăng là 7,8%, thực tế đạt 8,02%) là rất phấn khởi. Tuy nhiên, giữa các khu vực và các sản phẩm chủ yếu lại có kết quả chưa đạt được như mong muốn.
Theo báo cáo, khu vực nông lâm nghiệp-thủy sản tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước, nhưng chủ yếu tăng ở lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản.
Lĩnh vực trồng trọt, trong quý I, bà con nông dân tập trung thu hoạch vụ đông và gieo cấy vụ xuân. Do nhiều nguyên nhân mà diện tích gieo trồng cây vụ đông 2023-2024 trên địa bàn tỉnh ta giảm so với cùng vụ năm trước.
Về chăn nuôi, trong quý I dịch bệnh trên đàn vật nuôi được kiểm soát tương đối tốt đã tạo điều kiện để các hộ gia đình yên tâm đầu tư, phát triển chăn nuôi. Do vậy mà sản lượng thịt hơi xuất chuồng của gia súc, gia cầm ước đạt trên 17,8 nghìn tấn, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Về sản lượng thủy sản trong quý I ước đạt 16,8 nghìn tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ. Điều đáng mừng là sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt đến 15,1 nghìn tấn, trong đó cá đạt 9,2 nghìn tấn, tăng 5,8%; tôm đạt 0,5 nghìn tấn, tăng 18,8%... đem lại giá trị cao.
Khu vực công nghiệp-xây dựng tăng, trong đó riêng công nghiệp tăng 8,95% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý I có một số sản phẩm công nghiệp có mức tăng đột biến như: sản xuất và phân phối điện tăng 95,8%; nước dứa tươi tăng 79,9%; phân Ure tăng gấp 2,3 lần; phân lân nung chảy tăng 59,8%; đá các loại tăng 20,1%, thép cán các loại tăng 18,9%... so với cùng kỳ. Tuy nhiên một số sản phẩm công nghiệp có giá trị lớn là thế mạnh của tỉnh lại giảm như: xe ô tô 5 chỗ ngồi trở lên giảm 26,4%; xe ô tô chở hàng hóa giảm 39,2%...
Khu vực dịch vụ tăng 10,16% so với cùng kỳ có thể nguyên nhân cơ bản là quý I năm nay được hỗ trợ bởi Tết Nguyên đán Giáp Thìn vào gần giữa tháng 2-2024 nên hoạt động thương mại, dịch vụ diễn ra sôi động, duy trì tốc độ tăng trưởng cao so với năm trước. Nhu cầu sắm sửa, tiêu dùng Tết lớn nên doanh thu tổng mức bán lẻ hàng hóa toàn tỉnh tăng 33% so với cùng kỳ. Một số nhóm hàng có tốc độ tăng cao là: lương thực, thực phẩm tăng 41,4%; hàng may mặc tăng 44,8%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 48,9%; xăng, dầu các loại tăng 43,9%...
Hoạt động du lịch, dịch vụ tăng cao. Số lượt khách đến các điểm thăm quan, du lịch trong tỉnh đạt gần 3,9 triệu lượt, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước. Do vậy, doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 32,1%; doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành gấp 13,5 lần và doanh thu một số ngành dịch vụ khác tăng 9,4%...
Từ bức tranh kinh tế quý I-2024 trên đây chúng ta có thể nhận thấy vai trò nổi bật trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tập trung, quyết liệt, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp với phương châm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm cùng với việc thường xuyên tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.
Ngay sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn-2024, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh cùng các ngành, các cấp đã đi kiểm tra, động viên sản xuất đầu năm tại nhiều địa phương, doanh nghiệp. Không khí lao động sản xuất khắp nơi trên địa bàn tỉnh ta diễn ra sôi động, khí thế ngay sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán. Toàn tỉnh không còn tình trạng đầu năm "đủng đỉnh, xả hơi" như trước đây, tác phong công nghiệp đang hình thành mạnh mẽ trong lực lượng lao động...
Tuy vậy, mức tăng trưởng kinh tế (GRDP) vượt kịch bản của tỉnh ta trong quý I năm nay có yếu tố thuận lợi là thời điểm Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng những mặt hàng thiết yếu tăng; sản xuất điện, khai khoáng tăng... Điều đáng quan tâm là một số mặt hàng chủ lực, thế mạnh, có giá trị lớn của Ninh Bình lượng tiêu thụ chậm, tồn kho nhiều như: xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi có doanh thu bán lẻ giảm 7,3% so với cùng kỳ; camera và linh kiện giảm 22,7%; xi măng tồn kho gần 50 nghìn tấn... Nhiều sản phẩm công nghiệp của Ninh Bình sản xuất vẫn chủ yếu lấy số lượng, sản lượng, chứ hàm lượng trí tuệ và giá trị chưa cao như: khai khoáng, xi măng, clinke, giầy, dép các loại...
Một số khó khăn của các năm trước tác động đến nền kinh tế của đất nước nói chung và tỉnh ta nói riêng vẫn còn. Các cuộc xung đột quân sự: Nga-Ucraina; IsraelHamas; căng thẳng ở Biển Đỏ... chưa có dấu hiệu kết thúc đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất, nhập khẩu của tỉnh ta. Giá nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng cao làm tăng chi phí sản xuất, lưu thông của doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả hàng hóa, làm hạn chế nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ (CPI) trên địa bàn tỉnh tăng 4,03% so với quý I năm trước và đã có đến 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ tăng, bình quân trong quý I -2024 vàng tăng 18,8%; đô la Mỹ tăng 3,89%... gây khó cho công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan quản lý Nhà nước và cả doanh nghiệp.
Bước sang quý II-2024, các sản phẩm có mức tăng cao trong quý I có thể sẽ không còn lợi thế tăng như: điện, dịch vụ, du lịch. Do vậy, để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế của quý II và cả năm 2024, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh cần bám sát và tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.
Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp chủ lực có giá trị sản xuất công nghiệp lớn để duy trì và giữ vững tốc độ phát triển kinh tế. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp. Ứng dụng, đổi mới công nghệ số phát triển các ngành dịch vụ có thế mạnh của địa phương...