Đổi mới phương thức quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển

Đây là nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận tại hội nghị đánh giá công tác quản lý nhà nước tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, do Bộ TN&MT vừa tổ chức. Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo, cán bộ làm công tác biển và hải đảo của Sở TN&MT 28 tỉnh, thành phố ven biển, trong đó có Phú Yên.

Ngư dân Phú Yên đưa hải sản vào cảng cá Phú Lạc (TX Đông Hòa) sau chuyến vươn khơi. Ảnh: MINH ĐĂNG

Ngư dân Phú Yên đưa hải sản vào cảng cá Phú Lạc (TX Đông Hòa) sau chuyến vươn khơi. Ảnh: MINH ĐĂNG

Đây là lần đầu tiên Bộ TN&MT tổ chức hội nghị về công tác quản lý nhà nước tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo nhằm trao đổi, thảo luận về kết quả thực hiện công tác này. Đồng thời, thảo luận về cơ chế phối hợp giữa Cục Biển và Hải đảo (Bộ TN&MT) với Sở TN&MT 28 địa phương có biển.

Cần sự phối hợp giữa các cơ quan trung ương và địa phương

Tại hội nghị, ông Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ TN&MT nhấn mạnh, tiềm năng, lợi thế về tài nguyên, vị trí địa lý của biển, đảo; thực trạng, nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên, không gian biển và các vấn đề về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, cần thiết phải có sự chung tay quản lý thống nhất từ trung ương đến địa phương; qua đó phát huy hiệu lực, hiệu quả về quản lý khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

“Sự phối hợp và tham gia tích cực của các cơ quan trung ương và địa phương có vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng và triển khai hiệu quả công tác quản lý nhà nước tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, hải đảo để phát triển kinh tế biển bền vững, bảo vệ sinh kế của người dân”, ông Lê Minh Ngân khẳng định.

Hội nghị đã tập trung thảo luận giải pháp triển khai hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về quản lý tài nguyên biển đảo như Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam; chuyển đổi số trong quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên biển.

Các địa phương cần bố trí, sắp xếp khoanh vùng định hướng phát triển khu vực biển dựa trên điều kiện tự nhiên, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển; tận dụng tối đa lợi thế để phát triển các ngành du lịch và dịch vụ biển để địa phương trở thành điểm đến hấp dẫn của cả nước. Nghiên cứu đưa nội dung Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh để phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh có biển, phát triển kinh tế biển, trong đó cần xác định các nhiệm vụ ưu tiên, đột phá, phù hợp với tiềm năng, nguồn lực; chú trọng xây dựng hạ tầng kết nối đất liền ra biển, kết nối vùng.

Đại diện lãnh đạo Sở TN&MT Phú Yên cho rằng, công tác bảo vệ môi trường biển và hải đảo cần được tăng cường hơn nữa, nhất là kiểm soát thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, rác thải nhựa ven biển và trên các đảo; kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải trực tiếp gây ô nhiễm, suy thoái môi trường trên biển, vùng biển ven bờ; đặc biệt là hoạt động nhận chìm, xả nước thải vào môi trường biển. Giám sát chặt các khu đô thị, khu du lịch, khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ sở nuôi trồng, chế biến thủy sản, hoạt động thương mại, dịch vụ dọc theo bờ biển, trên các đảo. Cùng với đó là đầu tư, xây dựng hệ thống quan trắc, đánh giá phạm vi, mức độ tác động của các nguồn gây ô nhiễm biển từ đất liền, nhất là từ các lưu vực sông; tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các đối tượng vi phạm về khai thác tài nguyên, môi trường biển.

Lực lượng đoàn viên, thanh niên của tỉnh thu gom rác thải dọc bờ biển, làm sạch môi trường. Ảnh: CTV

Lực lượng đoàn viên, thanh niên của tỉnh thu gom rác thải dọc bờ biển, làm sạch môi trường. Ảnh: CTV

Ngăn chặn suy thoái hệ sinh thái và ô nhiễm môi trường

Ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo (Bộ TN&MT) đánh giá nhiều địa phương đã tích cực, chủ động giải quyết các vấn đề về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được còn nhiều vấn đề phải quan tâm giải quyết. Đó là suy thoái cảnh quan, hệ sinh thái biển và ven biển; ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường biển vùng biển ven bờ có dấu hiệu gia tăng; ngày càng nhiều các tác động tiêu cực do thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, các hiện tượng khí hậu cực đoan. Ngoài ra, nguồn nhân lực và tài chính đầu tư cho lĩnh vực biển, hải đảo từ trung ương đến địa phương còn hạn chế; bất cập trong khai thác, sử dụng tài nguyên, không gian biển giữa các ngành, các bên có liên quan…

Tỉnh Phú Yên có bờ biển dài 189km, diện tích vùng biển ven bờ rộng khoảng 34.000km2, địa hình đa dạng với nhiều vũng, đầm, vịnh, tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế biển, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức trong công tác bảo vệ hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học biển.

Thời gian qua, tỉnh Phú Yên đã triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Công tác quản lý, khai thác sử dụng, bảo vệ tài nguyên môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu được chú trọng, qua đó góp phần vào sự phát triển KT-XH địa phương. Trong đó phải kể đến Dự án thí điểm thu gom rác thải nhựa ngoài biển với sự đồng thuận của cộng đồng ngư dân được triển khai tại cảng cá Dân Phước, phường Xuân Thành (TX Sông Cầu) từ tháng 3/2021. Thông qua dự án đã khuyến khích ngư dân thu gom và mang rác thải mắc vào lưới đánh cá về các điểm thu gom trên bờ; xây dựng mô hình cộng đồng ngư dân tham gia thu gom rác thải nhựa trên biển, qua đó nâng cao nhận thức của ngư dân về vấn đề rác thải nhựa.

Và mới đây, Ban Quản lý cảng cá Phú Yên triển khai mô hình “Ngư dân đưa rác thải về bờ” tại các cảng cá Đông Tác, Phú Lạc, Tiên Châu và Dân Phước, với gần 400 tàu cá của ngư dân trong tỉnh tham gia. Mỗi tàu cá được ban quản lý cung cấp hai túi lưới để đựng rác thải. Ông Hà Viên, Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Phú Yên cho biết, sau 5 tháng triển khai, đến nay ngư dân đã thu gom đưa vào bờ khoảng 1 tấn rác thải, chủ yếu là rác thải nhựa.

Chương trình hành động 10-CTr/TU, ngày 18/8/2021 về phát triển kinh tế biển gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư, Tỉnh ủy đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh. Tiếp tục xây dựng vùng biển và ven biển có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, là khu vực kinh tế đa ngành, đa chức năng; phấn đấu đến năm 2025, hoàn thiện nền tảng, hạ tầng kỹ thuật quan trọng của một số ngành kinh tế biển chủ lực, để đến năm 2030 Phú Yên trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển, đóng góp từ 8-10% GRDP của tỉnh. Các ngành kinh tế biển phát triển bền vững, kiểm soát khai thác tài nguyên trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển.

MINH ĐĂNG

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/321357/doi-moi-phuong-thuc-quan-ly-tai-nguyen-bao-ve-moi-truong-bien.html