Đổi mới sáng tạo mở xã hội giúp doanh nghiệp lớn mạnh
Hơn 90% doanh nghiệp cho rằng, đổi mới sáng tạo mở xã hội mang lại cho họ cơ hội tạo ra giá trị kinh doanh bền vững, tác động tích cực đến xã hội và môi trường.
Đây là thông tin Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững Nguyễn Phương Linh chia sẻ tại hội thảo "Đổi mới sáng tạo mở xã hội" diễn ra ngày 5.11 với chủ đề "Huy động nguồn lực xã hội để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cộng đồng".
Sự kiện này do Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với một số đơn vị tổ chức.
Phát biểu khai mạc, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Phạm Hồng Quất cho rằng, để thực sự xây dựng một mô hình đổi mới sáng tạo xã hội mở, cần có sự hợp tác sâu rộng giữa các ngành, đầu tư vào các sáng kiến chung tập trung vào tác động xã hội tập thể.
Ông Phạm Hồng Quất cũng kêu gọi các tổ chức, đơn vị hỗ trợ hệ sinh thái và cơ sở hạ tầng tài trợ cho đổi mới sáng tạo mở xã hội tại Việt Nam.
Phó Chủ tịch điều hành Tổ chức United Way Worldwide Sonya Anderson đề cao tầm quan trọng của việc chia sẻ các thực hành tốt, kết nối và mở ra những cơ hội hợp tác tương lai cho các bên. Đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác đa bên tạo tác động tập thể hướng tới đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững( SDGs), đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa với những vấn đề phức tạp hiện nay.
Theo ông Sonya Anderson, bằng cách làm việc cùng nhau, có thể tận dụng thế mạnh của từng bên và khai thác nhiều nguồn lực, tài năng và ý tưởng hơn.
"Hiện công nghệ, từ AI đến phân tích dữ liệu, đang giúp chúng ta thúc đẩy các giải pháp có thể mở rộng quy mô, tập trung vào cộng đồng nhanh hơn và hiệu quả hơn bao giờ hết. Nhưng không chỉ là về công nghệ; mà là về cách chúng ta sử dụng công nghệ để thu hẹp khoảng cách, tăng cường tiếng nói của cộng đồng và tạo ra tác động xã hội có ý nghĩa", Phó Chủ tịch điều hành Tổ chức United Way Worldwide chia sẻ.
Tiến sĩ Insik Hwang, Tổng thư ký Hiệp hội Quyên góp Phúc lợi Xã hội Hàn Quốc, nhấn mạnh, trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng, những thách thức chúng ta đối mặt đòi hỏi các giải pháp sáng tạo và hợp tác.
Thông qua việc chia sẻ kiến thức, học hỏi từ nhau và xây dựng các mối quan hệ đối tác vượt qua biên giới, chúng ta có thể tạo ra những thay đổi tích cực và bền vững cho cộng đồng.
Chia sẻ báo cáo "Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp hướng tới SDGs - Mô hình quốc tế và bài học cho Việt Nam" do Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ phối hợp Viện Nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững thực hiện năm 2023, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng, cho biết, đổi mới sáng tạo có vai trò quan trọng trong cộng đồng.
Thống kê cho thấy, 85% doanh nghiệp tham gia khảo sát đã lồng ghép toàn bộ hoặc một phần SDGs vào hoạt động của tổ chức. Hơn 90% các doanh nghiệp cho rằng đổi mới sáng tạo mở xã hội mang lại cho họ cơ hội tạo ra giá trị kinh doanh bền vững, tác động tích cực đến xã hội và môi trường.
Những phát hiện này khẳng định đổi mới sáng tạo mở xã hội không chỉ là xu hướng đến rồi đi mà còn là phương pháp, cách tiếp cận để doanh nghiệp lớn mạnh một cách hiệu quả và bền vững. Tiến trình này cần doanh nghiệp mở để kết nối với các bên liên quan, đặc biệt là cả nhà nước, tổ chức xã hội, viện trường, cộng đồng...
Theo EU Open Innovation Strategy and Policy Group, sự phát triển của Đổi mới sáng tạo có thể được chia thành 3 giai đoạn chính: Đổi mới sáng tạo đóng, đổi mới sáng tạo Mở và Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo Mở.
3 hình thức Đổi mới sáng tạo Mở phổ biến nhất hiện nay là: Đổi mới sáng tạo Mở xã hội; Đổi mới sáng tạo Mở khu vực công; Đổi mới sáng tạo Mở trong doanh nghiệp.
Đổi mới sáng tạo Mở xã hội được hiểu là: Người dân, các công ty startup, công ty công nghệ, viện nghiên cứu, trường đại học hay tổ chức tư nhân, nhà nước thực hiện mô hình kinh doanh, hoạt động của tổ chức với mục tiêu giải quyết các vấn đề của xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, gia tăng lợi thế cạnh tranh cho địa phương và nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân địa phương.